Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Mỗi xã giúp mỗi bản” mô hình dân vận khéo ở Bố Trạch

Bùi Ánh - 07:02 04/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Để có sự phát triển gần tương xứng với nhau giữa các vùng trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) như ngày hôm nay, chương trình dân vận khéo từ mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” có vai trò rất quan trọng.

Nâng đầu, đỡ cuối, nhiệt huyết và trách nhiệm
Huyện Bố Trạch có diện tích tự nhiên 2.115km2; có 28 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã miền núi; có 4 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số với 921 hộ, 4.044 khẩu với các dân tộc Chứt, Mường, Bru Vân Kiều… hộ nghèo chiếm tỷ lệ 78,28%; hộ cận nghèo 7,6%. Hầu hết các bản của huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực III; có dân tộc Chứt là dân tộc có khó khăn đặc thù và dân tộc Bru Vân Kiều là dân tộc còn nhiều khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, ngoài những trở ngại do ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt mưa lũ tràn về, giao thông bị chia cắt, hiện tại trong huyện còn 21/22 bản chưa có hệ thống điện lưới; nước sinh hoạt phục vụ cho đồng bào còn thiếu và chưa đảm bảo vệ sinh, nhất là vào mùa khô; hệ thống các điểm trường còn tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học…
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho các xã nhận “đỡ đầu” theo từng mục tiêu cụ thể và tiến hành khảo sát tình hình thực tế để nắm được nhu cầu cần, từ đó xây dựng lộ trình phù hợp. Nhờ đó, kể từ ngày triển khai mô hình đến nay đã có nhiều đơn vị thực hiện tốt kế hoạch. Điển hình đã có 22 xã, thị trấn đã tiến hành khảo sát, triển khai thực hiện mô hình ở 22 bản với nguồn kinh phí thực hiện trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, những phần việc cụ thể như: Thực hiện 65 mô hình, công trình, phần việc có giá trị hơn 1,85 tỷ đồng, gồm: Thực hiện 12 công trình nước sạch; lắp đặt 150 hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho nhà dân, điện qua các ngầm, đường vào bản, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn về mùa mưa và ban đêm; sửa chữa 3 nhà sinh hoạt cộng đồng; làm 554m đường giao thông nội bản; hỗ trợ 40 mô hình sinh kế; hỗ trợ hoạt động thể thao; tặng 1.135 suất quà trị giá trên 310 triệu đồng. Uớc tính đã có hơn 1.144 ngày công tham gia thực hiện các công trình, phần việc của các xã, thị trấn tại các bản trong thời gian qua.

Công trình nước sạch của cán bộ UBND xã Thanh Trạch ủng hộ bản Bụt (xã Thượng Trạch).
Không giấu được niềm vui khi được đón nhận những tình cảm quý giá của các đơn vị nhận “đỡ đầu”, ông Hồ Văn Kiên - Trưởng bản Rào Con hồ hởi: “Hệ thống đèn đường sẽ tạo nhiều thuận lợi cho bà con chúng tôi trong đời sống sinh hoạt. Bà con dân bản rất phấn khởi và mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền”. Cùng chung niềm nui đó, anh Đinh Dương - một người dân bản Cờ Đỏ vui mừng chia sẻ: “Từ nay, dân bản chúng tôi đã có nước sạch để dùng, không còn lo thiếu nước mỗi khi Hè về. Có nước sạch, chúng tôi cũng yên tâm hơn về sức khỏe. Cảm ơn thị trấn Hoàn Lão nhiều lắm”.
Bám trụ, lăn lộn, nhiệt huyết với địa phương và xem đó như trách nhiệm của người cán bộ đã ăn sâu vào nếp từ những việc làm nhỏ nhất, từ đó, hình thành tinh thần “đồng cùng” lan tỏa sâu rộng trong mọi hoạt động.
Xúc tiến lộ trình xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy, Chương trình “Mỗi xã giúp mỗi bản” đã có nhiều đóng góp trên tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các bản làng từ nhiều phương diện. Trước hết, Chương trình đã giúp các bản làng khang trang hơn từ các tuyến đường được bê tông hóa, lắp điện chiếu sáng, điển hình như xã Đồng Trạch giúp bản Coóc (xã Thượng Trạch) 15 cột điện với 52 bóng chiếu sáng vào bản, sửa chữa điểm trường thành nhà sinh hoạt cộng đồng gồm 25 hạng mục; xã Đại Trạch giúp bản 39 (xã Tân Trạch) làm đường dân sinh với tổng chi phí 96 triệu đồng; xã Lý Trạch giúp bản Nô - ồng Mới (xã Thượng Trạch) tu sửa nhà sinh hoạt cộng đồng, làm hàng rào thép gai, lắp cột đèn và bóng chiếu sáng, tặng bàn inox và ghế ngồi cho nhà sinh hoạt cộng đồng;…
Không những vậy, các xã còn “cầm tay chỉ việc” xây dựng mô hình kinh tế cải thiện đời sống của người dân ở các bản như: Xã Nam Trạch giúp bản Ban (xã Thượng Trạch) xây dựng chuồng nuôi heo và cung cấp heo giống; xã Phú Định giúp bản  51 (xã Thượng Trạch) làm chuồng nuôi heo, tặng giống cây ăn quả;…
Các xã cũng đã tích cực vận động, phát huy tinh thần, trách nhiệm, vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, các nhân tố tiến bộ trong tham gia xây dựng lối sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản; quan tâm công tác phát triển đảng viên để củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ Đảng tại các bản. Vì vậy, đến cuối năm 2022, có 9/22 bản đạt bản văn hóa, kết nạp được 15 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Chia sẻ về tính thiết thực của mô hình, ông Nguyễn Quốc Hạnh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch cho biết, qua đánh giá thực trạng tại các bản dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định, hướng dẫn các đơn vị thực hiện mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”. Thực hiện chỉ đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, khối dân vận các xã, thị trấn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền nơi được phân công giúp đỡ thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại các bản, thống nhất nội dung, phương thức giúp đỡ, hỗ trợ. Sau khi khảo sát, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, trong đó, xác định rõ mục đích, nội dung, phương pháp giúp đỡ. Kinh phí thực hiện được vận động quyên góp từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhân dân của các xã, thị trấn, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Nhiều hộ biết cách phát triển sản xuất từ việc nhân rộng mô hình chương trình.
Nhìn chung, mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” được triển khai trên 4 nội dung cụ thể như: Đồng hành cùng bà con dân bản phát triển kinh tế - xã hội;  Đồng hành tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, thể dục thể thao, du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân bản địa; Đồng hành giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới, vùng có đạo; Đồng hành củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chính vì đó, khoảng cách về đời sống, văn hóa, hạ tầng giao thông,… giữa các bản được rút ngắn, tạo đà cho các xã còn khó khăn sớm đạt đích xây dựng nông thôn mới và tạo động lực cho đồng bào phát huy thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. 

Chương trình “Mỗi xã giúp mỗi bản” không chỉ hỗ trợ bà con cách làm mô hình kinh tế hiệu quả mà còn phát huy thế mạnh địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đây chính là bước đệm của chương trình để tiến tới lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện Bố Trạch.