Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở bờ biển

Vân Nguyễn - 07:18 26/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 25/8, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh vừa ký ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở trong thời gian dài đã làm cho nhiều đoạn đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào phía trong. Trong mùa mưa bão hiện nay, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài hơn 29.000m qua địa phận huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Năm Căn.

Trong 6 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có 6 đoạn thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển, gồm: Cửa biển Hốc Năng, chiều dài 2.500m; Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, dài 4.100m; Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, dài 7.150m; Kiến Vàng đến Ông Tà, dài 6.400m. Hai đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại gồm: Cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), đoạn L3 dài 1.000m; Hố Gùi đến Bồ Đề (huyện Năm Căn), dài 8.000 m.

Thiên tai, sạt lở đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: ĐVCC

Theo UBND tỉnh Cà Mau, diễn biến sạt lở hiện nay đối với 6 vị trí nêu trên đang rất phức tạp, gia tăng về cường độ. Với tốc độ sạt lở như đang diễn ra, nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến: Các khu dân cư tập trung tại xã Đất Mũi, xã Tân Thuận; các trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.

Để chủ động ứng phó nhanh với tình huống sạt lở nguy cấp nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau được giao phối hợp chính quyền các địa phương trong vùng sạt lở (Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi) có trách nhiệm huy động các nguồn lực (vật tư, trang thiết bị, phương tiện...) và triển khai các biện pháp cần thiết khác để ứng phó với tình huống khẩn cấp; thông báo, cắm biển khoanh vùng cảnh báo, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, nghiêm cấm mọi tác động vào các khu vực này.

Tỉnh đã tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp. Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh về bố trí kế hoạch vốn để triển khai công trình khẩn cấp ứng phó với sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Tỉnh Cà Mau hiện có tổng cộng hơn 180 km bờ biển bị sạt lở và 425 km bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Toàn tỉnh đã có hơn 5.200 ha đất và rừng phòng hộ bị sạt lở cuốn trôi. Để ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở, thời gian qua, Cà Mau đã đầu tư xây dựng gần 56 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng; hơn 9 km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí hơn 390 tỷ đồng. Những công trình được đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, mức độ đầu tư hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống sạt lở trên địa bàn.

TỪ KHÓA #cà mau sat lở