Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 ở An Giang:

Kiến nghị các bộ, ngành “gỡ khó” đối với một số tiêu chí

Ái Vân - 07:08 13/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh An Giang được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ban, ngành trong tỉnh và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn có nhiều thách thức, khó khăn trong xây dựng NTM.

Khó đánh giá duy trì, nâng chất đối với các xã đã đạt chuẩn
Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM ở An Giang thời gian qua đã tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội được quan tâm; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá, kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành Nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; từ đó thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững qua từng năm.

An Giang huy động mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển. Tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép, trong đó có huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, mạnh thường quân và người dân. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp từ đó kịp thời hướng dẫn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình. 
Bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng NTM tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn: Theo quy định tại Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 -2025, các xã phải là xã đạt chuẩn NTM đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; tăng 40 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2018-2021. Qua rà soát các xã đều chưa đảm bảo duy trì đạt theo tiêu chí mới, mức độ đạt của các xã từ 8 - 15 tiêu chí, nên rất khó đánh giá duy trì, nâng chất đối với các xã đã đạt chuẩn.
Hiện nay, chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế, thiếu hoặc chưa quan tâm nhiều đến tính liên kết bền vững đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Cảnh quan môi trường chưa thật sự gọn gàng, sạch đẹp một cách đồng đều, người dân chưa hình thành thói quen thu gom và xử lý rác thải. Chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự đột phá. Việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn thiếu tính bền vững, nhất là khi giá bán sản phẩm trên thị trường biến động theo hướng giảm thì phần thiệt hại luôn thuộc về người nông dân trực tiếp sản xuất, từ đó gặp khó khăn trong việc vận động tuyên truyền khi áp dụng canh tác theo hướng hiện đại, quy mô lớn, tập trung, áp dụng công nghệ cao.
Cần sự hướng dẫn cụ thể từ bộ ngành Trung ương
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh An Giang cho biết: Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP hiện chủ yếu các cơ sản xuất nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã… việc áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, chế biến gặp nhiều khó khăn; Chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; Các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu và điều kiện thực tế; năng lực tư vấn hỗ trợ về đổi mới sáng tạo ở địa phương còn hạn chế. Do đó, cần nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, tồn tại này và có giải pháp khắc phục. 
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP cần phải thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp để thống nhất trong nhận thức và hành động; cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, thường xuyên tổ chức các sự kiện để xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP; Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ Chương trình OCOP. Lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt để tạo đột phá, nâng cao chất lượng, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Các ứng dụng về khoa học công nghệ cần dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP. 

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP hiện chủ yếu của các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ kinh doanh, HTX…
Từ những khó khăn trên, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTB&XH có văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 5.1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục “cấp độ 1” thuộc bộ tiêu chí huyện NTM ban hành kèm Quyết định 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ tiêu 5.5. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục “cấp độ 2” thuộc bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao; kiến nghị Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 9.1; 9.2; 9.3 thuộc tiêu chí 9 Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công thuộc bộ tiêu chí huyện NTM. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 5.1 Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế áp dụng đạt cho cả nam và nữ thuộc tiêu chí 5, bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Ngoài ra, chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao quy định trên 40%. Hiện Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn, theo đánh giá chỉ tiêu này không thể triển khai thực tế.