Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Rơ gây tía pô” (khôn như trâu) – lời khen ngợi chân thành của đồng bào H’re

16:07 18/03/2018 GMT+7

 

Mặc dù rất tôn trọng, xem “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là lao động chính phục vụ kinh tế lúa nước nhưng “con trâu” cũng là hình tượng mà dân tộc Kinh sử dụng để chỉ tính xấu như “đầu trâu, mặt ngựa”; “đàn gảy tai trâu”.v.v… Song, qua tín ngưỡng đa thần trong cuộc sống cộng đồng H’re vùng Bắc Tây Nguyên, con trâu được họ yêu quý, trân trọng như một người bạn cần cù, thông minh mà buôn làng diễm phúc được Yàng ban tặng.

Trâu trắng – một tài sản quý giá mà bất cứ gia đình H’re nào cũng mong muốn được sở hữu.

Cộng đồng H’re sống thiên về mặt tình cảm nên rất tôn trọng 2 con vật là trâu và chó. Họ yêu quý lòng trung thành của chó nên cũng có câu truyền miệng đại ý “con chó điên cũng không bao giờ cắn chủ của mình”. Tuy nhiên, chó với đồng bào H’re bao giờ cũng là vật nuôi còn đối với con trâu, họ luôn xem đây là người bạn thân quý trên nương rẫy.

Người H’Rê thường có câu: “Rơ gây tía pô” (khôn như trâu) được xem là lời khen trân trọng nhất dành cho những người giỏi công việc, thông minh trong nhiều lĩnh vực. Ở khía cạnh ngược lại, đối với những con người chây lỳ, không nỗ lực cố gắng trong công việc, cộng đồng H’re thường chê bai là “pô dĩ zêng tok k’reng” (trâu què leo núi). Đây cũng được xem là lời chê trách nặng nề nhất đối với mỗi người con trong buôn làng. Vì vậy, con trâu trong cuộc sống cộng đồng H’re được tôn trọng, quý mến ngay cả từ ý thức mỗi người và đến các mối quan hệ xã hội.

Người H’re đi chăn trâu thường tâm sự với trâu như với một người bạn chân thành.

Trong cộng đồng người H’Rê ở Kon Tum gia đình nào có nhiều trâu đều được coi là giàu có và được mọi người nể trọng. Những cặp vợ chồng trẻ nào ra riêng nếu được bố mẹ hai bên cho trâu là họ rất mừng và tự hào hơn với những người cùng trang lứa có cũng hoàn cảnh mà không được cha mẹ cho trâu. Với cộng đồng H’re – con trâu trắng hễ gia đình nào có thì nghiễm nhiên được xem là người giàu có nhất buôn làng.

Cộng đồng dân tộc H’Rê theo tín ngưỡng đa thần, đối với họ tội lớn nhất của con người là tội phỉ báng thần linh, cũng theo quan niệm đó mà những vật dùng để dâng cúng thần linh là vật mà họ trân trọng nhất. Có lẽ vì vậy, trong cuộc tế lễ cúng Yàng của người H’Rê thì vật hiến sinh lớn nhất, quý nhất là con trâu sau đó đến bò, heo, dê, gà… Chưa nói đến giá trị về kinh tế, ở góc độ giá trị về tinh thần thì đối với đời sống của người H’Rê con trâu là vật được trân trọng nhất.

Nhảy múa trong đám cưới của người H’rê

Người H’Rê coi trâu là vật thiêng, trâu là tài sản quý, trâu là người bạn thân thiết nên mỗi con trâu trong đàn trâu của họ đều có một tên riêng. Trong thời gian đi chăn trâu, khi vui vẻ, hưng phấn họ cũng ứng tác những bài hát về con trâu dựa trên các làn điệu dân ca của người H’Rê, có thể hát về con trâu, có thể hát về cảnh đẹp quê hương trong đó có lồng vào hình ảnh con trâu và thậm chí có thể trò chuyện, tâm sự với trâu như một người bạn thân thuộc của mình…

Thanh Long

 

Chú thích ảnh: