Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Châu Đức khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Bài, ảnh: Phạm Đức Trọng - 07:02 12/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 20/6/2022 tới đây, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) kỷ niệm 10 năm xây dựng nông thôn mới. Chỉ sau 10 năm bắt tay vào xây dựng phong trào này, từ một vùng đất khó khăn, nơi đây đã trở thành một điểm sáng về kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng thành công nông thôn mới

Năm 2012, huyện Châu Đức tiến hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó cơ cấu kinh tế nông thôn của huyện đang trong gia đoạn chuyển dịch chậm, thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 15,2 triệu đồng/người/năm.

Từng bước trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 54-KH/HU và Nghị quyết số 01-NQ/HU. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực các nội dung; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình được quan tâm.

Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn 2012-2021, huyện đã tiếp nhận và phát cho người dân 14.400 cuốn sổ tay, 50.000 tờ rơi; hơn 800m2 pano, băng rôn; 8.449 cuốn cẩm nang hướng dẫn về xây dựng nông thôn mới. Trung tâm Văn hoá huyện đã xây dựng và phát sóng 30 phóng sự, phỏng vấn; 150 tin phản ánh về xây dựng nông thôn mới; phối hợp thực hiện 10 phóng sự tư liệu về xây dựng nông thôn mới tại các xã, đã góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn thể cán bộ, đảng viên.

Một góc trung tâm huyện Châu Đức nhìn từ trên cao.

Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã linh hoạt, chủ động thực hiện đa dạng nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Giai đoạn 2010-2021, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là hơn 6.584 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp hơn 49 ngàn ngày công lao động, tự nguyện hiến gần 1,05 triệu m2 đất, 50.000m tường rào, gần 150 ngàn cây trồng lâu năm để làm đường giao đường giao thông nông thôn với tổng số tiền quy đổi khoảng 492 tỷ đồng.

Sau 10 năm xây dựng, đến nay, huyện Châu Đức đã hoàn thành 9/9 tiêu chí Huyện Nông thôn mới; 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 4 xã Suối Nghệ, Bình Ba, Xà Bang và Cù Bị đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Nông thôn Châu Đức giờ đây không còn cách biệt nhiều so với thành thị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao, thu nhập giữa các xã trong huyện tương đối đồng đều, diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi rõ nét.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giai đoạn từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã thực hiện làm mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 1.000 km đường; nâng cấp cải tạo 05 cây cầu trên các tuyến giao thông nông thôn. Nếu như trước đây đường liên thôn, liên ấp, liên xã là những con đường đất thì nay đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Ngoài ra, huyện cũng đã đầu tư mở rộng hơn 32 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên 45 km, từng bước đáp ứng yêu cầu cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động trong sản xuất, giảm nhẹ thiên tai góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng và bảo vệ tài sản của nhân dân trên địa bàn.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia

Ông Lê Đình Văn, người đân xã Bàu Chinh cho biết: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì diện mạo quê hương giờ đây đã đổi thay rất nhiều, những tuyến đường nông thôn đi lại cũng thuận tiện, thương lái đến tận vườn thu mua trái cây với giá cao. Nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà đời sống người dân chúng tôi không ngừng được nâng lên về mọi mặt”.

Hiện nay hệ thống lưới điện đã phủ hầu hết các khu dân cư tập trung, các khu vực sản xuất chính của các xã, đến nay, tỷ lệ số hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Về giáo dục, trong giai đoạn vừa qua, huyện đã tiến hành đầu tư xây mới 22 trường học; nâng cấp, sửa chữa 41 trường học khác; đầu tư sửa chữa, mua sắm, thay thế trang thiết bị dạy và học nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác giáo dục.  Đến nay, toàn huyện có 50/59 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đường nông thôn ở Châu Đức hôm nay.

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cũng phát triển với hệ thống các chợ khang trang; đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa, thương mại dịch vụ của người dân địa phương.

Trên lĩnh vực kinh tế, huyện đã tích cực huyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư các loại cây trồng có giá trị cao như hồ tiêu, ca cao, cây ăn trái song song với đầu tư cơ sở chế biến nông sản, bao tiêu sản phẩm, ổn định thị trường cho nông sản. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,63 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 64,36 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; Quy mô sản xuất đã chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển; đã có sự quan tâm cao về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng liên kết, theo chuỗi giá trị.

Sức lan tỏa sâu rộng của chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới còn được thể hiện qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP). Đến nay, trên địa bàn huyện có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, 01 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng. Toàn huyện có 7.745 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với gần 18.000 lao động tham gia. Các ngành hoạt động sản xuất chủ yếu: Sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm. Cụm công nghiệp Ngãi Giao giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện; khu công nghiệp – đô thị Châu Đức đã đi vào hoạt động, đến nay có 50 nhà đầu tư đi vào hoạt động, sản xuất, giải quyết việc làm cho 9.000 lao động; khu công nghiệp Đá Bạc đã vận hành điện năng lượng mặt trời, hòa vào lưới điện quốc gia.

Toàn huyện Châu Đức có 7.745 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với gần 18.000 lao động tham gia.

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Công tác giáo dục- đào tạo đạt được những kết quả tích cực, Hiện 15/15 xã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và đạt phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 2, trung học cơ sở mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 1; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%. Chất lượng giáo dục hàng năm tiếp tục được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phòng, chống dịch bệnh có nhiều khởi sắc, chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân được nâng cao. Toàn huyện trung bình có 4,2 bác sỹ/10.000 dân; có 80 giường bệnh nội trú, đạt 4,7 giường bệnh/10.000 dân. Công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm được tăng cường, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, không có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhận thức của người dân về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm dưới 1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,17%; 15/15 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ còn 13,6%. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng mới Trung tâm Y tế huyện Châu Đức với quy mô 100 giường bệnh, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2023.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia. Chương trình nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm, từ năm 2010 đến nay đã xây dựng mới 475 căn và sửa chữa 265 căn căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Nhờ vậy, tính đến tháng 6/2021, trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng trên địa bàn 15 xã là 99,64%.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận văn hóa đạt 88,64%, toàn huyện có hơn 67 CLB văn nghệ, thể thao thu hút gần 2.342 hội viên tham, 14 Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, hơn  20 sân bóng đá nhân tạo, 20 sân bóng chuyền, 08 bể bơi, trên 10 sân tennis phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.

Hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu

Về Châu Đức trong những ngày này, ai cũng có thể cảm nhận được môi trường sống ở đây ngày càng tốt hơn, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Dọc các tuyến đường làng ngõ xóm đã xây dựng được 142 tuyến đường hoa với chiều dài khoảng 142,58 km tạo vẻ mỹ quan cho các xã nông thôn mới. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh gần 99%, 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn, 100% hộ dân có chuồng trại gia súc, gia cầm, chất thải, nước thải được xử lý.

Bà Lê Thị Huệ, người dân xã Kim Long không giấu được niềm vui khi trò chuyện với chúng tôi: “Nông thôn Châu Đức bây giờ thua gì thành thị đâu, thứ gì cũng có mà an ninh lại ổn định, yên bình. Phải nói đây là một nơi rất đáng sống”.

Một góc khu nông nghiệp công nghệ cao của huyện Châu Đức.

Cùng với những kết quả trên, 10 năm qua công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở huyện Châu Đức  tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên; đã phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn được quan tâm, đã thực hiện quả công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ về xã. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ, tội phạm xã hội được kiềm chế và kéo giảm, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là quá trình chỉ đạo thực hiện chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trụ sở xã, nhà văn hóa chưa đủ điều kiện để xây dựng nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật bền vững; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển chưa mạnh; xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có thế mạnh của huyện vẫn còn hạn chế. Thu nhập của người dân trong thời gian qua có tăng lên, tuy nhiên có một số ít hộ thu nhập chưa thực sự ổn định và bền vững.

10 năm chỉ là khoảnh khắc của thời gian, nhưng cũng chỉ cần sau 10 năm huyện Châu Đức đã xây dựng thành công nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn nơi đây đang từng ngày "thay da, đổi thịt" và chắc chắn không lâu nữa sẽ trở thành một trong những vùng đất đáng sống nhất ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Văn Việt – Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho biết: “Mục đích cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ hoạch định những mục tiêu mới, nhiệm vụ mới và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng, duy trì các tiêu chí nông thôn mới; khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển  kinh tế - xã hội; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cải thiện hệ thống giao thông nông thôn và huy động tối đa mọi nguồn lực tạo đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, hướng đến xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn”.

 

 

 

Huyện Cát Tiên đạt chuẩn nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 8/6/2022, công nhận huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đạt chuẩn nông thôn mới.