Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cách phòng và trị bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ

16:03 07/06/2022 GMT+7
Bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ do một loại virus gây ra khiến cho cơ thể cá đỏ lên do xuất huyết, vây đỏ, nắp mang đỏ và viêm ruột. Khi mắc phải bệnh này tỷ lệ cá chết cao từ 30 – 50% đàn cá trong ao, cũng có một số ao nuôi tỷ lệ cá chết 100%.

Thời gian xuất hiện loại bệnh xuất huyết do virus thường vào cuối xuân đầu hè (tháng 3 đến tháng 5 dương lịch) và mùa thu (từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch) khi nhiệt độ nước 25-30oC.

* Phân bố:  Bệnh  này xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1994 đến nay và loại virus gây bệnh này chỉ gây bệnh trên cá trắm cỏ và cá trắm đen, các loài khác chưa gặp.

* Dấu hiệu:

Dấu hiệu ngoài:

+ Cá có màu tối sẫm, nổi lờ đờ trên mặt nước. Cá bệnh nặng thì mắt bị lồi và xuất huyết, mang nhợt nhạt, nắp mang và vây xuất huyết.

+ Cá giống thường xuất hiện sớm nhất là vây chuyển màu đen, bề ngoài thân màu tối đen, bên lưng có thể xuất hiện 2 giải màu sọc trắng. Cá bệnh nặng ngoài thân tối đen và xuất huyết hơi đỏ.

+ Xoang miệng, nắp mang, xung quang mắt đỏ, gốc vây và phần bụng đều biểu hiện xuất huyết

+ Mắt lồi, tơ mang màu đỏ tím hoặc trắng nhợt do mất máu, hậu môn viêm đỏ. Cá trên 2 tuổi có dấu hiệu không rõ.

+ Bệnh này thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm co ruột bị hoại tử và sinh hơi.

Dấu hiệu trong: tróc vẩy, lớp cơ dưới da có màu đỏ tím. Trong các cơ quan nội tạng thấy ruột bị xuất huyết cục bộ hoặc toàn  bộ màu đỏ thẫm, trong ruột không có thức ăn, gan xuất huyết có đốm trắng, xoang bụng có hiện tượng xuất huyết.

Cá trắm cỏ giống các gốc vây xuất huyết, các tia vây rách nát và cụt dần, vẩy rụng và khô ráp

Cách phòng và trị bệnh

Đối với cá giống ( 3 – 5cm) khi nhìn dưới ánh sáng mạnh có thể thấy cơ xung xuất huyết, xoang miệng, nắp mang, xung quanh mắt, gốc vây và phần bụng có hiện tượng xuất huyết, nhãn cầu lồi ra, tơ mang màu đỏ hoặc trắng nhợt nhạt do mất máu.

Cá trắm cỏ lớn trên 2 tuổi khi mắc bệnh thì dấu hiệu xuất huyết không rõ ràng, bệnh xuất huyết thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm cho ruột bị hoại tử và sinh hơi, đồng thời bà con cũng sẽ thấy triệu chứng hậu môn cá bị viêm đỏ.

Bệnh xuất huyết thường xảy ra ở hai dạng

Dạng cấp tính: Bệnh phát triển rất nhanh và trầm trọng, cá bị bệnh sau khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày có thể chết trắng ao, tỷ lệ chết cao 30 – 50%, có một số ao nuôi tỷ lệ chết 100%. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các kích cỡ cá trong ao nuôi, mức độ nghiêm trọng nhất khi nuôi ở mật độ dày như nuôi trong lồng cá nhân tạo.

Dạng mãn tính: Bệnh phát triển tương đối chậm, trong giai đoạn này cá chỉ chết rải rác trong suốt mùa phát bệnh. Ở dạng mãn tính thường xuất hiện bệnh ở những ao nuôi cá giống, nuôi ở diện tích lớn và mật độ thưa.

Biện pháp phòng bệnh

Khi mắc bệnh việc điều trị vô cùng khó khăn nên để giảm thiểu thiệt hại kinh tế do bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ bà con nên phòng bệnh bằng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau:

Qua mỗi vụ nuôi cần có thời gian tẩy trùng ao, lồng nuôi, trước khi nuôi cá phải chuẩn bị ao nuôi kỹ càng, dùng vôi hòa với nước và té đều xuống ao với liều lượng 2kg/100m2 định kỳ một tháng 2 lần để tiêu diệt triệt để mầm bệnh. Vào mùa bệnh, bà con nên dùng Vitamin C bổ sung vào thức ăn cho cá, với liều lượng 30mg/kg cá trong một ngày và cho cá ăn liên tục trong mùa phát bệnh.

Cách trị bệnh

Tiến hành khử trùng nước ao bằng TTCA , BKC hoặc BKD với liều lượng của nhà sản xuất khi trên bao bì

Đối với cá thì cho ăn DOXYCYCLIN hoặc FLORPHENICOL với liều lượng của nhà sản xuất có ghi trên bao bì với thời gian ăn từ 5 – 7 ngày liên tục

Sau khi điều trị bằng kháng sinh xong bà con cho cá ăn thêm VITAMIN C, B1 và bột tỏi nhằm tăng cường thêm sức đề kháng cho cá cũng như kích thích hệ vi sinh vật trong đường ruột phát triền và làm cho cá ăn khỏe và nhanh chóng phục hồi sau bệnh

Mật độ nuôi cá trắm cỏ

Trong quá trình nuôi thực tế cá trắm cỏ thường được nuôi đơn ở các lồng nuôi còn trong các ao nuôi bà con thường nuôi ghép với các loại cá khác để đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn thức ăn tự nhiên.

Nếu bà con sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế thì có thể nuôi ghép 50% cá trắm cỏ, 30% cá rô phi, 10% cá chép và 10% còn lại là cá mè và cá trôi. Khi kết hợp nuôi ghép các loại cá lại với nhau sẽ tận dụng được các nguồn thức ăn tự nhiên trong ao cũng như sử dụng các bề mặt tầng nước hiệu quả nhất giúp tăng được năng suất và sản lượng.

Hương Giang (tổng hợp)

Thu nhập khá từ chăn nuôi “Đầu cơ nghiệp”
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát huy những giá trị của vật nuôi truyền thống “Đầu cơ nghiệp” là những chú trâu quen thuộc, anh Đỗ Công Huân ở xã Vân Nham (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã có thu nhập từ 500-700 triệu đồng mỗi năm từ nuôi trâu nhốt chuồng.