Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Phù Cát đạt chuẩn Nông thôn mới

07:11 12/05/2022 GMT+7
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 10/5/2022 công nhận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Phù Cát tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng xây dựng nông thôn mới

Năm 2011, huyện Phù Cát bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại 16 xã, khi chỉ có 4 xã đạt từ 8 – 9 tiêu chí, 9 xã đạt từ 6 – 7 tiêu chí và 3 xã đạt 5 tiêu chí; bình quân đạt 6,7 tiêu chí/xã. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân; từ đó, huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Huyện đã thành lập ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM từ huyện đến xã và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, hội – đoàn viên và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng NTM.
Trong 10 năm (2011 – 2019), toàn huyện đã đầu tư gần 1.471 tỷ đồng để triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, chủ yếu là đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng xã hội; trong đó, trung ương hỗ trợ 309 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 388,6 tỷ đồng, ngân sách huyện 147,5 tỷ đồng, ngân sách xã 359,7 tỷ đồng và huy động nhân dân đóng góp cùng các nguồn vốn hợp pháp khác trên 266 tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua tuyên truyền, vận động, người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 88,5 tỷ đồng, hiến hơn 171 ngàn m2 đất; tham gia 6.712 ngày công lao động; lắp đặt điện chiếu sáng trên 200 km đường giao thông nông thôn…. để xây dựng NTM. Tiêu biểu như gia đình bà Trương Thị Ngữ - ở thôn Hòa Đại  (xã Cát Hiệp) hiến hơn 400m2 đất đang sản xuất có hiệu quả để xây dựng đường bê tông nông thôn mà không đòi hỏi bất kỳ một khoảng đền bù nào; nhân dân thôn Phú Kim (xã Cát Trinh) tự nguyện đóng góp hơn 160 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa của xóm, thôn thêm khang trang….

Một góc khu dân cư ở trung tâm xã Cát Hưng. Ảnh Thế Hà

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã có chủ trương tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, chú trọng khơi dậy sức dân, phát huy những cách làm chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.
Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, bên cạnh việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, huyện đã phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện, đã thành lập thêm 16/16 Ban Chỉ đạo nông thôn mới ở các xã.

Để đưa những chủ trương, kế hoạch của tỉnh, huyện đến gần hơn với mỗi người dân các thành viên Ban chỉ đạo của huyện đứng chân từng địa bàn xã và Ban chỉ đạo của xã đứng chân từng địa bàn thôn nhằm tuyên truyền về nông thôn mới tại cơ sở, thôn sẽ tổ chức họp dân lấy ý kiến tham gia góp ý đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân mở đường, hiến đất, hiến tài sản, đóng góp xây dựng đường giao thông; đồng thời phát huy vai trò giám sát của chính người dân trong xây dựng công trình hạ tầng nông thôn mới, qua đó tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.

Hoàn thành 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới cấp huyện

Qua 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Phù Cát có nhiều đổi thay tích cực. Đến nay, toàn huyện có 100% xã có đường nhựa, bê tông đến trụ sở UBND xã; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa, bê tông hóa với tổng chiều dài gần 226km; 94,2% đường trục thôn, xóm được bê tông hóa, 89,3% đường ngõ xóm được bê tông và cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa; 88,9% đường trục chính nội đồng được bê tông hóa; 74,8% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa, 83% diện tích sản xuất nông nghiệp được chủ động nước tưới; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ gia đình được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh; huyện đã hoàn thành và được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Cát đã hoàn thành 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới cấp huyện; 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống kinh tế, văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ chứa nước Hội Sơn, xã Cát Sơn. Ảnh: T.GIANG

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 50,7 triệu đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 12,88% vào năm 2011 xuống còn 2,88% vào năm 2021. 

Huyện Phù Cát hiện có 100% tuyến đường huyện đảm bảo ô tô đi lại và kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; 100% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% nhà văn hóa, khu thể thao thôn phục vụ tốt hoạt động văn hóa, thể thao của người dân. Các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, y tế, giáo dục, an ninh trật tự đều đạt theo quy định.

Phù Cát đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt trên 65 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm 12% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 55% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 0,5 - 1% (theo tiêu chí mới). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 95% trở lên. Phấn đấu có 6 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hướng đến mục tiêu quan trọng của chương trình là đảm bảo đời sống của người dân nông thôn được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hương Giang (tổng hợp)