Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ sáng tạo, cải tiến kỹ thuật

Minh Trung - 10:28 19/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xuất phát từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Thanh Lâm, một nông dân ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện trung du Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã sáng tạo ra nhiều dụng cụ, thiết bị kỹ thuật có tính ứng dụng cao, hỗ trợ giảm nhẹ sức lao động, nâng cao hiệu quả canh tác.
Anh Nguyễn Thanh Lâm bên chiếc máy xới đất do anh sáng tạo ra.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Sáng kiến đầu tiên của anh Lâm là chiếc máy xới có thể vừa làm tơi đất, rạch luống và dọn sạch cỏ. Chiếc máy nhỏ gọn, được thiết kế chạy bằng xăng với động cơ xe máy. Sau nhiều lần tinh chỉnh, cải tiến, đến nay anh Lâm đã hoàn chỉnh chiếc máy. Theo anh Lâm, chiếc máy này có thể giảm được rất nhiều sức người, hiệu quả lao động tăng gấp 4 - 5 lần so với sức của một người.

Một sáng kiến hữu ích khác cũng được anh Lâm sáng tạo ra là bánh xe nước/guồng nước để lấy nước tưới cây trồng. Được Xí nghiệp Thủy lợi 5 (trực thuộc Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi Bình Định) cho phép, anh Lâm đặt 2 guồng nước cách nhau 200m trên dòng chảy của nhánh kênh tưới Văn Phong đưa nước vào máng dẫn nước tự chảy về tưới cho cánh đồng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp việc tưới, chăm sóc cây trồng thuận lợi hơn.

Anh Lâm cho biết: “Dùng guồng nước này, riêng gia đình tôi mỗi vụ sản xuất có thể tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng cho khoản chi phí máy bơm. Từ mô hình của tôi, nhiều bà con trong vùng đã áp dụng cách thức tương tự để đưa nước tưới vào ruộng”.

Không chỉ cải tiến sáng chế máy móc phục vụ trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, anh Lâm còn ứng dụng phương pháp ủ chua phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn vỗ béo đàn bò 10 con và nuôi gà thả vườn của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với phương thức vỗ béo bò gối đầu, sau trừ chi phí, anh Lâm có lãi ròng từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ năm từ bán bò.

Guồng nước tự chế của anh Nguyễn Thanh Lâm ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện trung du Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Trong quá trình nuôi gà, xảy ra tình trạng gà mái hay giành, cắn mổ nhau để tìm ổ đẻ trứng và ấp trứng, làm vỡ trứng với số lượng nhiều, làm bẩn ổ trứng, mất vệ sinh trong khâu ấp trứng nên anh Lâm đã nghiên cứu làm giỏ ấp trứng cho từng gà mái.

Anh Lâm cho biết: Giỏ ấp trứng được đan bằng cật tre già, bền chắc, lót rơm rạ, đủ không gian cho một gà mái vào đẻ và ấp trứng. Giỏ được che thêm miếng lót ở thân giỏ để ngăn gà khác bên ngoài leo lên khi gà trong giỏ đang ấp trứng. Với đàn gà mái bình quân 50 con, khi có giỏ này, tỉ lệ trứng ấp nở đạt khoảng 99%/giỏ, cao hơn hẳn so với khi chưa có giỏ. Vì thế, số lượng gà con làm giống đảm bảo cho anh tái đàn.

Để tăng dinh dưỡng cho gà nuôi, ngoài việc sử dụng cám gà công nghiệp, rau xanh các loại, anh Lâm còn nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà. Từ đàn gà thịt bình quân 1.000 con/lứa, anh Lâm nuôi 4 lứa/ năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Lâm có lãi ròng 120 triệu đồng/ năm.

Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn nhận xét: Anh Nguyễn Thanh Lâm là một nông dân có niềm đam mê sáng tạo, nhiều sáng kiến trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do đó trên cùng một diện tích, sản lượng và chất lượng nông sản của anh Lâm như lúa, bắp đậu phộng luôn đạt năng suất cao hơn so với các ruộng trong vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong thời gian tới, các sáng kiến, cải tiến  kỹ thuật nhà nông này của anh Nguyễn Thanh Lâm được Hội Nông dân xã Bình Tân làm thủ tục, hồ sơ đăng ký dự thi Hội thi “ Sáng tạo nhà nông toàn tỉnh Bình Định” năm 2023.