Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cô gái trẻ làm giàu từ tiềm năng sản vật núi rừng

Cao Thuận - 07:14 26/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vượt qua những rào cản về tập tục và sự phản đối của gia đình, cô gái trẻ người dân tộc Dao ở bản Nặm Đất (xã Tân Sơn, Chợ Mới, Bắc Kạn) đã đứng ra vận động thêm 10 chị em khác thành lập Hợp tác xã. Đây là mô hình khởi nghiệp tiên phong của chị em phụ nữ nơi đây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu cho bà con.
Chị Lý Thị Ba (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên HTX bên những nương lúa mang thương hiệu ĐâyZang.

Vươn lên bằng nghị lực

Cũng như nhiều cô gái trẻ ở bản Nặm Đất, chị Lý Thị Ba luôn bị bó buộc bởi những tập tục của địa phương. 18 tuổi đã lấy chồng, nhưng không như nhiều phụ nữ khác cam chịu với cuộc sống làm bạn với bếp núc, không được ra ngoài giao lưu, Lý Thị Ba đã quyết tìm hướng phát triển cho bản thân và giúp đỡ những chị em khác.

Năm 20 tuổi, cô gái Lý Thị Ba đã quyết định theo học một lớp Trung cấp Luật. Môi trường học tập đã giúp chị mở mang kiến thức và nhìn thấy con đường khởi nghiệp của mình. Năm 27 tuổi, chị Lý Thị Ba đứng ra vận động 10 chị em khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Tân Sơn. HTX với mục tiêu biến những sản vật địa phương thành hàng hóa để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Trước sự do dự, hoài nghi và sự phản đối của người thân, nhưng với bản lĩnh của mình, chị đã thuyết phục được các chị em khác và HTX được thành lập năm 2016 do chị làm giám đốc.

Chị Lý Thị Ba nhớ lại: “Lúc đầu, tôi không được gia đình ủng hộ đâu, vì quan niệm của đồng bào người Dao vùng cao còn khá khó khăn, nặng nề, nhất là với các ông chồng khá bảo thủ, đó là quan niệm phụ nữ thì không nên ra ngoài nhiều, đàn ông thì được thoải mái hơn. Còn trong kinh tế thì đàn ông sẽ làm chủ, phụ nữ thường không có quyền gì về quản lý tài chính…”.

Khi mới khởi nghiệp, Lý Thị Ba cùng với những thanh niên khác góp vốn, vay mượn được 500 triệu đồng để thực hiện mô hình HTX tổng hợp, trồng, mua bán, trao đổi các sản phẩm bản địa như gừng, rau sạch, bí xanh, lúa nếp nương và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, do thiếu những mặt hàng chủ lực khiến việc kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí một số dự án trồng rau sạch đã thất bại khi không được người dân hưởng ứng.

Nhận thấy sản phẩm gạo nếp nương của đồng bào Dao ở Tân Sơn được ưa chuộng, lại có thể tạo được sự khác biệt với hàng trăm sản phẩm khác đang có trên thị trường, HTX đã quyết định tập trung xây dựng sản phẩm này thành mặt hàng chủ lực. Hiện HTX đã mở rộng liên kết với hơn 30 hộ dân, trồng trên diện tích hơn 20ha và xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp nương Đâyzang với tiêu chuẩn OCOP 3 sao (sản phẩm thuộc chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm). Chị Lý Thị Ba lý giải, “Đâyzang” tiếng Dao là gạo nương vàng, loại gạo có vị thơm đặc trưng vốn chỉ được người Dao trồng ở một số ít khu vực trong xã.

“Sản phẩm gạo nếp Đâyzang trước bà con chỉ trồng sử dụng hoặc làm quà, có thời gian còn bỏ do không có kỹ thuật chăm sóc, trồng ít nên chuột và sâu bệnh phá hại không được thu hoạch. Khi HTX thành lập đã chú trọng mẫu mã, bao bì và xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao, nhờ đó hiện sản phẩm không đủ cung ứng ra thị trường. Năng suất cũng đã tăng lên nhiều lần do được hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc”, chị Lý Thị Ba thông tin thêm.

Chị Lý Thị Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn (áo đen) cho biết sẽ đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm tỉnh chế từ cà gai leo.

Làm bật tiềm năng sản vật núi rừng

Vùng đất Tân Sơn chủ yếu là rừng già, núi cao và nhiều nương rẫy bạc màu. Với sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đã tiếp tục phát triển sản phẩm cà gai leo ở dạng nguyên liệu trên quy mô 5ha. Theo chị Lý Thị Ba, loại dược liệu này dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đặc biệt là thị trường tiêu thụ khá tốt. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, quạt sấy để phơi giữ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay, lúa nếp nương được cung ứng cho 2 siêu thị ở Hà Nội còn sản phẩm cà gai leo cũng được một doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình bao tiêu toàn bộ. 

Những buổi họp trao đổi kinh nghiệm, bàn phương án sản xuất thường được triển khai ngay trên nương. Mỗi ý tưởng, dự án mới đều được các chị thống nhất, phân công cụ thể để có thể phù hợp nhất với từng nhóm hộ. HTX được tổ chức khá quy củ khi chia các thành viên theo từng tổ, có tổ trưởng, tổ phó cho từng dự án.

Hiện mỗi năm, HTX đạt doanh thu từ 1-2 tỉ đồng, số lượng thành viên đã tăng lên 15 người và thực hiện liên kết sản xuất với hàng chục hộ dân của 4 bản trong xã. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của nhiều người dân ở Tân Sơn, một trong những xã khó khăn nhất tại huyện Chợ Mới, từng bước được nâng lên với trung bình thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Chị Dương Thị Đào, thành viên của HTX Tân Sơn cho biết: “Vào HTX trồng cây Cà gai leo tôi có thu nhập ổn định. Ở đây rất khó khăn, không có rừng sản xuất mà bây giờ cấm phá rừng làm nương, rẫy nữa nên bà con toàn phải đi làm thuê ở xa thôi, có HTX rồi bà con đỡ vất vả”.

Theo bà Triệu Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, Tân Sơn từng là xã vùng cao, khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Chợ Mới. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và canh tác bền vững trên đất dốc.

Những năm qua, người dân đã đưa một số cây trồng phù hợp khí hậu địa phương như cây gừng, hồi, cà gai leo trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Hiện, toàn xã Tân Sơn có trên 30ha gừng, 12ha cà gai leo và khoảng 5ha hồi, trong đó khoảng 4ha cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Mô hình HTX do chị Lý Thị Ba thành lập sẽ là cầu nối liên kết bà con nông dân, giúp bà con yên tâm mở rộng sản xuất. Đặc biệt, HTX phát triển theo hướng sản xuất sạch và đầu tư chế biến sâu sẽ từng bước nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Đây là hướng quan trọng giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. 

Trong thời gian tới, HTX không dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô mà sẽ đầu tư máy móc để chế biến thành các sản phẩm như trà, cao cà gai leo và nâng cấp sản phẩm gạo nương lên tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đồng thời mở rộng thêm quy mô các dự án chăn nuôi gia súc, trồng rau sạch.