Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người góp phần xóa bỏ hủ tục ở Ia Phí

Phương Dung - 07:25 08/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Gương mẫu, tâm huyết, “nói được, làm được” là nhận xét của bà con nhân dân xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai dành cho ông Rơ Châm Haih - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Những năm qua, ông luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động đẩy lùi những hủ tục vốn ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, ra sức xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.
Ông Rơ Châm Haih (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền, vận động người dân làng Or đẩy lùi hủ tục.

Vận động bà con xoá bỏ các tập tục lạc hậu

Phát huy vai trò Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ia Phí, ông Rơ Châm Haih thường xuyên phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe, không tin, không làm theo lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu. Đồng thời, ông vận động người dân duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ bỏ các tập tục lạc hậu.

Ông Rơ Châm Haih từng trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương như: Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã trước khi đảm nhận công việc hiện tại nên ông Haih hiểu khá rõ về tình hình đời sống của người dân. 

Ông Haih cho biết: Xã Ia Phí có 1.740 hộ dân, trong đó gần 99% là hộ dân tộc thiểu số. Đời sống của bà con nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.

Theo ông Rơ Châm Haih, trước đây, mỗi khi trong làng có ma chay, cưới hỏi, gia chủ thường tổ chức ăn uống dài ngày, giết mổ nhiều heo, bò, gà. Người dân trong làng cho rằng, heo càng to, bò càng nặng thì càng thể hiện rõ sự hiếu thảo, quý mến mà người còn sống dành cho người đã khuất. Vì vậy, nhà nào không có heo, có bò sẽ đi vay mượn, sau đó đi làm thuê làm mướn hoặc chờ đến khi thu hoạch mùa màng thì trả. 
“Việc cưới cũng lãng phí không kém. Họ chia vui với gia chủ bằng việc mang rượu, gà, gạo, thuốc lá làm quà. Đồ ăn, thức uống sẵn hết nên người làng say sưa không dứt”- ông Haih thông tin.

Gắn bó cả đời với vùng đất này nên ông Haih hiểu rất rõ rằng, muốn thay đổi tập quán, thói quen vốn đã ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt của người dân cần cả một quá trình. Song với phương châm “cần là có, khó là tới và nói là làm”, ông từng bước thuyết phục, giúp người dân nhận ra việc tổ chức ăn uống kéo dài vừa lãng phí thời gian, tiền của, vừa tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng môi trường, quá trình sản xuất... 

Ông khuyên người dân: “Việc cưới, việc tang nên tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Người làng đến chia vui với gia chủ bằng tiền, bằng quà; chia buồn bằng phúng viếng thay vì mang đồ ăn, thức uống. Điều đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm, đôi khi còn giúp gia chủ giảm bớt gánh nặng kinh tế. Cái gì không còn phù hợp nữa chúng ta phải bỏ đi, phải tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”. Nói một lần người dân chưa tin, ông nói nhiều lần. Ông vận động, tạo sự chuyển biến từ chính những người thân, họ hàng trước. Cứ thế, bằng sự kiên trì, ông đã góp phần xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng dân cư. 

Bà Rơ Châm Phyuch (làng Op) cho biết: “Trong làng giờ có đám tang, người dân mang tiền đến phúng điếu chứ không mang rượu, thuốc lá như trước. Đám cưới vẫn mổ heo, mổ bò và sui gia, anh em kết nghĩa, con cháu có điều kiện thì vẫn góp thêm nhưng không bắt buộc. Mình thấy làm như thế vẫn đầy đủ nghi thức, không ảnh hưởng gì đến tình cảm anh em, bà con”.

Hết lòng với bà con nhân dân

Không chỉ vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, ông Haih còn tích cực hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chung tay bảo vệ môi trường. 
Ông quan niệm, làm cái gì tốt cho bà con, tôi luôn cố gắng hết sức. Tôi nói bà con, trồng cây gì cũng cần phải bón phân, tưới nước, nếu không chăm sóc thì đừng trồng vì chỉ mất thời gian. Nuôi heo, nuôi bò cũng vậy, phải làm chuồng trại cẩn thận, chăm sóc, phòng bệnh đầy đủ. Tôi cũng vận động các gia đình quan tâm đưa con đến trường vì không biết chữ, không có kiến thức là “đường xa mắt mù”. 

Trong gia đình, ông bảo ban các con chăm chỉ làm ăn. Hiện ông đang canh tác 7 sào lúa nước, 1ha cà phê và 2,3ha mì, bình quân mỗi năm thu khoảng 300 triệu đồng chưa trừ chi phí.

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, ông quan tâm chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2020 và 2021, từ nguồn kinh phí cấp trên cộng với Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương cùng sự tham gia tích cực ngày công lao động của các lực lượng, xã đã xây dựng, bàn giao 5 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo. 

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, ông Rơ Châm Haih đã cùng với các lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí Rơ Châm Phenh nhận xét: “Ông Haih rất năng nổ, nhiệt tình. Ai cần giúp đỡ, ông đều sẵn sàng. Ở đâu có mâu thuẫn, xích mích, ông đều nắm bắt và tham gia giải quyết. Ông đã góp tiếng nói quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết”.

Nói thêm về kinh nghiệm hoà giải ở cơ sở, ông Rơ Châm Haih cho biết: Để làm tốt công tác vận động và hoà giải, mình thường xuyên “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thuyết phục mọi người hiểu được lẽ phải và phân biệt cái đúng, cái sai. Có nhiều trường hợp mâu thuẫn kéo dài thì mình phải đi lại nhiều lần, kiên trì, khéo léo nắm bắt tâm tư từ đó chia sẻ, làm chỗ dựa uy tín thì bà con mới tin tưởng, nghe theo. 

 “Làm cái gì tốt cho bà con, tôi luôn cố gắng hết sức. Tôi nói bà con, trồng cây gì cũng cần phải bón phân, tưới nước, nếu không chăm sóc thì đừng trồng vì chỉ mất thời gian. Nuôi heo, nuôi bò cũng vậy, phải làm chuồng trại cẩn thận, chăm sóc, phòng bệnh đầy đủ. Tôi cũng vận động các gia đình quan tâm đưa con đến trường vì không biết chữ, không có kiến thức là “đường xa mắt mù”.
 Ông Rơ Châm Haih.