Qua miền Dó trầm - “kho báu trời ban” cho Hương Khê
Vùng đất nổi tiếng với những đặc sản
Trong một lần đi thực tế tại Hương Khê, chúng tôi nghỉ tại một khách sạn bên hồ Bình Sơn. Đã đi qua hơn 70 mùa Xuân, được đi và nhìn thấy rất nhiều cảnh đẹp đất nước, tôi vẫn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng của thị trấn miền sơn cước này. Thị trấn về đêm càng lung linh ánh đèn chẳng khác gì không gian hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Cầu Bình Sơn dáng cong cong nối từ bờ hồ ra hòn đảo nhân tạo, gợi ta liên tưởng đến cầu Thê Húc ở đền Ngọc Sơn nơi Hồ Gươm, Thủ đô Hà Nội. Trên đảo có vườn hoa cây cảnh và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi tâm linh đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện nhân những dịp trọng đại.
Đến Hương Khê nghe những truyền thuyết về thành Sơn Phòng, về hồ Trầm Lâm càng nhớ công lao của vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi trong quá trình xuất bôn cứu nước đã dừng chân, ban chiếu Cần Vương lần thứ Hai, tập hợp lực lượng, tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước hồ Trầm Lâm có một giếng nước xây hình bán nguyệt. Nghe nói rằng nước trong hồ không bao giờ cạn và thay đổi màu sắc theo bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông: Xuân xanh, Hạ hồng, Thu trắng, Đông đen. Có người còn nói hồ Trầm Lâm không có đáy, nếu thả một vật có đánh dấu xuống hồ thì sau một thời gian lại thấy nó ở mãi tận… rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Chuyện nghe đồn trong thiên hạ thì chưa được kiểm chứng, nhưng nó cũng gợi nên sự tò mò phảng phất cái gì đó hơi bí ẩn. Những tên đất tên làng như Gia Phố, Hương Trà, Hương Giang, Hương Thủy cũng gợi tôi liên tưởng đến những địa danh miền cố đô Huế xưa, mà cảm tác được mấy dòng:
Sáng ở Sơn Phòng chiều Gia Phố
Phú Xuân, Phú Lộc hẹn chờ ta
Cứ ngỡ thêm một lần đến Huế
Cũng Hương Giang, Hương Thủy, Hương Trà…
Phong trào chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh những năm qua đã làm cho diện mạo huyện miền núi Hương Khê có nhiều đổi thay. Điểm đột phá của nhiều địa phương ở Hương Khê đã chọn để triển khai mô hình NTM là làm kinh tế vườn với những lợi thế vốn có và xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Hương Khê vốn nổi tiếng với những đặc sản như dó trầm, cam Khe Mây, đặc biệt nổi tiếng là bưởi Phúc Trạch, giống bưởi từng được thưởng mề đay vàng trong cuộc thi đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương do chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức vào năm 1938. Năm 2010 sản phẩm bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2012, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản “Bưởi Phúc Trạch” của Hà Tĩnh được công nhận vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Người tiêu dùng ưa chuộng bưởi Phúc Trạch không những vì độ thơm ngọt và giá trị dinh dưỡng mà còn là thứ quả dễ bảo quản, tươi ngon rất lâu mà không cần bất cứ loại hóa chất nào. Theo kinh nghiệm lâu đời, người ta vùi bưởi vào cát ẩm hoặc bôi vôi vào cuống rồi để nơi thoáng mát là có thể giữ bưởi tươi ngon từ 3 đến 5 tháng không bị hỏng, màu sắc và chất lượng múi bên trong vẫn tươi nguyên. Tại Hương Khê, hầu như xã nào cũng trồng bưởi Phúc Trạch. Toàn huyện có 122 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có 2 cơ sở sản xuất và kinh doanh bưởi Phúc Trạch là Hợp tác xã Phát Lộc và Hợp tác xã Hoàn Thắng được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Hầu hết các xã của Hương Khê hiện nay đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu là xã Hương Trà. Trong thời kỳ đổi mới, Hương Trà đã bứt phá mạnh mẽ toàn diện. Năm 2015 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và hiện đang là một trong những điểm sáng trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước, thường xuyên được đón tiếp các đoàn khách từ các tỉnh huyện khác về tham quan học tập. Với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, xã Hương Trà đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2015 cùng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý khác. Hình ảnh xã miền núi nghèo khó năm xưa đã nhường chỗ cho một Hương Trà hôm nay, mới và giàu đẹp.
Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Một điểm sáng khác về mô hình xây dựng NTM ở Hương Khê là xã Gia Phố, một xã nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của thị trấn Hương Khê, nơi có gần 80% đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn miền núi Hà Tĩnh hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương chọn là một trong 11 xã của cả nước xây dựng mô hình thí điểm. Gia Phố hôm nay nhà cao tầng san sát, cuộc sống dân làng thật sung túc bình yên, nhiều năm liền không xảy ra các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
Quê hương của cây dó trầm - loại dược liệu quý
Ở Hương Khê có một loài cây rất quý là cây dó trầm, vốn đã tồn tại từ lâu đời. Cây dó sinh trưởng bằng hạt nảy mầm. Mùa Xuân cây ra hoa và kết trái. Vào thời điểm đó, đi trong vườn thoảng mùi hương rất dễ chịu. Khoảng tháng 6 có thể lấy hạt để ươm cây giống. Cây dó không chiếm nhiều diện tích đất nên trồng dày cũng được, nó cứ thẳng tuột mà vươn lên. Từ lúc trồng cây dó đến lúc có thể thu hoạch được sản phẩm có trầm, khoảng từ 10-12 năm. Có loại trầm tự nhiên và có loại trầm nhân tạo. Trầm tự nhiên là từ một loài sâu đục thân chui vào trong thân cây dó, tác động vào cây, bằng một cơ chế nào đó khiến cây tiết ra một chất tạo trầm. Còn trầm nhân tạo thì người ta thường đục lỗ rồi bơm chất kích thích vào trong cây để tạo trầm. Trầm tự nhiên tốt hơn nhưng hiếm.
Thao tác kỹ thuật để cấy tạo trầm trên cây Dó ở Hương Khê. Ảnh Khánh Ngân
Để có được trầm thương phẩm người ta phải trải qua nhiều công đoạn từ lúc trồng, chăm sóc rồi thu hoạch. Trong khoảng thời gian ấy, phải đối mặt với những rủi ro do thiên tai như sâu bệnh, gió bão… Được cái trồng dó mà cây tạo được trầm thì không sợ khó khăn đầu ra. Hễ cây dó có trầm rồi thì chỉ cần thông báo một cái là thương lái đến mua liền. Tất nhiên trầm nhân tạo từ cây dó cũng được chia làm nhiều phẩm cấp, và chỉ những ai may mắn, hoặc tay nghề cao, hiểu biết sâu sắc cơ chế tạo trầm và chấp nhận đầu tư thì mới có thể thu về nhiều thành quả.
Nhiều sản phẩm được làm ra từ Trầm Dó có giá trị kinh tế cao. Ảnh Khánh Ngân
Trầm hương từ lâu được xem là dược liệu quý có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, giúp con người tĩnh tâm thư giãn an thần. Có một khúc lõi trầm hương trong nhà thì lúc nào cũng cảm thấy sảng khoái bởi mùi thơm dễ chịu lan tỏa. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ cây dó trầm đã được con người khai thác sử dụng. Trầm loại một thường được gọi là Kỳ nam, khi giao dịch cũng được ví như giao dịch đồng đen hay đá đỏ, chính xác đến từng chi tiết tiểu li. Còn khi nó đã được chế tác thành sản phẩm trầm mỹ nghệ thì là vô giá. Nhưng Kỳ nam chỉ mới được ghi nhận tìm thấy trong môi trường tự nhiên, chưa phát hiện được trong môi trường nhân tạo. Những vòng trầm hương nhỏ xinh cũng rất được ưa chuộng vì quan niệm phong thủy. Hiện nay trên địa bàn Hương Khê đã có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây dó trầm như “Hương trầm-Vòng trầm thương mại Thành Vinh”, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các sản phẩm đặc trưng Phúc Trạch của anh Trần Quốc Công, Cơ sở sản xuất kinh doanh Hương Trầm Phúc Trạch của anh Nguyễn Chí Thành… Đó là những nhịp cầu thương mại thực sự đã góp phần làm cho dó trầm Hương Khê toả hương và bay xa.
Nói đến Hương Khê, sẽ thiếu sót nếu không nói đến những vẻ đẹp kỳ vĩ phía thượng nguồn sông Tiêm, nơi có dòng thác Vũ Môn huyền thoại, một thắng cảnh được ví là “Viên ngọc giữa rừng xanh”, từ muôn đời nay vẫn hát mãi khúc hùng ca giữa bí hiểm đại ngàn.
Thác Vũ Môn ở Hương Khê, Hà Tĩnh là địa danh tuyệt vời cho những du khách ưa điền dã, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã. Ảnh Thành Biển - Lê Sáng
Theo các tài liệu khảo cứu thì thác Vũ Môn ở độ cao 1.280m so với mực nước biển, cách biên giới Việt-Lào điểm gần nhất là 800m. Thác Vũ Môn có 3 tầng với độ dài dòng chảy từ đỉnh xuống hơn 200m. Tầng 1 có độ dài khoảng 80m, dòng nước chảy thành 2 bậc. Tầng 2 có độ dài khoảng 70m, dòng nước cũng chảy thành 2 bậc. Tầng 3 có độ dài khoảng 60m. Phía dưới chân thác ở độ cao 1.035m so với mực nước biển có một hồ rộng khoảng 350m2, độ sâu khoảng từ 1 đến 1,4m, có nhiều tảng đá lớn gối chồng lên nhau. Nổi bật lên là một phiến đá rộng và phẳng, tương truyền là bàn cờ Tiên. Từ đỉnh thác ngược về thượng nguồn là một nhánh của dòng sông Trắng (hay còn gọi là sông Đá Trắng), chảy giữa vùng đồi thoai thoải có địa hình tương đối bằng phẳng dọc theo chiều dài đến gần cách cột mốc biên giới khoảng 1,5km. Dòng sông Trắng tựa một vầng trăng huyền thoại giữa lưng trời. Có lẽ nên gọi đó là Sông Trăng chăng?!
Thác Vũ Môn giống như một dải lụa trắng mềm vắt qua núi Khai Trướng. Khai Trướng có nghĩa là Mở Màn hay Giăng Màn. Huyền tích kể lại rằng thuở khai thiên lập địa, có một đêm Tiên nữ giáng trần đem theo cả đoàn tùy tùng xuống miền đất hoang sơ này ngoạn cảnh, rồi quây mùng ngủ quên, đến rạng ngày hóa đá thành dãy núi Khai Trướng, người đời sau gọi là dãy Giăng Màn. Dòng thác Vũ Môn như thể một suối tóc tiên bay bay trong âm hưởng ngân vang giữa đại ngàn hùng vĩ. Còn câu chuyện truyền thuyết về cá chép hóa rồng thì được gói gọn trong câu ca dân gian “Mồng ba cá đi ăn thề/Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn” (có dị bản “Mồng bảy cá đi ăn thề…”). Tương truyền hàng năm cứ đến ngày mồng Tám tháng Tư âm lịch là ngày cá chép đi thi, con nào nhảy qua được thác Vũ Môn thì được hóa rồng. Chẳng biết có con cá chép nào hóa rồng hay không nhưng vào những ngày đó dân phường chài không bủa lưới bắt cá, trời chuyển mưa và khu vực thác Vũ Môn mây mù dày đặc không ai dám đến gần.
Ngoài thác Vũ Môn - “Viên ngọc giữa rừng xanh”, tại thôn Phú Lâm, xã Phú Gia cách thị trấn Hương Khê gần 30km còn có thác Tiên hay còn gọi là thác Khe Táy. Mang vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ, thác Tiên cũng có nhiều tầng bậc, dòng nước chia làm 3 nhánh bung tỏa từ trên cao xuống len lỏi thấp thoáng giữa cánh rừng nguyên sinh xanh xanh tạo nên khung cảnh thần tiên huyền diệu giữa chốn đại ngàn. Cũng như ở Vũ Môn, khí hậu nơi đây quanh năm rất ôn hòa. Những ngày mùa Hạ nắng như đổ lửa, trong khi các nơi khác của Hương Khê nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C thì vùng rừng thác này vẫn duy trì dao động từ 24 - 28 độ C mà thôi. Quả thật thiên nhiên đã dành cho miền đất này một sự ưu ái riêng mới có được những thắng cảnh tuyệt vời như vậy.
Đường lên thác Vũ Môn bây giờ cũng không phải là quá gập gềnh cheo leo. Từ thị trấn Hương Khê qua trung tâm xã Phú Gia theo huyện lộ 6 đi lên khoảng 12km là đồn biên phòng 571 (đồn Trại Trụ), đi tiếp 800m nữa, ta sẽ gặp ngã ba đường tuần tra biên giới. Bên phải là đường Rào Cam lên biên giới. Đi thẳng theo đường Rào Giữa khoảng 15km sẽ đến thác Vũ Môn. Rẽ trái theo đường Rào Trình đi chừng hơn 9km đến ngầm số 8 thì theo lối mòn tự nhiên đi bộ vòng vào khoảng chừng 2 km nữa là đến thác Khe Táy, hay còn gọi là thác Tiên. Nếu đến Vũ Môn hay thác Tiên, ta sẽ có được những trải nghiệm thú vị tuyệt vời.
Năm ngoái, vào ngày 28/5/2023, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh đã thông qua Quy hoạch Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, theo đó huyện Hương Khê được ưu tiên ba dự án trọng điểm:
Dự án chăn nuôi bò sữa bò thịt tại huyện Hương Khê, triển khai ở các xã Hương Xuân và Hương Vĩnh với diện tích 350ha, tổng 120 tỷ đồng;
Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại các huyện phía Tây triển khai ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và một số nơi khác với tổng vốn dự kiến 300 tỷ đồng;
Dự án đầu tư khu du lịch thác nước Vũ Môn phục vụ du lịch khám phá nghỉ dưỡng được triển khai tại xã Phú Gia với diện tích 500 ha, tổng vốn dự kiến 2.000 tỷ đồng.
Trong phiên tiếp công dân định kỳ tháng 6/2023, đồng chí Nguyễn Thanh Điện - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Hương Khê đã trao đổi với chúng tôi: “Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ban, nghành liên quan khởi động triển khai từng bước thực hiện các dự án. Đây là cơ hội cũng là thách thức. Với tinh thần đồng lòng chung sức, chúng tôi sẽ cùng toàn dân phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng nhất là tiềm năng du lịch, phấn đấu để Hương Khê trở thành một huyện nông thôn mới miền núi ngày càng giàu đẹp văn minh”.
Tôi đi trong ngan ngát hương thơm của miền dó trầm, lòng dâng trào bao niềm xúc cảm. Con đường Hồ Chí Minh xuyên Việt thực sự đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các làng xã vùng sơn cước Hương Khê. Nhiều ngôi nhà khang trang giữa vườn cây trái sum suê có tường rào bao quanh và những đường hoa được quy hoạch mang dáng dấp phố thị, là minh chứng rõ nét cho sự thành công trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi vùng phên dậu quốc gia này. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, Hương Khê và những địa điểm đặc biệt nói trên sẽ là một điểm đến du lịch làng quê sinh thái – lịch sử hấp dẫn, một miền quê thực sự đáng sống.
-
Kim Sơn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ hạt nhân xóm, làng -
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung bộ -
Đổi mới trên quê hương Nho Quan -
Hưng Yên gặt hái thành công với 271 sản phẩm OCOP
- Gạo OCOP nếp cái hoa vàng Thái Sơn ngày một vươn xa
- Vĩnh Phúc: Xã Hồ Sơn duy trì và nâng “chất” các tiêu chí nông thôn mới đã đạt
- Sơn La: Tôn vinh 25 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024
- Cà Mau: Tăng cường công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
- Lâm Đồng: 18 chủ thể được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”
- Xã Tiến Thịnh huy động nội lực tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao
- Bài 3: Củng cố “điểm tựa” vững chắc
-
Kim Sơn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ hạt nhân xóm, làngVề đích huyện nông thôn mới (NTM) năm 2022, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bắt tay ngay vào xây dựng huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 50% số xã đạt xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, với hành trình xây dựng từ các hạt nhân nhỏ xóm, làng…
-
Nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý về mũi xoang và đầu cổTrong 2 ngày từ 23 – 24/11/2024, tại Hà Nội, Bệnh viên Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh tổ chức Hội nghị quốc tế về “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu cổ”. Đây là cơ hội để các chuyên gia y tế trao đổi kiến thức, nâng cao chất lượng điều trị, cùng nhau góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
-
COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầuThỏa thuận đạt được tạo ra sự cân bằng phù hợp cho một bộ quy tắc rõ ràng để đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các quốc gia sẽ thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon.
-
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnhTrong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
-
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung bộNgày 23/11/2024, tại thành Phố Vinh (Nghệ An), Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung bộ".
-
Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm MalaysiaChuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư và Phu nhân là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao.
-
Nông dân Đồng Tháp chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ(Tapchinongthonmoi.vn) – Đồng Tháp, vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp với việc nhiều nông dân chuyển đổi sang canh tác lúa hữu cơ. Hướng đi này không chỉ nâng cao giá trị hạt gạo, bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
-
Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt NamChiều ngày 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc.
-
Tăng thêm quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tếBộ Y tế vừa ban hành Thông tư 39/2024/TT-BYT (Thông tư 39) ngày 17 tháng 11 năm 2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế
-
Tham quan, học tập kinh nghiệm ở HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toànVừa qua, Hội Nông dân Ninh Bình đã tổ chức cho các hội viên Chi hội nghề nghiệp trồng dưa xã Gia Phương (huyện Gia Viễn) và Chi hội nghề nghiệp trồng rau an toàn xã Sơn Lai (huyện Nho Quan) thăm quan, học tập kinh nghiệm tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh)…
-
1 Bài 4: Giải pháp đột phá trong dạy nghề, tạo việc làm ở miền Tây xứ Nghệ -
2 Kinh nghiệm từ mô hình phát triển cây hồng Gia Thanh -
3 Bài 3: Du lịch cộng đồng - Làn gió mới từ “Miền đất cổ huyền thoại” -
4 Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 1): Điều kỳ diệu sau “đại hồng thuỷ” -
5 Nghị quyết của Đảng từ khát vọng, lợi ích của Dân