Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Người hầu” của những linh hồn…

07:22 23/07/2018 GMT+7

Đó là nghĩa vụ, là sứ mệnh mà người đồng bào Tây Nguyên “phó thác” vào khiến tượng nhà mồ đồng bào các dân tộc thiểu số vừa mang ý nghĩa tâm linh, hoài niệm về người đã khuất. 

Tuy nhiên, trước tác động của thời gian và quan niệm sống đang thay đổi, tượng mồ dần dần bị lãng quên. Năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng, tan biến những tác phẩm nghệ thuật tượng mồ vào với đất…

Mối quan hệ giữa sự sống và cái chết

Theo chân già làng Rơ Châm Kra ở làng Kép I, xã Ia Mơnông, huyện Chư Păh, chúng tôi tới thăm khu nhà mồ làng Kép I, Kép II. Nằm phía cuối làng, dưới những gốc cây cổ thụ rêu phong, những bức tượng người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều quanh hiu, u tịch. Không gian trầm lặng mà có hồn, có cảm. Đó là những “lễ vật” thể hiện lòng tiếc thương của người sống đối với người đã khuất. Tượng nhà mồ gìn giữ mối quan hệ ràng buộc giữa sự sống và cái chết, được hình tượng hoá một cách mộc mạc thông qua hình dáng con người trong sinh hoạt, những con vật gần gũi với đời sống thường nhật với mong muốn theo hầu hạ, bầu bạn với người chết ở thế giới bên kia.

Bà Rơchâm Dây, làng Kép 1, xã Ia Mơnông, huyện Chư Păh bên bức tượng nhà mồ mang ý nghĩa hoài niệm về những linh hồn khuất núi.

Với cộng đồng các dân tộc J’rai, Bahnar, Ê-đê… khu vực Tây Nguyên luôn quan niệm rằng: con người luôn luôn tồn tại sự sống ở một thế giới khác sau khi chết. Ở thế giới mới mẻ, lạ lẫm ấy, họ cũng cần được “chia phần” của cải của người sống, cần được sinh hoạt, giải trí như đang tồn tại trên dương gian. Và để giúp người sang thế giới bên kia được vui vẻ cùng với atâu (ông, bà, tổ tiên), những bức tượng gỗ được giao nhiệm vụ là người hầu cho những linh hồn, người J’rai gọi là hlun, Bahnar gọi là đik…

Quan niệm chết nghĩa là bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia, thế giới tồn tại của những linh hồn. Khi người chết ra đi là ra đi để sống một cuộc sống khác. Ngôi nhà mồ, pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho những cuộc chia tay, cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Để người chết ra đi thanh thản và có cuộc sống đầy đủ ở thế giới bên kia.

Bức tượng đôi trai gái giao hoan mang ý nghĩa sinh thành tại khu nhà mồ làng Kép 1, xã Ia Mơnông, huyện Chư Păh.

Tại khu nhà mồ tại làng Kép I, xã Ia Mơnông chúng tôi như lạc vào cả một mê cung của rừng tượng gỗ với rất nhiều hình tượng đa dạng về cách thể hiện xung quanh quan niệm về sự sinh thành: một cặp tượng trai gái đang phô bày cơ quan sinh dục của mình hoặc giao hoan. Đứng bên cặp tượng trai gái đó, là tượng đàn bà chửa, còn các góc quanh rào là tượng những hài nhi đang ngồi khóc trong hoài tưởng.

Tượng nhà mồ – “người hầu” của linh hồn

Lý giải về ý nghĩa của những bức tượng, già làng Kép I, cụ Rơchâm Kra bày tỏ: “Lũ làng tôi xem hlun- tượng nhà mồ – là tất cả tình cảm, sẻ chia cả về của cải lẫn tinh thần của người đang sống cho những linh hồn ở thế giới bên kia.”.

Cũng theo già Rơchâm Kra, tượng nhà mồ biểu hiện ý niệm về sự sinh thành nên nghệ nhân tạc tượng thường tập trung diễn đạt xung quanh ba hình ảnh chủ điểm: giao hoan, đàn bà chửa và hài nhi được thể hiện cùng một lúc trên một mặt phẳng của lối rào quanh mồ. Bên cạnh đó, một số tượng người ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống; tượng người đánh trống đánh chiêng thể hiện không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết…

Đoàn nghệ nhân xã Ia Siơm, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã khiến người xem ngỡ ngàng trước bàn tay tài hoa, tâm hồn tĩnh lặng, kiên nhẫn khi tạc nên những bức tượng nhà mồ mang ý nghĩa tâm linh giữa người sống-người chết nhưng vẫn gần gũi với đời sống thường nhật.

Có thể nói, tượng nhà mồ mang tất cả thông điệp, hơi thở cuộc sống buôn làng cho những linh hồn sang thế giới atâu – ông, bà, tổ tiên. Là người gắn cuộc đời mình với gia đình, cộng đồng cùng nỗi thương tiếc, hoài niệm không nguôi về người vợ đã mất – người chủ gia đình theo chế độ mẫu hệ của cộng đồng J’rai, già Rơchâm Kra bộc bạch: “Vợ tôi cũng đã mất được gần 3 năm, tôi sẽ gửi theo cho bà ấy một cặp tượng vợ chồng. Để ở bên kia, bà ấy có người làm bạn, không phải cô đơn.”.

Cuộc sống mới vẫn sẽ bắt đầu với những linh hồn khuất núi

Cuộc sống cộng đồng Bahnar từ bao đời nay luôn có quan niệm bất thành văn: “Khêi ning nơng, pơm bơxát” nghĩa là “tháng nghỉ, làm nhà mồ”. Không chỉ người Bahnar, đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, “tháng nghỉ” đó là mùa lễ hội, mùa vui, mùa “uống tháng, ăn năm, trâu đâm, lợn mổ”. Do vậy, việc tạc tượng, dựng nhà mồ, tổ chức lễ bỏ mả được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất thấm đẫm văn hóa cộng đồng.

Đã trải qua hơn 80 mùa rẫy nhưng đôi tay của già Rơchâm Kra vẫn còn khéo léo, tâm hồn thanh thoát và tinh thần luôn luôn nhẫn nại khi tạc tượng nhà mồ. Suốt gần 60 năm cầm con dao, cái đục đẽo gỗ gắn với công việc tạo ra các hlun-tượng nhà mồ, già Rơchâm Kra hiểu rõ ý nghĩa linh thiêng của từng hình tượng được đẽo gọt. Mặc dù sau giờ phút “biệt ma” được thể hiện qua lễ bỏ mả và có lẽ thời gian với năm tháng, nắng mưa sẽ làm những bức tượng gỗ mục nát, tan biến vào với đất nhưng trong ý niệm của người còn sống, một cuộc sống mới ở thế giới bên kia sẽ bắt đầu với những linh hồn khuất núi…

* * *

Mặc dù mang ý nghĩa tâm linh dọc theo suốt hành trình cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên nhưng trên phương diện nội dung nghệ thuật, tượng nhà mồ hiện đang dần thay đổi kéo theo ý niệm về sinh thành của từng cộng đồng J’rai, Bahnar, Ê-đê… cũng dần biến mất theo thời gian. Minh chứng cho vấn đề này là khu vực nhà mồ tại các xã Ia O, Ia Chía, huyện Ia Grai, xã Kông Yang, Yang Trung…, huyện Kông Chro; xã Ia Ka, Ia Mơnông…, huyện Chư Păh.v.v… không còn giữ được vẻ đẹp thuần khiết vốn có. Một số tượng nhà mồ đáng lý phải thể hiện ý niệm về sự sinh thành đã từng bước “chuyển mình” thành hình ảnh những người theo hầu người chết: những cặp trai gái giao hoan biến thành những chàng trai, cô gái, hay đàn ông, đàn bà, những hài nhi biến thành những người buồn, người khóc…

Quần thể Hlun-tượng nhà mồ của cộng đồng J’rai tại xã Ia O, huyện Ia Grai.

Thời gian gần đây, những thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số phần nào tác động đến quan niệm nghệ thuật tạc tượng nhà mồ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số nghệ nhân dân gian hiện nay thích làm cho tượng của mình giống với thực tế cuộc sống hơn nên vô tình đánh mất tính trầm tư, khái quát và hoành tráng vốn có của tượng nhà mồ. Nội dung thì ngày càng nhiều thêm, trong khi đó tính nghệ thuật lại ngày một mất đi…

Bên cạnh đó, chính phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên cũng là một trong những nguyên nhân khiến tượng nhà mồ mất dần ý nghĩa văn hoá trong đời sống cộng đồng. Tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong những ngày lễ hội mà thôi. Thế là, chỉ sau lễ bỏ mả, tượng mồ dần dần bị lãng quên và năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng, tan biến những tác phẩm nghệ thuật tượng mồ vào với đất….

Thanh Luận