Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiếp tục nâng cao các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới ở Quỳnh Tân

Việt Ánh - 07:11 15/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau gần 10 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã thu được kết quả đáng trân trọng, đến nay các tiêu chí cơ bản đã hoàn thành và đang dần tiến đến lộ trình đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập

Quỳnh Tân là xã miền núi thuộc khu vực II, cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu 16km về phía Tây Bắc. Xã có diện tích tự nhiên: 3.133,92 ha, dân số 3.011 hộ với 14.157 nhân khẩu được phân bố trên 16 thôn trong đó có 6 thôn đặc biệt khó khăn chương trình 135. Địa hình xã Quỳnh Tân rộng, đồi núi nhiều, hệ thống đường giao thông lớn, dân cư phân bố không tập trung.

Chính điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi này cũng sẽ tạo ra những lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng đặc thù, do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với vị trí địa lý từng thôn là rất cần thiết. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã đã tuyên truyền cho người dân hiểu và mạnh dạn chuyển đổi đầu tư sản xuất sang một lĩnh vực mới và quy mô hơn. Ở những vùng đồi núi, bán sơn địa có thể chăn nuôi theo dạng trang trại, gia trại và trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như các loại cây có múi, ổi, thanh long,... Còn đối với những vùng đồng bằng có thể sản xuất lúa, hoa màu với những loại giống thích ứng với khí hậu để mang lại năng suất cao.

Chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm đang là hướng đi được nhiều hộ gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Việt Ánh

Qua đó, trên đại bàn xã Quỳnh Tân đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế từ phát triển chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Nguồn thu nhập của người dân trong xã chủ yếu từ chăn nuôi và kinh tế rừng. Chỉ tính riêng khoản trồng keo và khai thác nhựa mỗi năm thu nhập từ 15 đến 17 tỷ, bình quân thu nhập từ chăn nuôi dao động 70 đến 75 tỷ đồng. Một số mô hình có thu nhập cao như: Mô hình chăn nuôi hươu của hộ Nguyễn Cảnh Thắng thôn 5, quy mô 80 - 100 con/ lứa; mô hình chăn nuôi lợn 200 - 300 con/ lứa hộ gia đình ông Tân ở thôn 7 lãi ròng khoảng 1 tỷ; mô hình chăn nuôi gia cầm 8.000 đến 10.000 con của ông Nguyễn Cảnh Tân thôn 14 cho lãi ròng 500 – 600 triệu/năm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, xã Quỳnh Tân đã tiến hành thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp thực hiện tốt dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện tốt công tác điều tiết thuỷ lợi như tưới, bơm chống hạn cho các xứ đồng đảm bảo sản xuất kịp thời, đúng thời vụ. Thực hiện dự tính, dự báo sâu bệnh, tập huấn khuyến nông, xây dựng mô hình sản xuất giống mới, sửa chữa kênh mương, giao thông nội đồng, bảo vệ đồng ruộng. Hợp tác xã đưa công nghệ bắc mạ khay tập trung, cấy bằng máy cấy đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm chi phí đầu vào tăng thu nhập; đồng thời, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa mới năng suất cao.

Các tuyến đường được nâng cấp tạo sự thuận lợi cho quá trình đi lại của người dân. Ảnh: Việt Ánh

Hơn nữa, công tác duy tu, nâng cấp các hồ đập, kênh mương phục vụ tưới tiêu rất được chú trọng. Hiện nay trên địa bàn xã có 18 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có 10 hồ đập đảm bảo nước phục vụ cho tưới sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai tại chỗ như: Đập Khe Mây; Hồ Bà Tùy, kênh Chính, kênh Nam Hồ Bà Tùy, đập Khe Ngàn, đập Cồn Quy, đập Khe Lỡ, tràn Cồn Quy; kênh tưới Đồng Vành; kênh Khe Ngàn, cầu Nhà Thương, cầu An Ngãi... và tuyến mương tưới tiêu. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động là 653 ha/721,2 ha đạt 90,5%.

Xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cơ cấu cây trồng, vật nuôi tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, giải quyết tốt công tác an sinh xã hội đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt trong quá trình thực hiện đã thu hút được sự quan tâm, thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân trên toàn xã. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bộ mặt nông thôn được đổi mới; môi trường cảnh quan được đảm bảo, an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Tăng cường và chú trọng đến công tác đào tạo nghề

Để tiếp tục củng cố, hoàn thiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được hướng tới xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại, Quỳnh Tân tiếp tục tập trung huy động và khai thác tối đa mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí với chất lượng cao hơn. Một trong những vấn đề trọng tâm hướng đến là đào tạo ngành nghề phù hợp giải quyết việc làm nhàn rỗi cho lao động nông thôn, đây cũng chính là đòn bẩy nâng cao cuộc sống cho người dân và tăng thu nhập.

Công tác tập huấn, đào tạo nghề được xem là cú hích trong phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Việt Ánh

Xã đã tăng cường và chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huy động và ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo vay để phát triển sản xuất, có cơ chế hỗ trợ cho con em hộ nghèo trong việc học nghề; tuyên dương nhân rộng mô hình hộ nghèo vươn lên trong sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo, khuyến khích các hộ dân vươn lên làm ăn kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi.

Xã Quỳnh Tân bình quân mỗi năm có khoảng 7.000 lao động nhàn rỗi, do đó vấn đề đào tạo ngành nghề giải quyết việc làm tại chỗ là rất cần thiết. Căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương về nhu cầu việc làm, xã đã tuyên truyền tư vấn, đào tạo nghề; rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để qua đó hướng người dân đến cuộc sống ổn định từ chính ngành nghề được đào tạo.

Bình quân thu nhập từ chăn nuôi của xã Quỳnh Tân dao động 70 đến 75 tỷ đồng/năm. Ảnh: Việt Ánh

Hàng năm, công tác đào tạo nghề luôn được chú trọng và đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, các lao động trên địa bàn xã sau khi được đào tạo đã có rất nhiều người lựa chọn đi xuất khẩu lao động; các xưởng cưa, xưởng mộc đã tạo việc làm cho khoảng 400- 500 lao động có việc làm tại chỗ nên hàng năm việc đào tạo nghề mộc trên địa bàn rất được chú trọng. Ngoài ra, xã còn phối hợp với trung tâm đào tạo nghề giải quyết việc làm của huyện mỗi năm mở 4 – 5 lớp đào tạo theo nguyện vọng đăng ký ngành nghề của người dân. Nhờ đó vấn đề việc làm được giải quyết hàng năm ngày một tăng, số lao động nhàn rỗi giảm rõ rệt đã mang lại nhiều thay đổi trong cuộc sống của từng gia đình. Điều đó được thể hiện rõ qua mức thu nhập bình quân đầu người năm 2021 trên toàn xã hơn 41 triệu đồng/người/năm.

“Với việc phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông thôn đã từng bước góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Thời gian tới, Quỳnh Tân sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh lộ trình xây dựng Nông thôn mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn theo định hướng, chỉ đạo của cấp trên. Đặc biệt là huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn”, ông Nguyễn Thành Tâm – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân cho biết.