Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội viên nông dân cần đổi mới tư duy và nhận thức về chuyển đổi số

Nguyễn Hạnh - 07:05 07/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ các dịch vụ cho hội viên, nông dân, Hội Nông dân các địa phương đã quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Hội Nông dân các cấp đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; đào tạo cho hội viên, nông dân; tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn thương mại  điện tử để tiêu thụ sản phẩm.

Hội Nông dân luôn tạo đà cho nông dân chuyển đổi số

Được coi là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Hưng Yên đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Nhận thức tầm quan trọng cũng như lợi ích mà công nghệ số mang lại, vài năm trở lại đây các cấp Hội Nông dân thành phố Hưng Yên đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác Hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh và thành phố về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.

Hội Nông dân thành phố Hưng Yên đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho một số hội viên nông dân xã Trung Nghĩa xây dựng mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; các CLB trồng cây Cam tại xã Quảng Châu, phường Lam Sơn; các CLB chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại xã Hùng Cường, Phú Cường, Hoàng Hanh... Hội đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho một số hội viên nông dân; phối hợp Viettel Post Hưng Yên, Bưu điện Việt Nam đưa đặc sản Nhãn lồng Hưng Yên đi khắp 63 tỉnh thành trên cả nước và giới thiệu sản phẩm măng tây xanh của HTX Nông nghiệp xanh Hồng Nam và các sản phẩm nông nghiệp trên sàn giao dịch điện tử Voso.vn; sàn Postmart.vn.

Hội Nông dân thành phố Hưng Yên đã tư vấn, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho một số hội viên nông dân xã Trung Nghĩa xây dựng mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hội Nông dân thành phố Hưng Yên cũng phối hợp với Viettel Post Hưng Yên, UBND xã Hồng Nam, các HTX tại xã Hồng Nam tổ chức Hội thảo giải pháp đưa sản phẩm hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso.vn thúc đẩy phát triển kinh tế số xã Hồng Nam; tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm hàng nông sản tại các khu vực nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩn của người dân đáp ứng được yêu cầu thị trường….

Tại Thái Nguyên, qua mạng xã hội, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp cả nước, thông qua dịch vụ vận chuyển để bán hàng trực tiếp đến khách hàng. Phương thức mua bán này giúp nông dân có thể thu được tiền ngay sau khi chuyển hàng, không còn lo bị nợ đọng, quỵt nợ… Người tiêu dùng cũng mua được nông sản với mức giá hợp lý, biết rõ nguồn gốc của sản phẩm.

Ông Đặng Thái Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, các ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số đang tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương này. Không chỉ có sản phẩm chè, na La Hiên mà rất nhiều loại nông sản khác được tiêu thụ mạnh qua các hình thức bán hàng online.

Phụ nữ đồng bào dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp cận chuyển đổi số, thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu, tiến tới tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều doanh nghiệp, người dân đã sử dụng hình thức kinh doanh online để quảng bá nông sản của địa phương, sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào cai. Đặc biệt người dân vùng cao sử dụng internet tìm kiếm thông tin phục vụ cho cuộc sống không còn  là chuyện hiếm, với những địa bàn đang phát triển du lịch nhu cầu tiếp cận với internet của bà con càng cao hơn, tạo nền tảng để bà con làm du lịch hiệu quả, bền vững. Nhìn chung, nhiều bà con dân tộc thiểu số dù trình độ dân trí thấp nhưng đều cố gắng tiếp cận và ứng dụng CNTT để làm du lịch hiệu quả.

Chuyển đổi số đang mở ra nhiều "cánh cửa" mới cho nông nghiệp vùng cao Lào Cai sau giai đoạn cơ giới hóa, công nghiệp hóa. Lào Cai đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh...

Anh Lý Cầu Mây, thi xã Sa Pa chia sẻ, nhà anh kinh doanh dịch vụ du lịch homstay, từ khi sử dụng mạng xã hội đã  có nhiều khách hàng đến với nhà anh hơn, giúp gia tăng doanh số và anh cũng bày tỏ rất vui vì nền tảng mạng xã hội đã đưa lại cho anh một số kiến thức, thành quả nhất định.

Việc tiếp cận với internet cũng giúp người dân được thụ hưởng thêm nhiều thông tin văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, đẩy mạnh sản xuất, thiết thực giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số đến các hội viên nông dân

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, song quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng; diện tích canh tác nhỏ, chưa hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung.

Việc dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu bằng kinh nghiệm; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; khởi nghiệp sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số chưa nhiều và chưa rõ nét; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đối thoại chính sách "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây tại Lào Cai.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận đề xuất một số nội dung và giải pháp tuyên truyền, như: Nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số; nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; nâng cao năng lực hỗ trợ chuyển đổi số của các cơ sở Hội và tăng cường phối hợp để khai thác nguồn lực chuyển đổi số...

Bà Cao Thu Xuân Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Hội Nông dân các cấp, mỗi cán bộ, hội viên nông dân cần đổi mới tư duy và nhận thức về chuyển đổi số; tập trung suy nghĩ có những hiến kế sâu sắc với cấp uỷ, chính quyền đổi mới cơ chế và chính sách để phục vụ quá trình chuyển đổi số; có những giải pháp và hành động cụ thể để thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong quá trình chuyển đổi số quốc gia trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng đưa ra gợi ý, các HTX nông nghiệp cần tìm hiểu các giải pháp số giúp quản lý vận hành  được thuận lợi, thu hút nguồn lực trẻ vào làm việc tại HTX, liên kết với doanh nghiệp nhằm tận dụng nguồn lực tài chính, nhân sự để thúc đẩy chuyển đổi số.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đã tiếp cận công nghệ thông tin, tích cực thực hiện chương trình chuyển đổi số nông thôn.

Theo ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, để nông nghiệp chuyển đổi tổng thể và toàn diện trong thời kỳ chuyển đổi số, cần tập trung vào 3 nhân tố chính là nông nghiệp số, nông dân số và nông thôn thông minh; Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất chế biến phân phối, kết nối hình thành hệ sinh thái số nông nghiệp, thường xuyên tập huấn đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho nông dân; Không ngừng xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin đảm bảo kết nối mạng Internet băng rộng cố định và di động ở các vùng nông thôn cần được đẩy nhanh và kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục triển khai Đề án "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025". Hỗ trợ các nguồn lực để Hội Nông dân các tỉnh, trong đó có tỉnh Lào Cai triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án cùng với các chương trình của tỉnh để sớm hoàn thành mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.