Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng

Hương Giang - 07:06 06/09/2022 GMT+7
Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 140 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 51 chủ thể tham gia. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có 30-40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu này, thời gian qua, ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền các tiêu chuẩn của sản phẩm, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng qua mạng xã hội

Với mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường đều hi vọng nhận được sự yêu quý và tin tưởng từ khách hàng. Nhằm phát triển và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP chất lượng của tỉnh Hưng Yên, Sở NN PTNT đã triển khai chương trình quảng bá sản phẩm OCOP trên mạng xã hội Facebook và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Các sản phẩm được lựa chọn quảng bá đều là các sản phẩm chủ lực của tỉnh nhà với những đặc trưng mà không nơi nào có được. Nhắc đến Hưng Yên là người ta nhớ ngay đến nhãn lồng, đến gà Đông Tảo chất lượng tuyệt hảo. Nhưng không phải sản phẩm nào cũng được đưa vào chương trình quảng bá này, các sản phẩm đều phải trải qua quá trình thi OCOP rất nghiêm ngặt, qua các khâu kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Thật vui mừng khi các sản phẩm OCOP của tỉnh đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP và đều đạt số điểm từ 3 sao trở lên. Đặc biệt có nhiều sản phẩm chất lượng 4 sao có sự hoàn hảo từ chất lượng sản phẩm bên trong đến bao bì nhãn mác bên ngoài, cho thấy sự đầu tư tâm huyết trong từng sản phẩm.

Trang chủ giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hưng Yên được quảng bá trên mạng xã hội Facebook.

Những sản phẩm OCOP của tỉnh Hưng Yên khi được quảng bá trên mạng xã hội Facebook, mạng xã hội đông người dùng nhất trên thế giới hiện nay, đã đưa các sản phẩm đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng. Các chủ hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà phân phối được biết đến với sản phẩm nhiều hơn và đã liên hệ hỏi về chính sách phân phối, giá sỉ của các mặt hàng. Nhiều khách hàng từ Hải Phòng, Hải Dương hay Huế đã tìm đến với các sản phẩm OCOP của tỉnh Hưng Yên. Không chỉ có các khách hàng tìm sỉ, còn có nhiều khách hàng lẻ, vì đã từng được thưởng thức sản phẩm mà muốn tìm đến những sản phẩm chất lượng của tỉnh để mua về cho gia đình và người thân cùng sử dụng. Các mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là các sản phẩm cam, long nhãn, đậu mầm hay sản phẩm khô gà, khô heo. 

Hợp tác xã tham gia phát triển sản phẩm OCOP

Không chỉ đẩy mạnh liên kết sản xuất, những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tạo động lực cho các HTX phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 51 chủ thể tham gia. Trong đó, có 71 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là sản phẩm của HTX, có 33 HTX tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, chiếm gần 65% số chủ thể tham gia. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có 30-40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu này, thời gian qua, ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP tới HTX; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX về Chương trình OCOP; hướng dẫn các HTX thực hiện các bước theo Chương trình OCOP; hỗ trợ các HTX thiết kế nhãn hiệu, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử… 6 tháng đầu năm, Chi cục Phát triển nông thôn đã lồng ghép tổ chức được 10 buổi tập huấn về Chương trình OCOP cho các HTX; hướng dẫn, hỗ trợ 4 HTX lập hồ sơ nâng hạng và phát triển sản phẩm OCOP… Nhờ đó, đến nay đã có 17 HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 55 sản phẩm đăng ký xếp hạng. Các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP.

Phát triển sản phẩm OCOP giúp các HTX tạo ra sản phẩm chủ lực, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh phát triển sản phẩm OCOP mới, các HTX cũng chủ động nâng hạng sao cho sản phẩm đã đạt OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX đã và đang được phân phối tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh; doanh thu hằng năm của các HTX tăng trưởng từ 10% trở lên. 

Huyện Kim Động hiện có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 5 chủ thể tham gia, trong đó có 9 sản phẩm của 4 HTX trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Xác định tham gia Chương trình OCOP góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm cho HTX, tạo động lực để HTX phát triển bền vững, do đó, huyện tích cực, chủ động tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX được tham gia chương trình. Từ đầu năm đến nay, phòng đã hỗ trợ 3 HTX đăng ký tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP cho 5 sản phẩm. Hiện nay, các HTX đang tích cực hoàn thiện hồ sơ. 

Ông Nguyễn Hữu Tuệ, Giám đốc HTX chăn nuôi Nguyễn Gia, xã Chính Nghĩa (Kim Động) chia sẻ: Với mong muốn tạo ra sự liên kết trong chăn nuôi, ông Nguyễn Hữu Tuệ cùng 6 thành viên thành lập HTX chăn nuôi Nguyễn Gia. HTX có diện tích hơn 2,6ha được xây dựng ở khu chăn nuôi tập trung của xã Chính Nghĩa, nằm cách xa khu dân cư. Hiện nay, HTX nuôi hơn 6 vạn con gà đẻ; giống gà được HTX lựa chọn đưa vào chăn nuôi là gà siêu trứng Isa Brown và gà lai của Công ty Chăn nuôi Hòa Phát. Hai giống gà này có ưu điểm là khỏe mạnh, dễ nuôi, mắn đẻ, ít dịch bệnh, năng suất trứng đạt cao (270 - 300 quả/năm).

Nuôi gà siêu trứng quy mô lớn ở Hợp tác xã chăn nuôi Nguyễn Gia.

Trang trại nuôi gà đẻ trứng của HTX gồm 7 khu chuồng nuôi với tổng diện tích hơn 6.000m2 được thiết kế khép kín, khoa học, hiện đại, mỗi chuồng đều có hệ thống làm mát khi trời nắng nóng, giữ ấm khi trời lạnh. Dãy máng thức ăn chạy dài trong chuồng được thiết kế luôn khô thoáng, sạch sẽ, nguồn nước uống cho gia cầm luôn bảo đảm vệ sinh.HTX hiện nay nuôi hơn 6 vạn con gà đẻ trứng, trung bình mỗi ngày xuất bán khoảng 4 vạn quả trứng. Nhiều năm nay trứng gà của HTX được xuất bán ổn định thông qua việc liên kết với một số doanh nghiệp, bếp ăn tập thể và thương lái.

Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trứng gà, hướng tới sản phẩm được xuất bán trong các siêu thị lớn, HTX đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho sản phẩm trứng gà. Đến nay, HTX đang hoàn thành các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ, cũng như tiếp tục chủ động các giải pháp bảo đảm tiêu chí của chương trình như: Duy trì áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, bảo đảm nguồn thức ăn an toàn; áp dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi… 

Theo ông Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Hưng Yên, để các HTX tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, Chi cục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp với các địa phương, HTX tuyên truyền các nội dung của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021- 2025; tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Chương trình OCOP đưa nông sản Bắc Kạn vươn xa
(Tapchinongthonmoi) Từ chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 170 sản phẩm OCOP. Những sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương và gia tăng giá trị cho nông sản.