Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần tổ chức lại sản xuất để đưa ngành nhuyễn thể phát triển một cách bền vững 

Hương Giang - 07:15 13/04/2022 GMT+7
Năm 2021, các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ là mặt hàng duy nhất không bị tác động giảm do dịch Covid. Nguyên nhân là các khu vực sản xuất nguyên liệu đa số nằm ở các tỉnh miền bắc- khu vực ít bị ảnh hưởng dịch Covid -19  trong năm qua. Hơn nữa, nhu cầu nhuyễn thể có vỏ (chủ yếu là nghêu) vẫn tăng cao tại các thị trường chính như Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Mỹ.

Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ quý I.2022 đạt trên 30 triệu USD

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cả năm qua, xuất khẩu (XK) các sản phẩm có vỏ đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trừ tháng 2 XK giảm 24% do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tháng 11 tăng trưởng nhẹ 9%, các tháng còn lại trong năm qua đều ghi nhận tăng trưởng XK 2 con số (từ 22-82%).

Trong cơ cấu XK thủy sản có vỏ năm qua, nghêu là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020. Sản phẩm XK nhiều thứ 2 là ốc chiếm 10% với trên 14 triệu USD, tăng 3%. Tiếp đến là sản phẩm điệp, sò điệp chiếm 8% với 11,4 triệu USD, tăng 13%. Còn lại là các sản phẩm hàu, sò, hến, bào ngư và các loại hỗn hợp…

Năm 2021, Việt Nam XK các sản phẩm thủy sản có vỏ sang hơn 50 thị trường. Tây Ban Nha là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam, chiếm 18%, Italy và Mỹ đứng thứ 2 chiếm tỷ trọng tương đương 17% và Bồ Đào Nha chiếm 15%. Nhật Bản đứng thứ 5, chiếm 8% XK nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam.

Nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) ứng dụng máy móc vào vào các khâu thu hoạch ngao như sàng rửa và phân loại ngao. Ảnh N.A

Năm qua, XK sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, XK sang Mỹ tăng mạnh nhất, 93% đạt 23,6 triệu USD. XK sang 3 thị trường lớn của EU gồm Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha tăng từ 37,5 - 43,7% đạt lần lượt 26 triệu USD, 24,6 triệu USD và 20,9 triệu USD. Tuy nhiên, XK sang Nhật Bản đã giảm trên 18% chỉ đạt 11,4 triệu USD.

Riêng với sản phẩm nghêu XK thì Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha là 3 thị trường lớn nhất, chiếm lần lượt 25%, 24% và 20% giá trị XK. Mỹ đứng thứ 4 với 14%. XK nghêu sang tất cả các thị trường đều tăng 2-3 con số, riêng Mỹ tăng 144%.

Năm 2021 có 20 địa phương trên cả nước có nghêu XK. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Thanh Hóa chiếm trên 30% kim ngạch XK nghêu với 24,5 triệu USD, thứ 2 là Bến Tre với 17,8 triệu USD, chiếm 22%. Đứng thứ 3 là tỉnh Nam Định với 12% tỷ trọng, giá trị gần 10 triệu USD.

Quý I.2022, XK nhuyễn thể có vỏ của cả nước tăng 24% đạt trên 30 triệu USD, trong đó riêng nghêu ước đạt gần 20 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo XK nhuyễn thể có vỏ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, theo đó ước XK trong tháng 4/2022 đạt trên 12 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Phát triển con giống chất lượng cao - khâu quan trọng nhất hiện nay

Tại Diễn đàn “Phát triển ngành nhuyễn thể bền vững” do Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức tại Nam Định vừa qua, các đại biểu đều nhận định và cho rằng dư địa cho phát triển ngành nhuyễn thể ở Việt Nam còn rất lớn, cần tổ chức lại sản xuất để đưa ngành nhuyễn thể phát triển một cách bền vững.

Ông Phùng Đức Tiến -Thứ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển ngành nhuyễn thể bền vững” tại Nam Định vừa qua.

Ông Phùng Đức Tiến -Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa các đối tượng tiềm năng của Việt Nam; trong đó, sản phẩm nhuyễn thể là một trong đối tượng nuôi có tiền năng, đặc biệt là đang có dư địa phát triển lớn, thị trường xuất khẩu rộng mở. Chính vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ để đưa ngành nhuyễn thể phát triển một cách bền vững.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đã chỉ ra những thách thức, khó khăn mà nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi ngao, hàu, sò điệp,.. hiện nay đang phải đối mặt như: Nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao; nhiều nơi, nhiều vùng sản xuất sản phẩm không đảm bảo kích cỡ, tỉ lệ thịt/vỏ thấp do con giống có dấu hiệu thoái hóa nguồn gen, mật độ thả nuôi quá nhiều dẫn đến việc tiêu thụ gặp rất khó khăn; tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi về chất lượng an toàn thực phẩm. Đặc biệt hiện tượng ngao, hàu, tu hài chết hàng loạt trong những năm gần đây gây nhiều thiệt hại cho người nuôi, bên cạnh đó công tác quản lý môi trường, quản lý nuôi còn nhiều bất cập.

Người dân huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) thu hoạch ngao hai cùi. Ảnh N.A

Một trong những khâu quan trọng nhất hiện nay được Thứ trưởng chỉ ra đối với ngành nuôi nhuyễn thể là phát triển con giống chất lượng cao, yếu tố chất lượng giống sẽ quyết định năng suất của các sản phẩm nhuyễn thể, chính vì vậy Thứ trưởng yêu cầu các nhà khoa học, các viện trường cần tập trung nghiên cứu tạo ra nguồn giống chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam…

Để giải quyết những khó khăn trên, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý, viện trường nghiên cứu, các địa phương, các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm: Đánh giá được tình hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và quản lý môi trường nhuyễn thể trong thời gian qua cũng như những thách thức đối với phát triển bền vững ngành hàng nhuyễn thể; Công tác giám sát an toàn vệ sinh, kiểm soát chất lượng nhuyễn thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; Phân tích hiện trạng về công nghệ chế biến và hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhuyễn thể; Kinh nghiệm và phương án tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nghêu/ngao; Cách thức để chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nhuyễn thể đạt chứng nhận thực hành tốt (ASC, VietGAP…) phục vụ cho xuất khẩu.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản cho biết: Với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều và 2.200 loài động vật thân mềm, Việt Nam có tiềm năng lợi thế rất lớn trong phát triển nuôi nhuyễn thể. Năm 2021, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể trên cả nước đạt 35.570 ha, sản lượng đạt 471.669 tấn. Năm 2021, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã xuất khẩu sang hơn 67 thị trường trên thế giới với kim ngạch đạt trên 141 triệu USD, tăng trên 20% so với năm 2020. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của các sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam là EU, Bắc Mỹ, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Định hướng, mục tiêu phát triển ngành nhuyễn thể đến năm 2030 là đưa tổng diện tích nuôi nhuyễn thể trên cả nước đạt 42.800 ha, sản lượng đạt 514 nghìn tấn. Theo đó, tập trung đầu tư hoàn thiện và đưa vào sản xuất ổn định các vùng nuôi nhuyễn thể tập trung. Hoàn thiện hệ thống sản xuất giống gắn với các vùng nuôi nhuyễn thể trọng điểm, tập trung để chủ động cung cấp 100% con giống.

Bên cạnh đó, khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn các giống loài nhuyễn thể tự nhiên và quản lý khai thác sử dụng hiệu quả. Thu hút và giải quyết việc làm cho 100.000 người, khoảng 80% số lao động được đào tạo, tập huấn.