Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kinh nghiệm chuyển đổi số ngành Y tế trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Việt Dũng - 07:31 01/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Căn cứ Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh An Giang đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó nổi bật là chuyển đổi số trong ngành Y tế với 98,7 % xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Tích cực chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Tính đến cuối tháng 9/2022, tỉnh An Giang có 89/116 xã đạt tiêu chí 8 Thông tin và Truyền thông thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 76,72%. Về phát triển hạ tầng số, toàn tỉnh hiện có 129 điểm bưu điện văn hóa xã/116 xã, trong đó 113 điểm đang hoạt động. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Về phát triển Chính phủ số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đã cung cấp tổng số dịch vụ hành chính công (toàn bộ số lượng thủ tục hành chính của tỉnh) là 2.068 dịch vụ. Trong đó số lượng dịch vụ công mức độ 3 là 517 dịch vụ, dịch vụ công mức độ 4 là 943 dịch vụ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn là 99%; Tổng số hồ sơ TTHC được tiếp nhận 513.808 hồ sơ; Số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 213.163 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 41,5%.

Hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành được triển khai từ năm 2010 cho các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc, 11 UBND huyện, thị xã, thành phố và 156 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, các quy trình quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành, đã tích hợp chữ ký số để phát hành văn bản điện tử đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tính pháp lý của văn bản trên môi trường mạng góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại, giấy tờ của các đơn vị.

Về phát triển Kinh tế số và Xã hội số, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30% so với mục tiêu 30% năm 2022 (như: thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh (Zalo, Facebook,…), họp trực tuyến (zavi, zoom, google meet,…). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Số lượng người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác là 1.000.017 người đạt tỉ lệ 68,07%.

Tỉnh cũng quan tâm, chú trọng hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thực hiện Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu, ngành Thông tin Truyền thông đã phối hợp với ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh thực hiện cùng các doanh nghiệp tập huấn cho hộ nông dân đưa lên sàn thương mại điện tử là sàn Postsmart (Bưu điện) và sàn  thương mại điện tử Vỏ sò (Viettel).

Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang đã triển khai được 664 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn kinh phí sự nghiệp trung ương phân bổ cho địa phương, góp phần vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người khu nông thôn qua các năm.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu khai mạc Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022. Ảnh Trung Hiếu

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và là động lực trong phát triển tỉnh An Giang. Chuyển đổi số là cơ hội để An Giang bứt phá, vươn lên; chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn; kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng, nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp chính quyền gần dân hơn thông qua việc giao tiếp với nhân dân trên môi trường mạng. Từ đó, kịp thời giải quyết những bất cập, đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội”. 

Tập trung chuyển đổi số ngành Y tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Tính đến nay toàn tỉnh An Giang đã có 154/156 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 (chiếm 98,7 %). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt trung bình 20,7% và các xã đạt nông nông mới đều có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt ≤ 20,5% đều đạt so kế hoạch đề ra. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm Y tế toàn dân (tính đến tháng 9/2022) đạt 86,67 %

100% các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoạt động khám, chữa bệnh đều có ứng dụng phần mềm, kết nối, liên thông và trích chuyển dữ liệu điện tử thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT b ng hình thức trực tuyến. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng mở rộng với 100% các Trạm Y tế sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia từ năm 2017, thông qua hệ thống thì lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời. Đặc biệt dù đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống. Bên cạnh đó là các tiện ích cho người dân như chủ động khai báo thông tin, đăng ký tiêm chủng, lịch hẹn tiêm, nhận tin nhắn nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh quản lý hệ thống và dựa trên báo cáo từ hệ thống phần mềm tham mưu chỉ đạo triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn quản lý nh m đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% ở quy mô xã/phường/thị trấn và sử dụng hiệu quả nguồn vắc - xin.

Đoàn thẩm định của Trung tâm Y tế huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) khảo sát thực tế tại Khoa hồi sức cấp cứu và khu vực quét vân tay cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân. Ảnh Hạnh Châu

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm: 100% các đơn vị y tế cơ sở đều ứng dụng phần mềm trong quản lý, báo cáo về phòng chống dịch bệnh theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh,
dịch bệnh truyền nhiễm.

Triển khai thực hiện Hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế, VNPT An Giang đã phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thị, TP tổ chức tập huấn triển khai hệ thống quản lý các phân hệ cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Hệ thống kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu tuyến huyện, tuyến tỉnh, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội và thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế (V20), cụ thể như: Dữ liệu thống kê y tế; nhân lực y tế; khám chữa bệnh; thuốc thiết yếu và vật tư y tế; tiêm chủng; bệnh không lây; bệnh truyền nhiễm; quản lý phòng, chống tai nạn thương tích; y tế dự phòng như: Lao, Tâm thần, HIV và các dữ liệu chuyên ngành y tế khác,… Đồng thời sẵn sàng triển khai đồng bộ thông tin người dân với cơ sở dữ liệu về dân cư theo yêu cầu.

Các bệnh viện tuyến tỉnh đang triển khai thanh toán không tiền mặt qua 2 hình thức: chuyển khoản và thẻ POS, tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế; Các Trung tâm Y tế và các tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn chuẩn bị do chưa tự chủ tài chính hoàn toàn. Cần phải đầu tư lớn về hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng, nâng cấp phần mềm HIS và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản trị và hoạt động nghiệp vụ thanh toán không tiền mặt.

Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân: Ngành Y tế An Giang đã tổ chức tập huấn triển khai phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử (EHR) trên địa bàn tỉnh An Giang cho các cán bộ Kế hoạch - Nghiệp vụ và IT tại các bệnh viện tuyến tỉnh (kể cả bệnh viện ngoài công lập), Trung tâm Y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa tư nhân có chức năng thanh toán Bảo hiểm xã hội (BHYT), Bệnh xá Quân y, Bệnh xá Công an tỉnh. Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu từ hệ thống Quản lý thông tin bệnh viện - HIS đang sử dụng tại các đơn vị vào phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử. Việc tạo lập mã số định danh y tế (ID cá nhân) trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử được tạo trên nguyên tắc sử dụng Mã số bảo hiểm xã hội và Quy tắc quản lý của hệ thống.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp để tạo được sự đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội trên địa bàn tỉnh.Tiếp tục triển khai các thủ tục để thực hiện nâng cấp Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh An Giang đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đáp ứng đẩy đủ các yêu cầu về tính năng, chức năng quy trình nghiệp vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá tại địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Tăng cường thông tin tuyên truyền đến các doanh nghiệp về những thuận lợi khi sử dụng các nền tảng số trong sản xuất kinh doanh khi người dân đến đăng ký thành lập doanh nghiệp, khuyến khích việc đăng ký sử dụng chữ ký điện tử và hóa đơn điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh.