Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng sau ngập úng

Hiện đang vào mùa mưa bão, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lụt gây ra, Cục Trồng trọt yêu cầu các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp chống úng, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng:

Các biện pháp chống ngập úng cho cây trồng

Đối với cây lúa:

- Khơi thông dòng chảy, sử dụng các thiết bị máy móc tiêu úng.

- Tranh thủ thời tiết khô ráo khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín.

- Trà lúa chắc xanh đỏ đuôi, nếu cây lúa bị đổ cần khơi thông tiêu úng dựng lúa để cây trồng phục hồi.

- Trà lúa đang trỗ - phơi mầu cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh gây hại cuối vụ như rầy, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh hoa cúc...để có biện pháp xử lý phù hợp, chú ý sâu cắn gié ở những vùng bị ngập.

Cần sớm phát hiện và xử lý bệnh bạc lá trên lúa ở những vùng bị ngập. Ảnh minh họa

Cây trồng cạn:

Chống úng, trồng dặm rau màu:

- Các biện pháp như khơi thông dòng chảy, nạo vét dõng luống, mương máng, đào hố 2 đầu góc ruộng nhằm tiêu nước trên và dưới bề mặt một cách nhanh nhất...

- Lượng nước trong ruộng dóc xuống hố đào nông dân cần khẩn trương tát, múc ra mương máng thường xuyên. Đồng thời, nếu thời tiết sau mưa có nắng, gió thì cần vén màng phủ gần gốc cây để lộ đất cho bộ rễ được thông thoáng, nước sẽ bay hơi nhanh hơn và nấm, vi khuẩn cũng không phát sinh gây hại rễ cây nhiều. Nếu có điều kiện, nên bổ sung một lượng tro bếp nguội vào gần gốc cây để tro hút nước lên bề mặt nhanh.

- Đối với những diện tích rau màu mới trồng, mặt luống rau bị dí rẽ, cây con có bộ rễ chưa phát triển mạnh thì nên xới xáo nhẹ, phá váng mặt luống giúp cây hồi phục nhanh hơn kết hợp với trồng dặm các cây bị khuyết để đảm bảo mật độ.

* Chú ý: Tuyệt đối không nên phá váng cho diện tích cây rau màu đã lớn lúc vừa tạnh mưa nhất là các cây có bộ rễ phát triển sum xuê. Vì làm vậy rễ cây sẽ bịxây xát hoặc đứt, nấm và vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập gây hại mạnh hơn.

Kích thích bộ rễ phát triển và hạn chế bệnh hại cho cây:

- Do mưa lớn kéo dài, lượng nước bề mặt và dưới bề mặt trong ruộng ở tình trạng thừa đối với rau màu nên bộ rễ cây sẽ có nguy cơ bị úng gây nên hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ và chết.

Vì vậy, nông dân cần kịp thời dùng supe lân (1,5 - 2 kg/sào) hoặc các loại phân bón chuyên dùng siêu ra rễ (theo liều lượng khuyến cáo) tưới cách gốc cây 10 - 15 cm nhằm kích thích bộ rễ phát triển, hồi phục lại tốt hơn. Đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái phun lên thân lá rau màu từ 2 - 3 lần cách nhau 3 - 5 ngày phun 1 lần mục đích để cây tăng sức đề kháng, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, thân cây cứng, hạn chế dập nát, đổ ngã. Giai đoạn này tuyệt đối không nên sử dụng nhiều phân đạm vô cơ để bón cho cây, cần chú ý bón phân cân đối là biện pháp chủ động phòng trừ sâu bệnh.

Chống úng cho cây ăn quả:

Đào mương, vét rãnh để tiêu thoát nước; tiến hành vệ sinh vườn, dọn sạch tàn dư trong vườn hạn chế mầm bệnh lưu tồn, lây lan; những vườn đất ẩm, biểu hiện dí chặt cần xới nhẹ đất phía dưới tán lá để phá váng tạo thông thoáng bộ rễ đồng thời tiến hành chăm bón đúng quy trình kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển sau khi đất khô.

Điều tra phát hiện, dự tính, dự báo và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại

Phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa:

- Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tiếp tục kiểm tra, soát xét kết quả phòng trừ thời gian qua, đồng thời tổ chức hướng dẫn phòng trừ những diện tích có mật độ sâu trên 10 con/m2 trở lên theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

 - Rầy nâu, rầy lưng trắng: Sau mưa lụt, kết quả điều tra như sau: Tập trung điều tra phát hiện sớm khi rầy tuổi nhỏ ở dạng ổ, chưa phát tán, khoanh vùng và xử lý kịp thời, khi mật độ rầy trên 750 con/m2 tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chấtnhư:Fenobucarb, Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin,… Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Victory 585EC, Wavotox 585EC, Bassa 50EC, Fidur 220EC...

Đối với nhóm thuốc tiếp xúc, xông hơi phải rẽ lúa thành những băng rộng 0,5-0,6m, tuyệt đối không để ruộng cạn nước, phun đảm bảo cho thuốc tiếp xúc với toàn bộ cây lúa và đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.

- Bệnh bạc lá: Sau mưa lụt bộ lá bị tổn thương là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh bạc lá xâm nhiễm gây hại trên các giống nhiễm (Bắc Thơm 7, Bte 1, TH3-3, TH3-5, nếp 97, 98...), bệnh hại nặng trên các chân ruộng sâu trũng gieo cấy dày, có hiện tượng bón thừa đạm về cuối vụ. Tập trung theo dõi chặt chẽ những diện tích hàng năm thường bị nhiễm bệnh và các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt chú ý những diện tích vừa qua bị ảnh hưởng do bão số 2 gây tổn thương bộ lá, cần phải tiến hành phun phòng trừ bệnh kịp thời, sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Oxolinic acid, kasugamycin, Bronopol : Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Starner 20WP, Kamsui 2SL, Xantocin 40WP…Sau khi phun thuốc 5-7 ngày, tiến hành kiểm tra nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh gây hại tiếp tục phun lại lần 2.

- Bệnh khô vằn: Điều kiện thời tiết oi nóng có mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại nặng, đặc biệt trên số diện tích vừa qua bị ngập do bão số 2. Tập trung điều tra phát hiện và hướng dẫn phun trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau:Validamycin, Azoxystrobin, Difenoconazole, Propiconazole: Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Validacin 5SL, Vida 5SL, Tilsuper 300ND, Nevo 330EC...

Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, những ngày nắng nóng phun thuốc trước 9 giờ sáng hoặc sau 16 giờ chiều. Đối bệnh bạc lá, bệnh khô vằn cần chủ động phun phòng sớm để phát huy hiệu lực của thuốc bảo vệ thực vật.

Phòng trừ sâu bệnh trên ngô, đậu, rau các loại:

- Mưa lớn kéo dài còn là điều kiện thuận lợi để nấm và vi khuẩn gây bệnh tấn công rau màu qua vết thương xây xát. Vì vậy, sau khi mưa dứt, tranh thủ lúc thời tiết khô ráo, thân lá cây không còn đọng nước nên phun thuốc phòng bệnh cho thân lá và bộ rễ rau màu.

- Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Validacin, Topsin, Nativo, Aliette, Mancozeb... phun lên thân lá và vùng rễ cây trồng. Nếu thị trường có bán chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma, tốt nhất nên sử dụng chế phẩm này tưới gốc rau màu theo liều lượng khuyến cáo từ 1 - 2 lần cách nhau 5 ngày nhằm giảm thiểu lượng cây bị chết rũ do bộ rễ bị thối hỏng đồng thời, kích thích rễ phát triển nhanh hơn, cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

*Chú ý: Nếu đã dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma tưới gốc thì tuyệt đối không được phun hoặc tưới thuốc trừ bệnh hóa học xuống vùng rễ cây trồng sẽ gây phản ứng có hại (nấm đối kháng bị diệt nên không phát huy tác dụng). Nên kết hợp chế phẩm Trichoderma với chế phẩm phòng trừ bệnh do nấm và vi khuẩn CT-AKH L đây là chế phẩm phòng trừ sâu bệnh thế hệ mới vừa có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh vừa thúc đẩy quá trình phát triển của nấm Tricoderma.

Sau khi mưa dứt, tranh thủ lúc thời tiết khô ráo, thân lá cây không còn đọng nước nên phun thuốc phòng bệnh cho thân lá và bộ rễ rau màu. Ảnh minh họa.

- Không nên bấm ngọn tỉa cành hoặc vặt lá gốc cho rau màu ngay sau khi mưa dứt vì sẽ dễ làm nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại cây.

- Không nên sử dụng phân bón lá giàu đạm hoặc chất kích thích sinh trưởng GA3 phun cho rau sau mưa vì dễ làm cây bị thối hỏng do bộ lá mềm mỏng, thân cây vóng mướt.

- Nếu dùng màng phủ nông nghiệp phủ rau thì không nên đục lỗ quá nhỏ, không nên che màng phủ kín cả má (mé) luống xuống tận dõng. Vì làm vậy ôxi rất khó lưu thông vào bộ rễ cây, lượng nước thừa thoát ra ngoài luống cũng rất khó, nấm và vi khuẩn gây bệnh lại phát sinh phát triển gây hại rễ cây nhiều...

Trên cây ăn quả:

Thường xuyên kiểm tra mức độ phát sinh gây hại của bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây cam, bưởi nhất là những vùng vừa qua bị ngập úng do mưa bão để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Khi phát hiện bệnh sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Fosetyl Aluminium, Mancozeb,  Metalaxyl, Dimethomorph: Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như:Aliette 80WP, Ridomil Gold 68 WP, Insuran 50WG, ...

- Kỹ thuật xử lý thuốc:

+ Đối với bệnh nứt thân xì mủ:

Bước 1: Dùng dao cạo sạch phần vỏ đã bị bệnh, vệ sinh sạch.

Bước 2: Dùng vải bố, vải sợi (vải có khả năng thấm nước tốt, hoặc bao tải đay) quấn xunh quanh gốc (quấn xung quanh vùng bệnh).

Bước 3: Sử dụng thuốc Aliette 80WP (pha 25 g thuốc vào bình 10 lít), Ridomil Gold 68 WP (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít), Insuran 50WG (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít) tưới trực tiếp vào phần vải quấn xung quanh vùng bệnh định kỳ 7-10 ngày/lần hoặc cạo và vệ sinh sạch vết bệnh pha các loại thuốc trên với nồng độ cao hơn 2-3 lần và dùng chổi sơn quét trực tiếp lên vết bệnh định kỳ 7-10 ngày/lần.

Bước 4: Sau tưới hoặc quét thuốc 2-3 lần kiểm tra nếu thấy vết bệnh đã khô hẳn thì dừng sử dụng thuốc và tiếp tục chăm sóc.

+ Đối với bệnh vàng lá thối rễ.

Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như: Aliette 80WP (pha 25 g thuốc vào bình 10 lít), Ridomil Gold 68 WP (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít), Insuran 50WG (pha 50 g thuốc vào bình 10 lít) tưới trực tiếp xung quanh gốc với lượng 3-5 lít nước thuốc/cây, tưới 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày/lần.

Biện pháp bổ trợ: Sau khi xử lý thuốc hóa học, kiểm tra thấy vết bệnh khô và không còn khả năng lây lan (bệnh nứt thân xì mủ) và lá không bị vàng và rụng, nhú lộc mới (bệnh vàng lá thối rễ) tiền hành xử lý chế phẩm sinh học Trico DHCT (500g) trộn với nấm cộng sinh RhizoMyx 2.5G (1kg) dùng rải cho 25 gốc (nấm Trico hỗ trợ cây phòng trừ nấm gây bệnh, RhizoMyx là nấm cộng sinh với bộ rễ giúp cây nhanh chóng hấp thu được dinh dưỡng). Bên cạnh việc xử lý thuốc cần tiến hành phun bổ sung chế phẩm Boom Flower (pha 100 ml thuốc với 50 lít nước) qua lá giúp hỗ trợ cây nhanh chóng phục hồi.

Cách phòng và trị bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ
Bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ do một loại virus gây ra khiến cho cơ thể cá đỏ lên do xuất huyết, vây đỏ, nắp mang đỏ và viêm ruột. Khi mắc phải bệnh này tỷ lệ cá chết cao từ 30 – 50% đàn cá trong ao, cũng có một số ao nuôi tỷ lệ cá chết 100%.