Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Nam bảo vệ cây ươi rừng gắn với phát triển du lịch

10:58 16/12/2021 GMT+7
Cây ươi rừng được ví như “yến mạch vùng cao” ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các địa phương miền núi của tỉnh này đang tăng cường, giám sát việc khai thác quả ươi; thí điểm nhân giống trồng, bảo vệ cây ươi rừng gắn với phát triển du lịch.

Cây ươi rừng được ví như “yến mạch vùng cao” ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Vào mùa ươi, mỗi ngày, người dân ở xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có thể thu lượm hàng tấn ươi. Theo ông A Mã, già làng ở xã Phước Xuân, thông thường mùa ươi bắt đầu từ tháng 6 đến mùa mưa xuống nhưng không phải năm nào ươi cũng cho quả.

Xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn có 13.000 ha rừng. Ngày trước, cứ 4 năm cây ươi sẽ cho ra quả, nhưng bây giờ tới 7 năm mới ra quả một lần. Già làng A Mã cho biết, nhờ thu lượm hạt ươi mà người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

“Cây ươi có từ lâu rồi. Trước đây, người dân chưa biết tiêu thụ, bây giờ bà con mới biết cây ươi có hiệu quả. Hộ nào có sức khỏe đi xa để lượm hạt ươi thì cũng được vài chục triệu”, ông A Mã chia sẻ.

Hạt ươi có vỏ màu nâu nhạt.

Hạt ươi là một vị thuốc trong Đông y có vị ngọt. Chỉ cần cho 4-5 hạt vào nước ngâm một lúc sẽ mềm như thạch, pha chung với đường phèn, hoặc các loại trà thảo mộc. Trong hạt ươi có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và giúp bổ trợ điều trị một số bệnh như: thanh nhiệt, lợi tiểu, thải độc gan. Cây ươi mọc tự nhiên, 4 đến 7 năm mới ra quả một lần và cho giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi cân hạt ươi có giá từ 300.000-400.000 đồng. Một ngày vào rừng người dân có thể kiếm lượm được 3-5kg hạt ươi. Ông Hồ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, hiện, địa phương đang triển khai trồng thử loại cây này.

“Vừa qua, xã đã đăng ký trồng 2.000 cây. Để tổ chức thực hiện, xã đã tổng hợp danh sách các hộ gia đình đăng ký trồng với mục đích khôi phục lại cây ươi để bảo tồn, có thể sau này sẽ quảng bá về du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển cây ươi cũng giúp giữ rừng, từ đó phát triển được kinh tế, từng bước cải thiện đời sống cho người dân địa phương”, ông Trung cho biết thêm.

Hạt ươi là một vị thuốc trong Đông y có vị ngọt.

Cây ươi là họ thân gỗ, cao 20-25m, quả mọc ở đầu ngọn và ở tầng cao nhất trong rừng, vì thế rất khó trèo lên hái quả mà phải chờ quả chín theo gió bay xuống gốc cây. Chính vì giá trị kinh tế của hạt ươi mang lại nên suốt một thời gian dài nhiều người đã chặt cây để lấy quả, gây tác hại lớn đến hệ sinh thái rừng.

Để bảo tồn cây ươi, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, chốt chặn tại các cửa rừng, lập danh sách người thu lượm theo từng địa phương để theo dõi. Tại huyện Nam Trà My đã thành lập gần 20 chốt để bảo vệ rừng ươi, UBND huyện Phước Sơn đã thành lập 3 tổ công tác, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, Kiểm lâm, Công an huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc khai thác cây ươi ở các địa bàn.

Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đang ươm giống và trồng thử cây ươi rừng để phát triển kinh tế gắn với du lịch địa phương.


Ngoài việc bảo vệ cây ươi, hiện nay, huyện Phước Sơn đang thí điểm ươm trồng 50.000 cây ươi và giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ trồng thử nghiệm. Dự tính, địa phương này sẽ phát triển cây ươi ở một số địa điểm du lịch, khu công viên, vùng sinh thái nằm trong đề án trồng mới hơn 3,7 triệu cây xanh trên địa bàn.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Rút kinh nghiệm trong việc quản lý cây ươi, ngay từ cuối tháng 4/2021, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và các ngành tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ và phát triển nhân rộng việc trồng cây ươi"./.

Theo VOV

Sơn La sẽ phát triển các sản phẩm cà phê đặc sản
Phát triển sản phẩm cà phê đặc sản, nâng tầm thương hiệu, chiếm lĩnh các thị trường quốc tế tiềm năng, đó là định hướng của tỉnh Sơn La, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê trong thời gian tới.