Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thành Điện Hải: Đôi điều trăn trở

23:31 22/02/2018 GMT+7

Thành Điện Hải là nơi ghi dấu buổi đầu nhân dân xứ Quảng (Quảng Nam), dưới sự chỉ đạo của vua Tự Đức, mà trực tiếp là danh tướng Nguyễn Tri Phương, tiến hành chống quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860).

Đã 160 năm trôi qua, thành Điện Hải vẫn còn đó, như muốn nhắc nhở với các thế hệ hôm nay rằng: kẻ thù mà đến nước ta từ phía biển thì thường là rất mạnh và đừng bao giờ quên hun đúc hào khí yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của cha ông…

Bảo vật quốc gia

Thành Điện Hải, còn gọi là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (năm 1813), nằm ở tả ngạn sông Hàn. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đồn Điện Hải được dời vào bên trong đất liền, được xây bằng gạch trên một gò đất cao và đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835) được đổi tên là thành Điện Hải. Đây là thành được xây theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông, một loại thành phòng ngự rất tốt. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược  và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Còn nhớ, các năm 2005, 2007 và 2008, Đà Nẵng phát hiện nhiều khẩu súng thần công tại chân thành Điện Hải – đây là những hiện vật độc đáo, để hình thành nên bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải – trở thành bảo vật quốc gia như chúng ta biết hiện nay.

Thành cao, hào sâu vẫn còn đó.

Năm 1998, khi làm luận án thạc sĩ Sử học, tôi đã nhiều lần khảo sát thành Điện Hải và đọc nhiều tài liệu lưu trữ quý giá của ta và Tây về thành này, nhất là về những khẩu thần công. Nhật ký hành quân của một viên sĩ quan Pháp trong cuộc xâm lược Đà Nẵng lúc bấy giờ, chép rằng: “Pháo đài phía Tây (tức thành Điện Hải) và các công sự khác được sửa chữa lại khá hoàn hảo. Pháo đài này từng được trang bị đại bác bằng đồng, đặt trên giá súng cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi thấy ở Trung Hoa. Pháo đài phía Tây gồm một xưởng pháo binh lục chiến, những đại bác bằng đồng cỡ 6 và 9, giá súng đặt trên những bánh xe cao, rất phù hợp với đường sá gồ ghề của xứ này”…

Những khẩu thần công ở thành Điện Hải rất đặc biệt và độc đáo hơn cả ở nước ta (khác với cửu vị thần công tại Huế), bởi chúng được dùng trực tiếp để tấn công liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng năm 1858. Rigault de Genouilly – viên tướng Pháp chỉ huy cuộc xâm lược này, đã xem những khẩu thần công của thành Điện Hải là “vũ khí đẹp nhất của vùng Viễn Đông”. Vì vậy, ngay khi chiếm được thành Điện Hải, việc đầu tiên Rigault de Genouilly làm là: “chọn 2 khẩu đại bác bằng đồng rất đẹp để dâng lên nữ hoàng Tây Ban Nha và vua Pháp!”. Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải được xem là bảo vật của quốc gia là nhờ tính riêng có này…

Nhà thờ và bệnh viện Tây do người Pháp xây dựng trên thành Điện Hải hồi đầu thế kỷ XX

Thành cao, hào sâu một thuở oai hùng

Trước đây ít lâu, trong hội thảo về danh tướng Nguyễn Tri Phương do Hội Sử học Đà Nẵng tổ chức, tôi từng kiến nghị rằng: Có thể nơi khác chưa đặt tên đường vua Tự Đức song Đà Nẵng thì cần phải đặt, để ghi dấu công ơn của ông – với vai trò người chỉ huy tối cao trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ – 1858 (trước năm 1975, Đà Nẵng đã có tên đường Tự Đức).

Ngày 25.12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Thành Điện Hải (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Trao đổi với tôi, ông Huỳnh Hùng – Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho rằng: “Trong cuộc chiến 1858, lâu nay thường nói là quân dân ta hy sinh thôi, điều đó đúng nhưng chưa đủ, phải có người chỉ huy cuộc chiến. Đọc lịch sử cho ta thấy vua Tự Đức đã điều binh, khiển tướng, đưa đến đây những vũ khí tốt nhất của triều Nguyễn lúc đó để chống giặc, danh tướng Nguyễn Tri Phương cũng được vua Tự Đức điều vào chiến trường Đà Nẵng. Vua Tự Đức cũng có nhiều chỉ dụ như “ai có công sẽ được thưởng, ai thấy giặc mà chạy thì xử phạt, có khi là chém trước tâu sau”. Tài liệu lịch sử cho thấy, chính vua Tự Đức huy động “sức dân Quảng Nam” đan sọt, chặn dòng chảy sông Vĩnh Điện để ngăn thuyền tam bản của Tây dương tiến sâu vào tỉnh thành La Qua ở Vĩnh Điện. Chính ông đã miễn thuế cho dân binh Quảng Nam vì có công đánh giặc Tây dương, ông cũng ban chiếu cho quy tập các nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ vào hai nghĩa trủng Phước Ninh và Hòa Vang – đây là những nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của nước ta vậy. Ngoài ra, ông còn cho di dân vùng chiến sự Đà Nẵng vào các tỉnh miền Nam, sai chở gạo thóc để cứu trợ dân Quảng Nam tham gia đánh giặc… Nếu ghi nhận thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt, ghi nhận máu xương cha ông ta từng thấm đẫm chân thành Điện Hải, ghi nhận vai trò của danh tướng Nguyễn Tri Phương song lại quên vai trò của vua Tự Đức quả là một điều đáng tiếc.

Còn một điều mà đến nay vẫn như một thách đố có tính lịch sử rằng, thành Điện Hải có mấy cửa? Nhiều tài liệu của phương Tây thì cho rằng 2 cửa, trong khi các chính sử như Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí đều ghi rõ thành này có 3 cửa. Thực tế hiện nay cũng như các sơ đồ được thiết lập bởi người Pháp năm 1888, đều cho thấy thành Điện Hải có 2 cửa ở phía Nam và phía Đông. Theo tôi, dù sao thì thành Điện Hải phải cần được nhìn nhận dưới hai góc độ: di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt (với tư cách là di sản văn hóa – tài sản văn hóa – sản phẩm văn hóa) và là loại tài nguyên du lịch đặc thù có tiềm năng lớn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho xứ Quảng nói chung, nếu ta biết kết hợp giữa văn hóa với kinh tế du lịch.

Anh Rô (QN)