Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Một số biện pháp kỹ thuật chống rét, phòng bệnh cho trâu, bò trong mùa đông

Việt Dũng (tổng hợp) - 13:14 18/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cơ thể trâu bò tốn nhiều năng lượng để chống lạnh, sức đề kháng giảm; tạo cơ hội cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Do vậy, người chăn nuôi cần có những biện pháp phòng chống rét hại, rét đậm cũng như phòng tránh một số bệnh mùa lạnh để bảo vệ đàn vật nuôi.

Một số phương pháp phòng chống rét cho trâu, bò

Chuẩn bị chuồng trại: Cần  tận dụng sửa chữa, nâng cấp chuồng cũ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Chuồng trại phải cao ráo, xung quanh có rãnh thoát nước, nền cao hơn mặt đất 40 - 50 cm, có độ dốc 2 - 3%. Cửa chuồng hướng về phía nam hoặc đông nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng. Mái chuồng cao 3 m, thành chuồng cao từ 0,8 - 1,2 m. Đối với các hộ dân vùng núi chưa có chuồng trại, cần tiến hành làm chuồng để di chuyển đàn gia súc thả rông về nuôi nhốt. Trong chuồng nên có ô thoáng phía trên để gió vẫn lưu thông. Khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng.
Chuẩn bị thức ăn: Việc dự phòng thức ăn cũng rất quan trọng vì chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét. Vào đầu vụ rét, cần chuẩn bị sẵn thức ăn dự phòng cho trâu bò bằng cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm, thân lá ngô, ngọn mía, khoai lang, thân chuối… để ủ chua làm thức ăn. Chuẩn bị các loại thức ăn tinh bổ sung như cám gạo, bột ngô, sắn, thức ăn hỗn hợp… Với trâu bò trưởng thành: có trọng lượng khoảng 300 kg trở lên, trong vụ rét cần chuẩn bị trung bình: Thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn..): 150 kg + Thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…): 400 kg.
Chuẩn bị vật liệu chống rét: Rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng; Trấu, củi để đốt sưởi; Bạt, bao ni lông, bao xi măng, phên, nứa để quây, che xung quanh chuồng. Có thể sử dụng các tấm chăn, chiếu, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống rét cho trâu, bò (nên sử dụng chất liệu bông, dễ thấm nước. Không dùng chất liệu ni lông vì chất liệu này không thấm nước, hơi nước sẽ đọng lại và thấm ngược trở lại làm trâu bò bị rét). Hoặc có thể sử dụng vỏ bao khâu thành 2 lớp rồi lồng rơm hoặc cỏ khô rồi khâu lại để làm áo chống rét cho trâu, bò trong vụ đông rất tốt.


Sử dụng vỏ bao khâu thành 2 lớp rồi lồng rơm hoặc cỏ khô rồi khâu lại để làm áo chống rét cho trâu, bò trong vụ đông. Ảnh minh hoạ

Theo dõi thời tiết: Cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Buổi sáng cho trâu bò đi ăn phải sau 8 giờ sáng khi đã có ánh nắng, cỏ đã tan sương, những ngày gió rét dưới 150C nên giữ gia súc ở tại chuồng, không nên cho đi chăn thả. Nếu nhiệt độ dưới 150C bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài cần đảm bảo những yêu cầu sau: Thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 9 giờ sáng khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh; Gia súc cần được giữ ấm bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài, đặc biệt là những gia súc yếu và còn non.

Một số biện pháp phòng chống rét cơ bản cho trâu, bò:

Độn chuồng: Cần giữ cho bộ lông của trâu bò thật sạch và khô. Sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng cho đàn trâu, bò trong mùa đông sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến gia súc. Tùy vào điều kiện thực tế mà có thể rải một lớp độn chuồng dày từ 5 - 15cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn. Hàng ngày, cần dọn vệ sinh sạch sẽ phân và nước tiểu, đồng thời bổ sung thêm chất độn chuồng ở phía trên, miễn làm sao cho chất độn chuồng không bị ướt, ẩm là được.

Che chắn tránh gió: Khi che chắn chuồng nên che chắn bằng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan lại. Tuy nhiên, không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật (khoảng từ 1,8 - 2m).

Cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng: Vào những ngày bình thường, cho trâu bò trưởng thành ăn khoảng 25 - 30 kg thức ăn thô và 1,5 kg thức ăn tinh, chia làm hai bữa. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại thì cần điều chỉnh tăng lượng thức  ăn tinh lên khoảng 2 kg để bổ sung năng lượng giúp trâu bò chống lại giá rét. Chú ý, cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước vì nếu cho ăn thức ăn tinh hay uống nước trước thì trâu bò sẽ có cảm giác no, sử dụng lượng thức ăn thô ít đi.

Để tăng sức đề kháng cho trâu, bò cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng: Dùng vitamin tùy theo hướng dẫn từng loại. Pha nước muối: pha nước ấm 37 - 380C với muối, nồng độ 0,1 - 0,3% tương đương 10 - 30g muối/ 10 lít nước. Cảm nhận mặn như nước canh là vừa. Vào những ngày trời rét cần cho trâu bò uống nước ấm.
Đốt lửa chống rét: Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì cần đốt lửa chống rét cho trâu, bò. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi trấu, nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng. Cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.
Mặc áo chống rét: Khi nhiệt độ dưới 120C thì mặc áo chống rét cho trâu bò. Chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi; chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt dưới bụng. Khi trời nắng (thường sau 9 giờ sáng) nên bỏ áo để trâu, bò hưởng nắng ấm.
Vệ sinh chuồng trại: Cần thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại. Định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 - 3 tuần/1 lần để tăng cường việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sát trùng như: Benkocid, HanIotdin… Khi sử dụng cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin: Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho trâu bò theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi: Hàng ngày người nuôi cần theo dõi sức khỏe của đàn trâu bò để chăm sóc và điều trị kịp thời khi con vật ốm. Phát hiện sớm khi vật nuôi bị một số bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng… phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời.

Phòng, tránh 4 bệnh trâu, bò thường mắc khi trời rét

Bệnh viêm phổi:

Triệu chứng: Bê non dưới 1 năm tuổi mắc bệnh với tỷ lệ cao và nặng hơn ở bò trưởng thành. Thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày. Sau thời gian đó có các biểu hiện mệt mỏi, ăn kém và sốt cao, thường 40 – 420 C, sốt liên tục trong quá trình bệnh. Sau đó, trâu, bò bị bệnh chảy nước mắt, nước mũi liên tục và thở khó khăn tăng dần. Bê con bị bệnh nằm một chỗ, ngóc cổ thở mạnh, nhanh và khó khăn. Bệnh nặng sẽ xuất hiện chảy mủ từ mũi con vật, ho khạc từng cơn. Những cơn ho này xảy ra nhiều vào đêm khuya và sáng sớm.  Do tổn thương phổi, việc tiếp nhận dưỡng khí khó khăn (thiếu dưỡng khí trong máu) nên niêm mạc mắt, miệng của trâu, bò bị bệnh thấy đỏ sẫm, xung huyết, sau đó là tím tái. Khi bị bệnh, bê con bị chết tỷ lệ cao 60 – 70% số bị bệnh. Khi chuyển thành bệnh mãn tính sẽ kéo dài hàng tháng.

Phòng bệnh: Không thay đổi khẩu phần ăn quá đột ngột, bổ sung thức ăn tinh. Bổ sung vitamin, muối khoáng để tăng cường sức đề kháng cho bò. Cách ly gia súc với nguồn lây truyền bệnh, tránh mượn dụng cụ ở các trại chăn nuôi khác. Khi có nguy cơ phát triển thành dịch, tiêu độc mỗi ngày 1 lần (liên tục 3 – 7 ngày), định kỳ tiêu độc mỗi tuần hoặc 2 – 3 – 4 tuần/lần. Tiêm phòng lần đầu khi bò trên 4 tháng tuổi, liều thứ 2 sau đó 4 tuần, tái chủng 6 tháng/lần. Chú ý kiểm tra ký sinh trùng (nội, ngoại ký sinh) bằng cách tẩy giun sán định kỳ.

Điều trị: Cho gia súc nghỉ ngơi, giữ ấm, cho ăn thức ăn giàu năng lượng. Sử dụng Marnagin – C và Phar-NalginC để hạ sốt. Sử dụng kháng sinh tuân theo chỉ định của thú y theo thể trạng từng vật nuôi.

Bệnh tụ huyết trùng 

Nguyên nhân: Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn tụ huyết trùng gây ra. Vi khuẩn có sẵn trong đất, dễ phát tán vào mùa mưa, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi theo nguồn nước; trâu, bò mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn. Có thể một số trâu, bò mang mầm bệnh nhưng chưa biểu hiện bệnh. Gặp các điều kiện bất lợi như thiếu thức ăn, nước uống, thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh mưa rét, gia súc làm việc quá nặng nhọc, sức đề kháng kém thì vi khuẩn tăng cường độc lực, xâm nhập vào máu gây bệnh.

Triệu chứng: Trâu bò thường mắc bệnh ở 3 thể: thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.

Thể quá cấp: trâu bò đột nhiên sốt cao, hung dữ, bệnh phát rất nhanh và chúng có thể chết sau 24 giờ. Trâu bò chết đột ngột ngay trên bãi chăn hoặc trong chuồng, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. 

Thể cấp tính: bệnh tiến triển trong 3 – 5 ngày, tỷ lệ chết rất cao, từ 90 – 100%. Sau thời kỳ ủ bệnh 1 – 3 ngày, con vật có biểu hiện không nhai lại, sốt cao đột ngột, khó thở và thở mạnh do viêm màng phổi, viêm phổi cấp tính. Lúc sắp chết, thấy bò nằm liệt, khó thở, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Nếu bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu thì con vật chết nhanh trong 24 – 36 giờ.

Thể mãn tính: xuất hiện ở những con mắc bệnh thể cấp tính không chết, bệnh sẽ chuyển thành mãn tính. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng: viêm ruột mãn tính (lúc ỉa chảy, lúc táo bón), viêm phế quản và viêm phổi mãn tính, viêm khớp và con vật đi lại khó khăn, giảm ăn, gầy nhanh.

Phòng bệnh: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, tẩy uế chuồng trại bằng nước vôi 10% hoặc bằng các thuốc sát trùng; khơi thông cống rãnh quanh chuồng, bãi chăn để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên. Khi có dịch xảy ra cần phát hiện kịp thời những con ốm để cách ly và điều trị; trâu, bò chết phải chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn, tẩy uế chuồng trại, bãi chăn, ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

Người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng 6 tháng/lần vào tháng 3 – 4  và tháng 9 – 10 trước khi giao mùa. Ảnh minh hoạ

Tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng 6 tháng/lần; tiêm phòng vào tháng 3 – 4  và tháng 9 – 10 trước khi giao mùa. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh nhất là trong lúc giao mùa và trời lạnh giá, mưa rét.

Điều trị: Do đặc điểm bệnh thường xảy ra ở dạng cấp tính nên cần phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời mới hiệu quả. Điều trị bằng kháng sinh Streptomycin, Kanamycin, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Con vật sốt cao tiêm thuốc hạ sốt, tăng cường trợ sức trợ lực; con vật quá yếu, bỏ ăn cần truyền huyết thanh, tăng cường chăm sóc, dinh dưỡng.

Bệnh cước chân 

Nguyên nhân: Do thời tiết lạnh, vùng núi cao thường xuyên có băng giá và sương muối, nhiệt độ xuống dưới 100C làm cho đàn trâu, bò dễ mắc bệnh cước chân. Thời tiết lạnh, trâu, bò phải đứng và nằm trong chuồng nuôi ẩm, ướt; phải làm việc ngâm chân lâu trong nước lạnh làm cho hệ thống mao mạch ở chân bị co lại gây trở ngại cho việc lưu thông máu. Nếu tiếp diễn khoảng 2 – 3 ngày dẫn đến hiện tượng phù nề xung quanh móng chân, cổ chân, trâu bò không đi lại được.

Triệu chứng: Giai đoạn mới mắc bệnh, chân sưng nhẹ, con vật đi lại chậm chạp, khập khiễng. Nếu không được điều trị kịp thời, chân sẽ có biểu hiện phù nề, sưng tấy, nhiều vết tím đỏ hoặc có vết nứt da, rỉ nước màu vàng, trâub ò không đứng dậy đi lại được, nếu vết thương sâu làm cho trâu, bò bị què phải nằm tại chỗ. Bệnh cước chân ở trâu, bò tuy không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể xảy ra hàng loạt gây ảnh hưởng lớn đến việc cày kéo và vận chuyển. Trâu, bò giảm tăng trọng và giảm sức đề kháng, dễ gây nhiễm các bệnh kế phát.

Phòng bệnh: Những ngày thời tiết giá lạnh (dưới 120 C) không chăn thả trâu, bò ở ngoài trời, cần cho trâu, bò nghỉ cày kéo. Luôn giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, che chắn kín gió, giữ ấm cho gia súc và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Thường xuyên quan sát đi lại của trâu, bò, nếu thấy hiện tượng như đã nêu ở phần triệu chứng cần có phương pháp điều trị kịp thời để trâu, bò nhanh bình phục. Dùng vật liệu giữ ấm cho gia súc như làm áo khoác bằng chăn, bao tải, hoặc nâng nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách đốt than, củi  để sưởi ấm cho trâu, bò. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn trâu, bò trước mùa mưa rét. Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi

Điều trị: Nếu bệnh mới xuất hiện cần rửa sạch, lau khô chân, dùng gừng, riềng giã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải rồi chườm vào chỗ sưng hoặc dùng rơm rạ, bao tải… chà xát nhiền lần vào chỗ sưng làm cho máu tụ tan ra, mạch máu lưu thông trở lại, mỗi ngày chườm 2 lần. 

Dùng cồn Methylxalixilate xoa vào chân trâu, bò sau khi đã rửa sạch, lau khô. Không để trâu bò nằm lâu một bên sẽ gây hoại tử phần da tiếp súc xuống nền chuồng. Nếu chân có chỗ bị vỡ, loét đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím, sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid. Nếu chân có nhiều chỗ hoại tử cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử, sau đó điều trị kháng sinh liên tục trong 5 – 7 ngày. Tiêm  kháng sinh theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất. 

Bệnh lở mồm long móng 

Nguyên nhân: Do virus thuộc họ Picorna Viridae gây ra, virus có nhiều type khác nhau, virus typ O, A Asia 1; là một bệnh cấp tính nguy hiểm và lây lan rất nhanh. 

Triệu chứng: Trâu bò ủ bệnh từ 2 – 7 ngày, đôi khi kéo dài 14 ngày. Con vật sốt cao, ăn ít, uống nước nhiều, nước dãi từ miệng chảy ra như bọt xà phòng. Sau khi con vật sốt 2 – 3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc lưỡi, hàm trên, miệng, mũi. Mụn ở chân móng và kẽ móng làm cho con vật đi lại khó khăn. Các mụn nước lớn lên và vỡ ra tạo thành những nốt loét đỏ. Các nốt loét ở chân do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên có thể bị nhiễm trùng, gây ra bong móng, làm cho con vật đi đứng khó khăn hoặc nằm một chỗ.

Bệnh lở mồm long móng của trâu, bò là một bệnh cấp tính nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Ảnh minh hoạ

Phòng bệnh: Thực hiện tốt vệ sinh thú y, giữ gìn chuồng khô sạch và ấm; định kỳ  tiêu độc khử trùng. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong những ngày mưa rét, rét đậm rét hại; bổ sung thức ăn tinh và thức ăn thô xanh. Tiêm vắc-xin lở mồm long móng 6 tháng/lần. Khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

Điều trị: Chưa có thuốc đặc trị. Điều trị các triệu chứng như sau: Dùng các chất sát trùng nhẹ (xanh Metylen, thuốc tím 1%), nước chanh, nước khế để rửa, sát trùng các chỗ lở loét. Dùng nước sắc các loại như: ổi, chè xanh… để rửa các vết loét; Dùng thuốc trợ sức bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất; Dùng kháng sinh để chống các bệnh nhiễm trùng kế phát.