Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng nông thôn mới ở Bảo Lạc: Chia nhỏ để làm lớn

Hoàng Tính - 07:16 22/03/2022 GMT+7
Bảo Lạc là huyện miền núi cao của tỉnh Cao Bằng, còn có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bảo Lạc đã đẩy mạnh chủ trương “Chia nhỏ để làm lớn” thực hiện xây dựng các thôn, xóm đạt nông thôn mới rồi mới tiến tới xây dựng xã đạt nông thôn mới.

Vừa sức, hợp lòng dân

Để xây dựng thôn, xóm đạt nông nông thôn mới theo Quyết định số 376/QĐ-UBND ngày 05/4/2019 của UBND tỉnh Cao Bằng, các địa phương sẽ xây dựng và triển khai 16 tiêu chí: Tiêu chí số 1 (Ban phát triển thôn); Tiêu chí số 2 (Quy ước, hương ước); Tiêu chí số 3 (Kế hoạch thực hiện); Tiêu chí số 4 (Mô hình/dự án sản xuất kinh doanh); Tiêu chí số 5 (Kinh tế hộ); Tiêu chí số 6 (Môi trường và cảnh quan nông thôn); Tiêu chí số 7 (Giao thông); Tiêu chí số 8 (Thuỷ lợi); Tiêu chí số 9 (Điện); Tiêu chí số 10 (Thông tin và truyền thông); Tiêu chí số 11 (Nhà ở dân cư); Tiêu chí số 12 (Giáo dục); Tiêu chí số 13 (Y tế); Tiêu chí số 14 (Văn hoá); Tiêu chí số 15 (An ninh trật tự); Tiêu chí số 16 (Hệ thống chính trị).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng): "Thực hiện xây dựng nông thôn mới ở thôn, xóm, người dân huyện Bảo Lạc đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho biết: Trong quá trình triển khai và thực hiện 16 tiêu chí nông thôn mới ở xóm, thôn, các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã có những sáng tạo, cách tiếp cận phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Người dân luôn là chủ thể, phát huy vai trò của cộng đồng, làng xóm qua đó đã tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, giữa các thôn, bản, từ đó đã đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Chính quyền, Nhà nước.

Các thôn, xóm trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã tích cực đẩy mạnh việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cộng đồng, người dân cũng chủ động tranh thủ các nguồn lực được hỗ trợ và huy động sức dân để đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

Đến nay, đường làng, ngõ xóm đã cơ bản khang trang, sạch đẹp, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Những ngày đầu năm 2022 đến xóm Thiềng Lầu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc) ai cũng nhận thấy được sự thay đổi rõ rệt. Từ những cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống của bà con như: Đường giao thông, hệ thống điện, nhà văn hóa thôn được đầu tư khang trang. Kênh mương thủy lợi nội đồng đã được đầu tư với tổng chiều dài 2km đảm bảo tưới tiêu cho diện tích sản xuất nông nghiệp 65 ha của xóm Thiềng Lầu.

Ông Đàm Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc) cho hay: Giờ đây 62/62 hộ dân của xóm Thiềng Lầu luôn đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn xóm có hồ Thôm Lốm thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, chính vì vậy bà con trong xóm Thiềng Lầu đã chủ động, liên kết với nhau để phát triển mô hình du lịch cộng đồng và mô hình trồng lúa nếp hương với diện tích 16ha.

Từ đó thu nhập của người dân xóm Thiềng Lầu đã được nâng cao, đến nay thu nhập bình quân 22,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 204/267 người đạt 76,4%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xóm là 1/62 hộ bằng 1,6%. Từ những thành quả trên, xóm Thiềng Lâu (xã Xuân Trường huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021.

Hồ Thôm Lốm đã được người dân xóm Thiềng Lầu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) phát huy để làm du lịch và sản xuất nông nghiệp.

Cũng như ở xóm Thiềng Lầu, năm 2021 xóm Phiếng Sáng (xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc) cũng về đích nông thôn mới. Toàn xóm Phiếng Sáng có 60 hộ gia đình đều tích cực triển khai 16 tiêu chí nông thôn mới của thôn, xóm từ đó đời sống người dân cũng đã có sự đổi thay.

Ông Ma Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Cô Ba cho hay: Là địa phương có truyền thống về nông nghiệp, chính vì vậy khi triển khai chương trình, bà con nông dân ở xóm Phiếng Sáng bàn bạc thống nhất rồi xây dựng mô hình trồng cây hà thủ ô và mô hình trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó để phát triển chăn nuôi bền vững và đảm bảo cho tiêu chí về vệ sinh môi trường, bà con nông dân đã chủ động di rời được 13 chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn.

Giờ đây 60/60 hộ dân ở xóm Thiềng Lầu đã được sử dụng nước hợp vệ sinh; có nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; Các hộ được sử dụng điện lưới thường xuyên và an toàn; Trẻ em trên địa bàn được đi học đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình tiểu học vào trung học cơ sở; Người dân được tham gia mua đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế 275/275…

Nền tảng vững chắc cho xã nông thôn mới

Có thể thấy việc triển khai tốt 16 tiêu chí của thôn, xóm đạt nông thôn mới trên địa bàn huyện Bảo Lạc thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho biết: Trong năm 2021 trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã có 6 thôn, xóm được công nhận đạt chẩn nông thôn mới, đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi năm năm 2021 là năm mà Bảo Lạc chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thời tiết thiên nhiên bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; dịch Covid-19... Xây dựng nông thôn mới từ thôn, xóm sẽ là điểm tựa, là nền tảng vững chắc để các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Lạc thực hiện mục tiêu cao hơn là xây dựng xã đạt nông thôn mới trong những năm tới đây.

Trẻ em được đến trường đúng độ tuổi là tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng thôn, xóm đạt nông thôn mới

Đối với các tiêu chí chưa đạt, UBND huyện Bảo Lạc sẽ có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời tới các xã, thôn, xóm để xây dựng kế hoạch và thực hiện từng tiêu chí hằng năm và cả giai đoạn. Huyện Bảo Lạc sẽ ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, chủ động lồng ghép các nguồn vốn khác với nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt.