Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuân Lộc: Vững bước với các tiêu chí nâng cao, tạo đà tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu

Tú San - 11:06 06/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết 69 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), theo đó UBND huyện Xuân Lộc cũng đã ban hành Nghị quyết 13 để triển khai trên địa bàn, cho đến nay huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo đúng bộ tiêu chí của tỉnh. Từ đó tạo tiền đề để UBND huyện Xuân Lộc tiếp tục phát huy, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu.

Vươn lên từ mô hình nông thôn mới 

Từ một huyện còn nghèo sau ngày giải phóng, đặc biệt từ khi thành lập huyện (1/7/1991) với xuất phát điểm thấp, kinh tế thuần nông còn nhiều khó khăn, trong đó ngành Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu chiếm trên 87% tổng sản phẩm xã hội, ngành Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, thương mại- dịch vụ không đáng kể. Kết cấu hạ tầng cơ sở nghèo nàn, hệ thống giao thông nông thôn hầu hết là đường đất, chưa có điện, nước sạch; cơ sở y tế, giáo dục thiếu và phần lớn đã xuống cấp; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 2 triệu đồng/năm, huyện Xuân Lộc đã vươn lên xây dựng thành huyện Nông thôn mới (NTM) với nhiều mô hình, điển hình kinh tế xã hội phát triển; quốc phòng an ninh đảm bảo vững chắc. 

Bộ mặt nông thôn Xuân Lộc sau hơn 30 năm xây dựng NTM- Ảnh TS

Theo đó, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: Xuân Hiệp, Xuân Trường, Xuân Phú, Suối Cát, Lang Minh và Suối Cao; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Xuân Thành, Xuân Bắc, Xuân Hưng. Đây là 9 đơn vị xã đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HU về lãnh đạo thực hiện đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025.

Xuân Lộc định hướng xây dựng NTM theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững - Ảnh TS

Tại các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, các hoạt động đang thực hiện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, mỗi xã có ít nhất 2 mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và liên kết theo chuỗi giá trị...

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Xuân Lộc đã có 9/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Xuân Lộc đã quy hoạch 4 tiểu vùng sản xuất tập trung để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, hình thành 14 dự án liên kết sản xuất cây, con chủ lực; có 12 sản phẩm đạt OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Đặc biệt, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người cũng đạt cao theo chuẩn chung là 80,5 triệu đồng/người năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Cho đến nay, huyện Xuân Lộc đã đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu theo Quyết định 320 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ công nhận là Huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023 này và phấn đấu đến năm 2025 huyện sẽ hoàn thành 50% tiêu chí NTM kiểu mẫu”.

Thành quả của những nỗ lực

Theo ông Trần Tuấn Khanh, chủ trang trại nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trắng tại xã Xuân Phú, sự đổi thay rõ nét sau ngày giải phóng đã tạo thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt, nhất là kinh tế xã hội trên địa bàn và sau khi áp dụng các tiêu chí xây dựng NTM đã góp phần tạo lòng tin cho người dân mạnh dạn đầu tư kinh doanh để phát triển. Ông Khanh cho biết, nuôi chim trĩ, bán thịt thương phẩm (230 nghìn đồng/kg), trứng (11-14 nghìn đồng/trứng) và gần 1 triệu đồng/cặp giống thì mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với loại gia cầm như gà, vịt.

“Chúng tôi tiếp tục tăng đàn với số lượng hàng ngàn con, làm việc với nông dân địa phương, nhân rộng mô hình và cung cấp các điều kiện cần thiết, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm lợi nhuận của nông dân tham gia cao hơn chăn nuôi các loại gia cầm khác”, ông Khanh khẳng định.

Ngành Chăn nuôi cũng mang lại thu nhập tốt cho người dân Xuân Lộc - Ảnh TS

Vùng đất nghèo khó, bom đạn cày xới xưa kia nay đã đổi thay nhanh chóng, nhiều mô hình kinh tế xã hội đã và đang phát triển mạnh, điển hình như Hợp tác xã (HTX) rau Trường An sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; các sản phẩm từ NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với thu nhập của người dân bình quân cuối 2022 đạt trên 80 triệu đồng/năm, gấp hơn 6,5 lần so thời điểm năm 2008…

Tại cuộc họp ngày 24/3/2023 với Huyện ủy Xuân Lộc về tình hình triển khai thực hiện các kế hoạch đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 trên các lĩnh vực, ông Hồ Thanh Sơn  - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đánh giá cao khi huyện Xuân Lộc đã đạt hầu hết các chỉ tiêu, nhất là đạt kết quả cao trong xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên đối với những xã đã đạt NTM kiểu mẫu vẫn phải tiếp tục nâng cao thu nhập; đẩy nhanh tốc độ hưởng thụ văn hóa cao hơn để dân được sống tốt hơn; tỷ lệ phát triển đảng viên ở địa bàn này cũng phải cao hơn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Văn hoá - Giáo dục đang ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân - Ảnh TS

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng nhận định: “Huyện Xuân Lộc luôn là địa phương đứng đầu tỉnh trong xây dựng NTM với thu nhập bình quân đất sản xuất đạt 171 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người 81 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ trong đầu tư cho sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm để đạt được hiệu quả cao nhất”.