Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Làm báo” giữa tâm dịch Covid-19

07:40 21/06/2021 GMT+7

Trong những thời điểm dịch Covid – 19 diễn ra hết sức phức tạp và rất nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, các phóng viên vẫn không quản ngại hiểm nguy để tiếp cận hiện trường, đưa thông tin chính xác, kịp thời đến cho độc giả.

Phóng viên Hữu Thắng (báo Đời sống Pháp luật).

Giữ an toàn tuyệt đối cho mình và cho cộng đồng khi tác nghiệp

Đây là lần thứ 4, dịch Covid -19 bùng phát và có lẽ là lần ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội của đất nước. Trước tình hình dịch bùng phát nhanh và phức tạp, các cơ quan báo chí yêu cầu các phóng viên tác nghiệp đưa thông tin kịp thời, chính xác nhưng cũng rất hài hòa để vừa động viên lực lượng phòng, chống dịch vừa tránh gây hoang mang cho người dân.

Huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) là điểm nóng bùng phát dịch Covid -19 trong thời gian qua với 17/18 xã và thị trấn có người bị nhiễm virus Corona, gần 700 ca F0 và hàng nghìn người F1. Các phóng viên vào tác nghiệp tại điểm dịch Thuận Thành với một tâm lý cẩn thận cao độ dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng phòng chống dịch bệnh của địa phương.

Phóng viên Gia Tưởng, báo điện tử Dân Việt chia sẻ, cái khó nhất để vào vùng dịch là vượt qua các chốt chặn cách ly vì các chốt ở Thuận Thành đều “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nếu không có giấy tờ hợp lệ.

“Để vào được địa phận huyện Thuận Thành tôi đã phải xin sẵn giấy giới thiệu của tòa soạn, tới chốt kiểm dịch đầu tiên ở xã Xuân Lâm, tiếp giáp với huyện Gia Lâm (Hà Nội) chúng tôi phải trình giấy giới thiệu, khai báo y tế. Sau khi tất cả các thủ tục hợp lệ thì tôi mới được qua chốt này để vào đất Thuận Thành. Để đi vào vùng dịch tác nghiệp, tôi đã chuẩn bị, nghiên cứu kỹ các biện pháp an toàn cho bản thân, phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm bằng cách đeo khẩu trang, thực hiện khuyến cáo 5k và chuẩn bị quần áo bảo hộ.

Tác nghiệp trong vùng dịch cũng hết sức khó khăn, vì tâm lý của người dân ngại gặp gỡ, tiếp xúc nên phải xác định trước là muốn tìm hiểu sự việc, mình sẽ gặp gỡ ai, gặp như thế nào? Trước khi đi tôi đã vạch ra 1 đề cương cho bài viết, có tìm hiểu khái quát tổng thể thông tin về dịch bệnh sẽ ảnh hưởng như thế nào về kinh tế, đời sống, thu hoạch mùa màng của bà con và đặc biệt là thông tin về đội ngũ y tế chống dịch ở địa phương. Tuy nhiên để hoàn thành công việc đề ra không dễ chút nào” – phóng viên Gia Tưởng cho biết.

Việc đưa tin về dịch Covid-19 cũng rất khó khăn với các phóng viên ảnh, đòi hỏi sự “cứng” trong nghề khi được bảo hộ từ đầu tới chân. “Tôi phải trang bị rất nhiều đồ bảo hộ như kính, găng tay, khẩu trang… cũng như máy ảnh phải chuẩn bị đầy đủ nhiều loại ống kính các tiêu cự để khi tiếp cận hiện trường, tôi có thể chụp đủ những thông tin cần thiết từ xa đến cận cảnh gửi về cho toà soạn”, phóng viên ảnh Hữu Thắng (Báo Đời sống Pháp luật chia sẻ).

Sau khi hoàn thành chuyến đi tác nghiệp, các phóng viên phải thực hiện khai báo y tế tại nơi cư trú, thực hiện cách ly 21 ngày tại nhà. Đây cũng là một biện pháp an toàn cần thiết mà phóng viên phải tuân thủ để đảm bảo công tác phòng chống dịch cùng cộng đồng.

Nhân viên y tế tiên vaccine phòng Covid- 19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh Gia Tưởng

Chia nhau miếng bánh ấm tình quân dân

Trong những lần đi tác nghiệp tại các khu phong tỏa, cách ly khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, ngoài các dụng cụ tác nghiệp thì thứ không thể thiếu đó là quần áo bảo hộ, khẩu trang và nước sát khuẩn. Vào những ngày nắng nóng đầu tháng 6 này, thời tiết ngoài trời nắng nóng 38 – 400C, các phóng viên tác nghiệp mặc quần áo bảo hộ mà cảm thấy ngộp thở, mồ hôi đầm đìa như tắm.

“Ở thời điểm dịch đầu tiên bùng phát vào đầu năm 2020, khi đó những phóng viên ảnh như tôi phải đọc nhiều thông tin và xem nhiều hình ảnh tác nghiệp của các phóng viên nước ngoài về dịch Covid-19 để học hỏi” – phóng viên ảnh Ngô Nhung (Báo Người lao động) tâm sự về nghề. Và một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần đi tác nghiệp trong vùng dịch Covid-19 của anh Ngô Nhung là khi Bệnh viện Bạch Mai thông báo dỡ bỏ lệnh phong toả vào 0 giờ đêm. Nắm được thông tin trên, anh lập tức chuẩn bị đồ bảo hộ và di chuyển đến hiện trường vào khoảng 23 giờ đêm. “Khi thu thập được những thông tin xong, do không thể mở máy tính để làm tại hiện trường vì mặc đồ bảo hộ rất khó thao tác nên tôi đã phải soạn bản thảo trên điện thoại và gọi điện hướng dẫn người thân ở nhà nhập bài. Đến khoảng gần 2 giờ sáng công việc đã xong và cởi bỏ đồ bảo hộ, khi đó tôi mới cảm nhận được sức nóng và mồ hôi ướt đẫm áo quần. Là một phóng viên thời sự, bất kể thời gian nào dù sáng hay khuya, dù mưa hay nắng, khi có vụ việc tôi luôn phải cố gắng có mặt sớm nhất và nhanh nhất để tiếp cận hiện trường”, anh Nhung tâm sự.

Phóng viên Đỗ Quốc Quân (phóng viên ảnh Báo Dân trí) kể lại: “Tôi nhớ nhất lần đi tác nghiệp tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Hôm đó, tôi cùng một đồng nghiệp đến khu vực bệnh viện để ghi nhận hình ảnh lực lượng quân đội phun khử khuẩn bệnh viện sau khi phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại đây. Khi lực lượng bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có mặt, tôi và đồng nghiệp đứng canh chừng, chờ đoàn xe phun khử khuẩn làm nhiệm vụ để tác nghiệp. Đã hơn 12h trưa, các chiến sĩ mang bánh mì, sữa, nước lọc… hô hào nhau khẩn trương ăn trưa để bắt tay vào việc.

Phóng viên Đỗ Quốc Quân (báo Dân Trí).

Lúc đó chúng tôi mới nhớ ra rằng, khu vực xung quanh bệnh viện đều đã bị phong tỏa, nhà hàng, quán ăn cũng đã đóng cửa nên chúng tôi loay hoay không thể tìm được chỗ ăn giữa trưa Hè nắng gắt, oi ả trong khi công việc sắp bắt đầu. Bất ngờ một chiến sĩ lại gần và nói: “Mời các phóng viên ăn bánh mì và uống hộp sữa cho đỡ đói. Khu vực quanh đây phong tỏa hết rồi, không có chỗ nào bán đồ ăn đâu, mời phóng viên ăn cùng anh em chiến sỹ cho ấm tình quân dân. Chúng tôi vô cùng cảm động khi chia sẻ miếng bánh mỳ với các chiến sỹ”- Phóng viên Quốc Quân chia sẻ.

“Tôi và đồng nghiệp tác nghiệp tại điểm cách ly tại tổ 15, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (đối diện viện K cơ sở Tân Triều). Có hôm đến khi ra về thì trời đổ mưa, cánh phóng viên người nào người ấy đều ướt sũng, có người còn bị té xe do ngập nước. Tuy nhiên, anh em ai nấy đều động viên cố gắng hoàn thành việc ghi hình, đưa tin, cũng như trong quá trình tác nghiệp vẫn cố gắng thực hiện các biện pháp y tế nhằm phòng ngừa Covid-19”.
Phóng viên ảnh Viết Niệm – Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Lê Hiếu (ghi)