Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

"Sáng - xanh - sạch - đẹp" ở huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô

Nguyễn Tâm - 07:06 02/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đi trên con đường dọc theo trục chính các xã của huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội ai cũng cảm nhận rõ sự đổi thay kỳ diệu của làng quê nơi đây. Đường làng được đổ bê tông hoặc thảm nhựa, sạch sẽ, khang trang; ao, hồ được cải tạo, kè bờ chắc chắn; môi trường trong xóm, ngoài làng xanh, sạch, đẹp. Sự chuyển mình về kinh tế, văn hóa là những giá trị cốt lõi mà nông thôn mới kiểu mẫu của huyện đem lại cho người dân.

8 xã đều đạt kiểu mẫu về tiêu chí môi trường
Từ một huyện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi xây dựng nông thôn mới (NTM) vì là "rốn lũ" của Thủ đô, là điểm bức xúc dân sinh về ô nhiễm môi trường, nhưng bằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Thanh Trì đã bứt phá, trở thành đơn vị có nhiều thành tích cao trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2022, huyện Thanh Trì đã tăng tốc mạnh mẽ với 100% số xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, vượt mục tiêu và kế hoạch đề ra trước 2 năm. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, Thanh Trì lại tiếp tục là địa phương đầu tiên của Thành phố Hà Nội có 2 xã NTM toàn diện ở cả 8/8 lĩnh vực. Ngoài 2 xã trên, 6 xã vừa được Đoàn thẩm định của Thành phố chấm điểm cũng đều đạt từ 5-6 lĩnh vực NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, 8 xã đều đạt kiểu mẫu về tiêu chí môi trường.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội, môi trường là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện, 20 xã kiểu mẫu trước đây của Hà Nội đều chưa chọn tiêu chí này để làm kiểu mẫu nhưng bằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các tầng lớp nhân dân, mỗi địa phương trên địa bàn huyện Thanh Trì đã chọn cách thực hiện khác nhau để cải thiện môi trường sống của chính mình. Nhờ đó mà Thanh Trì đang từng ngày đổi khác với diện mạo xanh hơn, sạch đẹp hơn.

Tuyến đường hoa được trồng tại đoạn đường trước UBND xã Hữu Hòa từ nguồn kinh phí xã hội hóa của các hội viên nông dân và các hộ gia đình.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, nhiều mô hình tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả được xây dựng và nhân rộng. Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng thông qua tổ chức các cuộc thi như: Đoạn đường, tuyến phố khu vui chơi cộng đồng an toàn, kiểu mẫu, duy trì vệ sinh môi trường tại 121 đoạn đường phụ nữ tự quản, 34 khu vui chơi và các điểm sinh hoạt cộng đồng xanh – sạch – đẹp vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm, các sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. 
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đều chú trọng đến tất cả các tiêu chí nhưng tiêu chí môi trường được huyện tập trung cao độ trong triển khai thực hiện. 

"Lãnh đạo huyện Thanh Trì rất trăn trở vấn đề về môi trường trong xây dựng NTM, các cấp lãnh đạo luôn là những người đi đầu tham gia vào công tác vệ sinh môi trường. Từ đó người dân càng thấy rõ cuộc sống họ đang hưởng thụ có nhiều lợi ích từ môi trường mang lại nên càng tích cực chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, hiến đất làm đường, đóng góp công sức, tiền của đầu tư nâng cấp lại những công trình phúc lợi, xây dựng những tuyến đường hoa, sân chơi cộng đồng để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ông Nguyễn Huy Chương 
- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì

“Về phương pháp triển khai, huyện giao cho các xã, thị trấn, các ngành đoàn thể phụ trách và tất cả các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần cán bộ nhân dân huyện Thanh Trì đều ra quân không ngừng nghỉ. Công tác kiểm tra, giám sát đặt lên hàng đầu và địa phương nào không đảm bảo số lượng người thực hiện việc vệ sinh và để môi trường ảnh hưởng thì lãnh đạo xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.
Nhiều cách làm hay tại mỗi địa phương
Để thực hiện hiệu quả các phong trào này, các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể trong huyện đã thực hiện nhiều cách làm hiệu quả, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự chỉnh trang khuôn viên gia đình từ cổng, tường rào, nhà ở đến ao vườn, phân loại rác thải tại nguồn; đồng thời tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình phụ trợ để mở rộng đường giao thông nông thôn; trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại các trục đường thôn, bảo đảm việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Định kỳ hàng tuần, các thôn, tổ dân phố duy trì tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình để giúp nhà sạch, vườn xanh, đường không có rác thải. Nhiều thôn trong huyện đã vận động thành lập các tổ tự quản, tổ liên gia bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lắp đặt hệ thống camera an ninh, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay tại cơ sở. 
Ông Nguyễn Đình Tuyển, Bí thư Chi bộ thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết, bảo vệ môi trường ở địa bàn xã là một trong những vấn đề rất nhạy cảm và bức xúc, tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì lãnh đạo thôn đã chỉ đạo rất sát sao, duy trì việc tổng vệ sinh vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Ngoài ra, vận động các đoàn viên, đội viên của các chi hội đoàn thể vệ sinh lao động tại nhà mình và vệ sinh tại các khu công cộng, đảm bảo giữ vững tiêu chí về môi trường để đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
 Xã Vĩnh Quỳnh là một trong những địa bàn trọng điểm liên quan đến ô nhiễm môi trường. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thuật - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, Đảng ủy, UBND xã đặt yêu cầu cải thiện môi trường là hình mẫu trong thực hiện NTM kiểu mẫu. Xã đã vận động nhân dân tích cực giải quyết những vấn đề môi trường tồn tại trong đời sống như rác, nước thải sinh hoạt ứ đọng, định kỳ tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm...

Con đường hoa đầy sắc Xuân ở xã Yên Mỹ. 
 Tại xã Yên Mỹ, vấn đề môi trường được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm và tích cực tham gia xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Trong nhiều năm, thực hiện quy chế dân chủ, Yên Mỹ đã sớm triển khai nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân quyết định”. 
Ông Khúc Đình Hưng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Mỹ chia sẻ, trong vấn đề trồng cây xanh, đoạn đường hoa, Yên Mỹ đã xã hội hóa để duy trì nguồn kinh phí chăm sóc tuyến đường hoa, tổ chức lập “Quỹ chăm sóc hoa, cây xanh”, được nhân dân đồng tình ủng hộ, với mức đóng góp là 2.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Từ đó, xã đã chỉ đạo mua 100 cây hoa giấy trồng hai bên tuyến đường, giúp diện mạo của xã ngày càng đẹp hơn.