Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thành công từ tiên phong trồng bưởi hữu cơ

Nguyễn Dũng - 07:16 18/03/2022 GMT+7
Ở vùng cao nguyên Lâm Đồng, người dân vốn quen với cây cà phê, mía, sắn... Nhưng ông Nguyễn Trung Hưng (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) lại tìm tòi và trồng thành công trang trại bưởi da xanh trên 10ha. Trang trại bưởi trồng theo phương pháp hữu cơ đã đem lại cho ông thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm và mở hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Anh Hưng cắt tỉa bớt trái con để đảm bảo trái bưởi phát triển to và tròn đều.

Tỷ phú trồng bưởi

Cũng như nhiều nông dân khác, trước đây, ông Nguyễn Trung Hưng cũng chỉ quen trồng cà phê, mía và sắn. Có trong tay mấy chục héc-ta mía và sắn nhưng chỉ thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.
Lao động vất vả mà nguồn thu chẳng đáng là bao khiến ông Hưng trăn trở tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Sau thời gian tìm hiểu và đi học hỏi nhiều nơi, năm 2013, ông bắt đầu chuyển đổi dần sang trồng bưởi, sầu riêng và bước đầu đã cho năng suất gấp 5-7 lần so với cây mía, cây sắn. Từ đó, ông tập trung nguồn vốn phát triển trang trại bưởi da xanh.

Thời gian đầu, ông Hưng cũng phải lấy ngắn nuôi dài, chẳng hạn như trồng thêm mía, cây sắn, xen cây cà phê giữa hàng bưởi. Các loại cây này được thu hoạch sớm hơn nên lấy đó đắp vào chi phí nuôi cây. Đến khi bưởi được thu hoạch, ông chặt bỏ cà phê và cây nông nghiệp ngắn ngày, thay vào đó là những vườn sầu riêng hiện nay đã bắt đầu cho thu hoạch.

Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, đến nay, bưởi da xanh là cây trồng chủ lực của trang trại ông Hưng. Hiện ông đang sở hữu trang trại trồng cây ăn trái “thẳng cánh cò bay” rộng hơn 10ha. Bưởi da xanh sum sê trái với 3ha hiện đang cho thu hoạch, năng suất khoảng 80 tấn/hecta/năm (cao hơn 30 tấn so với năng suất bình quân xã Đạ Lây). Quả bưởi có màu xanh đậm, tròn đều, múi bưởi ngọt, mọng nước, không hạt, rất được thị trường ưa chuộng. Vườn bưởi của ông có nhiều thương lái các nơi đến đặt hàng, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá bán tại vườn vẫn trung bình 18.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông có thể thu về gần 2 tỷ đồng trong năm 2020.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng bưởi da xanh, ông Hưng cho biết: “Cây bưởi phải tưới đậm. Tôi đặt máy bơm và hệ thống ống dẫn, pet tưới tự động dài hơn 1km khắp vườn. Mùa nắng hạn như này phải tưới ngập gốc cây để quả bưởi được xanh, nhiều nước mới ngon”.

Trước đây, ông Hưng chăm sóc bưởi theo quy trình vô cơ, nghĩa là sử dụng phân và thuốc hóa học để chăm cây. Thế nhưng, từ hai năm trước, ông chuyển đổi quy trình, áp dụng theo hướng hữu cơ, giúp cây phát triển bền vững và không độc hại. Lúc phun thuốc thì lấy tỏi ớt giã nhuyễn, trộn với dầu ăn, các hoạt chất hữu cơ rồi phun xịt trên lá, trên thân cây giúp đuổi côn trùng, phòng bệnh cho cây có hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn.

“Với tổng diện tích 14ha, sang năm tới có thêm nhiều cây con bắt đầu được thu hoạch thì với mức giá trung bình như hiện nay, doanh thu của tôi có thể đạt mức 7-8 tỷ đồng mỗi năm cho cả bưởi và sầu riêng,” ông Hưng cho biết.

Vườn bưởi sản xuất theo hương hữu cơ, cỏ luôn phủ xanh khắp vườn.

Cây chủ lực ở địa phương

Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ của gia đình ông Hưng cũng là một trong những điển hình của huyện Đạ Tẻh. Nhiều nông dân, đoàn tham quan đã đến đây tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật. Đặc biệt, trồng bưởi theo hướng hữu cơ cũng là mục tiêu mà xã Đạ Lây nói riêng, huyện Đạ Tẻh nói chung thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu bưởi da xanh của địa phương.

Theo ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh, toàn huyện hiện có 300ha bưởi da xanh, chủ yếu được sản xuất tập trung với diện tích từ 5 - 10ha mỗi vườn. Diện tích chuyên canh này phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây và người dân dần hướng đến sản xuất mang tính chất hữu cơ với hệ thống tưới tự động, sử dụng các vật tư nông nghiệp vi sinh, hữu cơ. Trong đó nổi bật là vườn bưởi của ông Nguyễn Trung Hưng ở thôn Lộc Hòa.

Sau một thời gian cải tạo vườn theo hướng hữu cơ, vườn của gia đình ông Hưng đã có sự khác biệt rõ nét. Cả vườn bưởi lúc nào cũng được phủ một lớp cỏ xanh mướt vừa giữ ẩm, vừa cải tạo đất. Bưởi cho thu hoạch quanh năm với năng suất khoảng 80 tấn/ha/năm, cao hơn 30 tấn so với năng suất bình quân toàn xã Đạ Lây. Không chỉ cao về năng suất, vườn bưởi da xanh của anh Hưng cũng đạt chất lượng cao. Quả bưởi có màu xanh đậm, tròn đều, múi bưởi ngọt, mọng nước, không hạt, rất được thị trường ưa chuộng. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hiện tại thương lái vẫn mua bưởi tại vườn với giá trung bình 18.000 - 25.000 đồng/kg. 

Ngoài vườn của ông Hưng, hiện tại, Công ty Phong Thịnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã bắt đầu ký kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã để sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có 20 hộ dân với diện tích gần 35ha tham gia quy trình sản xuất hữu cơ này.

Bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Lây cho biết: Trước đây, mỗi hộ dân có một quy trình chăm sóc khác nhau, từ khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ thì được cán bộ kỹ thuật của Công ty theo sát hướng dẫn kỹ thuật cũng như lựa chọn những hoạt chất hữu cơ phù hợp, như emzim, phân nở, phân chuồng… Hiện tại, xã đang khuyến khích mọi hộ dân đều tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, chia sẻ: Chất lượng bưởi da xanh ở xã Đạ Lây nói riêng và toàn huyện Đạ Tẻh nói chung là điều không còn phải bàn cãi. Hiện tại, địa phương đang áp dụng các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đối với bưởi da xanh để sản phẩm này sớm được chứng nhận OCOP. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cơ câu cây trồng đối với những cây kém hiệu quả sang trồng bưởi và các loại cây ăn trái khác. Việc tạo dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là vấn đề xã có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn đang là một bài toán cần có giải pháp đồng bộ. Và, một trong những giải pháp đó chính xã xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Đạ Tẻh, một khi trái bưởi Đạ Tẻh có tên tuổi trên thị trường thì đầu ra sẽ ổn định hơn. 

Theo ông Phạm Xuân Tiện, từ năm 2021, ngành chức năng của huyện đã lập hồ sơ, rà soát từng vùng để xây dựng nhãn hiệu bưởi da xanh Đạ Tẻh, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại, Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh cũng đang tham mưu cho huyện về chương trình phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung; trong đó, có bưởi da xanh. 

“Địa phương đang áp dụng các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đối với bưởi da xanh để sản phẩm này sớm được chứng nhận OCOP. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những cây kém hiệu quả sang trồng bưởi và các loại cây ăn trái khác. Việc tạo dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là vấn đề xã có thể thực hiện được”.
Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây