Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng cá Nam Ô: Mai một cùng dòng chảy đô thị?

22:19 03/04/2018 GMT+7

Ban tổ chức lễ hội Cầu Ngư làng cá Nam Ô (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết vừa hoàn tất chương trình lễ năm Mậu Tuất 2018 cho dân làng đúng ngày 16/2 âm lịch như thường niên. Tuy nhiên, khác với mọi năm, lễ cầu ngư làng Nam Ô năm nay chỉ có phần lễ, mà không có phần hội. Điều này gợi lên không ít băn khoăn về tương lai của một làng cá hàng trăm năm tuổi trước áp lực đô thị hóa.

Khi lễ không còn hội…

Trao đổi với Làng Mới, ông Lê Sự, Chủ bái lễ Cầu Ngư cho biết, xưa nay, làng Nam Ô làm lễ hội Cầu Ngư thường rất đông vui, gồm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các nghi thức tế tổ tiên, tế Ông Nam Hải, cầu mong mưa thuận gió hòa để dân làm ăn thuận lợi, được mùa tôm cá… Phần hội diễn ra ở bãi ngang, với sự tham gia của cả làng, gồm nhiều hoạt động giải trí như các trò chơi dân gian lắc thúng, kéo co, đua thuyền, bơi sải, hay văn nghệ như dựng rạp diễn tuồng hát bội…

Khu vực tổ chức hội của làng cá Nam Ô giờ chỉ là một bãi đất đá nham nhở sau giải tỏa.

Tuy nhiên, năm Mậu Tuất này, làng Nam Ô không tổ chức hội nữa vì 2 lý do.

Thứ nhất, kinh tế năm nay khó khăn, vận động quyên góp không được ủng hộ của nhiều người. Ông Trần Ngọc Vinh, Trưởng ban tổ chức lễ Cầu Ngư cho biết, không ít gia đình, theo dòng chảy thị trường, đã chuyển qua làm nhiều nghề dịch vụ, không theo đuổi 2 nghề truyền thống là làm mắm và đánh cá, nên không còn mặn mà với hoạt động lễ truyền thống nữa.

Thứ hai, một thử thách lớn đã xảy ra với làng Nam Ô thời gian qua, khi dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô được khuấy động. Theo ông Vinh, dự án này đã quy hoạch nhiều năm, nhưng mãi đến năm 2016, công ty Trung Thủy Đà Nẵng, chủ đầu tư mới xúc tiến, và chính quyền địa phương đã tổ chức giải tỏa mặt bằng. Đến tháng 8/2017, gần 60 hộ dân khu vực bãi ngang của làng đã nhận tiền đền bù, dời đi các nơi ở mới cách xa làng 3 – 5 km, nên kêu gọi quy tụ về không đầy đủ được.

Hơn nữa, 1 phần làng Nam Ô ngày nào đã biến thành bãi đất giải tỏa, gạch đá ngổn ngang, các hộ dân phía trong thì cách biệt bởi hàng rào khuôn viên mặt bằng do doanh nghiệp dựng lên. Ngay khu vực làm lễ Cầu Ngư là lăng Ông và miếu Âm linh cũng nằm giữa vùng giải tỏa, không tiện tụ hội đông người.

Ông Lê Sự thực hiện nghi thức cúng lễ cầu ngư.

Theo dòng chảy, đi về đâu?

Ông Vinh nhìn nhận, sự thật thì Nam Ô cũng như các làng chài khác ở vùng duyên hải miền Trung, đều đứng trước nguy cơ tổn thất nặng nề bởi làn sóng đô thị hóa lan rộng.

Cụ thể với Nam Ô, chỉ một dự án khu du lịch sinh thái xuất hiện, là làng chài mấy trăm năm tuổi đã bị đe dọa “xóa sổ”. Ông Vinh nói: “Một làng nghề hôi mùi nước mắm, nhà cửa chen nhau, rõ ràng không thể hấp dẫn bằng các dự án biệt thự, nhà nghỉ cao cấp, các khách sạn tầm cỡ. Nên người ta sẽ dể ưu tiên dành đất, lấy đất cho các dự án đầu tư lớn ấy, hơn là tìm cách giữ lại các làng nghề truyền thống”.

Theo ông Vinh, quá trình chuyển đổi rồi mất đi đó còn gắn với những thay đổi trong nhận thức giới trẻ trong làng xã về các giá trị văn hóa lâu bền, rồi áp lực cạnh tranh từ kinh tế thị trường với các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Ông Lê Sự thực hiện nghi thức cúng lễ cầu ngư.

Ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng) nhìn nhận, dòng chảy đô thị hóa đúng là đang nuốt dần sự hiện diện của các làng nghề truyền thống, nhất là các khu vực “lợi thế” bất động sản như làng Nam Ô với ghềnh đá tự nhiên và bãi cát vàng đẹp đẽ. Do đó, rất cần có sự kiên định của chính quyền địa phương, các cấp quản lý cơ sở, rồi sự hợp tác của cộng đồng người dân, trong việc nhận thức, bảo vệ các giá trị văn hóa lâu đời, để không chấp nhận đánh đổi những giá trị trăm năm lấy những tiện nghi trước mắt.

Chúng tôi đã đề nghị chủ dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô xem xét trách nhiệm gắn bó với địa phương, trùng tu bảo tồn các địa chỉ, di tích lịch sử, văn hóa tại đây, vừa để định hướng thu hút du khách với các sản phẩm mới, ấn tượng, vừa giúp bảo vệ làng nghề truyền thống như Nam Ô”. Ông Chánh chia sẻ như vậy.

Còn theo ông Lê Sự, nếu nhà đầu tư thật sự tuân thủ cách làm quy hoạch tốt, và gắn bó cùng chính người dân địa phương để phát triển, cụ thể như hỗ trợ tổ chức các lễ hội Cầu Ngư, “thì chúng tôi rất mừng, và giá trị trăm năm của cái tên Nam Ô hay mọi làng cá khác sẽ còn được bảo vệ”.

Liên quan đến dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, hôm qua 03/4/2018, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã phát thông cáo báo chí thông tin về đề xuất của địa phương sở tại với chính quyền thành phố, đề nghị giữ ghềnh đá Nam Ô để bảo vệ cảnh quan sinh thái.

Một số khu vực đất và trục giao thông nội bộ tại đây cũng được kiến nghị xem xét thu hồi lại, tổ chức thành các hạng mục đất công cộng như bãi tắm, nút giao thông… hay khu vực thương mại trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống…

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu trao đổi với langmoi.vn, nhấn mạnh việc xem xét thu hồi, bố trí lại các tài nguyên đất đó là cần thiết. Đặc biệt với khu vực bãi cát Nam Ô nằm ở ngã ba cửa sông Cu Đê đổ ra biển, địa phương đề nghị phải giữ lại, bảo đảm các quy định về chỉ giới mép nước, mép biển theo Luật định.

Việc giữ lại bãi cát tự nhiên để sau này sử dụng vào quy hoạch bãi tắm công cộng hay phục vụ công trình công ích, là cần thiết, phòng tránh những sự việc Nhà nước phải điều đình mua lại đất tư nhân”. Ông Hưng nêu rõ như vậy.

Được biết, dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô có diện tích quy hoạch hơn 36 hecta, đã được cấp phép đầu tư từ năm 2009, sau gần 10 năm vẫn chưa hoạt động do nhiều lý do, trong đó có việc giải tỏa mặt bằng chậm trễ từ phía chính quyền địa phương.

Thụy Bất Nhi