Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ninh Thuận: Phấn đấu 80% người dân nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2025

Khánh Vy - 15:20 31/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để đảm bảo người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh để đến năm 2025 phấn đấu có 80 % dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt chất lượng.
Người dân  ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa với niềm vui sử dụng nước tận nhà. (Ảnh: Đức Cường)

Đảm bảo cung cấp 60 lít nước/người/ngày

Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận xác định cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Thực hiện mục tiêu trên tỉnh Ninh Thuận đã đề ra kế hoạch cụ thể đến năm 2025, phấn đấu 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, trong đó có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; đảm bảo ít nhất 95% hộ dân được tiếp cận nước sạch sinh hoạt trong và sau thiên tai. Về bảo vệ môi trường nông thôn, tỉnh Ninh Thuận cũng đưa ra chỉ tiêu có ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả; 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đối với chất thải trong chăn nuôi phải đảm bảo 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định;  100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm

Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2045 có 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương; vốn tài trợ, vốn vay của các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn khác tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn bền vững, thích ứng phó với biến đổi khí hậu, có công suất từ 3.000-8.000m3/ngày, đêm. Trong đó, tỉnh chú trọng ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển.

Hiện, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ninh Thuận đã quản lý, vận hành 42 nhà máy nước sạch, cung cấp cho 221/222 thôn của 40 xã/344 nghìn người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, trước đây, đồng bào Raglai, Chăm ở các huyện huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam… phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để sinh hoạt. Khi mùa khô đến, nước sông, suối cạn kiệt, bà con luôn bị thiếu nước. Nay, Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy cấp nước sạch nông thôn, nước sinh hoạt được đấu nối dẫn đến tận nhà dân, nên đồng bào không còn lo lắng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa. Qua đó, chất lượng đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần tích cực trong hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để người dân được hưởng lợi

Để đạt được các mục tiêu, kế hoạch trên, năm 2023 tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra một số nội dung trọng tâm thực hiện như: Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có. Trong đó tập trung ưu tiên nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Nhà máy nước Phước Hòa, huyện Bác Ái được mở rộng nâng công suất 100m3/giờ, cung cấp cho 428 hộ dân ở 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái và 658 hộ dân 2 thôn Tân Lập 1 và Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn.

Tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng đầu tư cho các công trình nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn như các hồ: Sông Cái, Sông Sắt, Sông Than, Sông Trâu, Tân Giang, đập dâng Tân Mỹ, sông Cái, sông Dinh... bảo đảm có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn cho các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục bằng hình thức nối mạng hệ thống tuyến ống phân phối cấp nước giữa các công trình cấp nước, hỗ trợ cung cấp nước cho người dân trên địa bàn liên xã, liên huyện, duy trì bền vững...

Ninh Thuận cũng đã đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác theo dõi, giám sát chất lượng nước thường xuyên tại các công trình cấp nước bảo đảm theo Quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn. Địa phương đã áp dụng công nghệ sản xuất, xử lý khử trùng bằng nước Javel thay cho Clo khí để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm chất lượng nước; nâng cấp công suất cụm xử lý nước theo phương thức module để giảm chi phí sản xuất nước, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả cung cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, sử dụng nước sạch và đảm bảo an toàn thực phẩm bằng những cách làm thiết thực và hiệu quả như xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên các đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử và các trang mạng xã hội.

Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và vận hành các công trình cấp nước và xử lý chất thải cũng được Ninh Thuận chú trọng. Năm 2023, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận đã triển khai chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đó, Ninh Thuận đã rà soát, hoàn thiện quy hoạch nông thôn của các xã, huyện theo hướng tích hợp các nội dung về bảo vệ môi trường, cấp nước sạch và an toàn thực phẩm. Chủ động bố trí quỹ đất phục vụ cho các công trình nước sạch, bảo vệ môi trường trong kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; lồng ghép việc triển khai xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, cấp nước sạch và an toàn thực phẩm trong Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm: Tỉnh đã  phát huy vai trò của doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp với chính quyền tham gia xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống, mô hình về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn. Khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm bảo vệ môi trường đứng ra đảm nhận quản lý, vận hành mô hình bảo vệ môi trường sau đầu tư tại địa phương.