Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điểm tựa vững chắc cho hội viên phát triển sản xuất

13:26 28/05/2021 GMT+7

Với nhiều hoạt động cụ thể để song hành và hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, những năm qua Hội Nông dân (ND) huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã luôn là điểm tựa vững chắc cho hội viên nông dân phát triển sản xuất.

Được sự giúp đỡ về vốn của Quỹ HTND huyện Lục Nam, nhiều hộ gia đình đầu tư trồng cây ăn quả đã có thu nhập khá.

Nông dân tự tin vay vốn đầu tư sản xuất

Để trợ giúp nguồn vốn cho nông dân đầu tư vào phát triển sản xuất, Hội ND huyện Lục Nam đã tín chấp với 2 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn là Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng NN&PTNT huyện Lục Nam. Hội phối hợp với 2 ngân hàng trong việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Nghị định số: 116/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn để giúp nông dân vay vốn.

Đến nay, thông qua Ngân hàng NN&PTNT huyện Lục Nam đã có 162 tổ vay vốn với 4.975 thành viên, dư nợ trên 613 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Nam đã có 123 tổ vay vốn, với 4.355 thành viên dư nợ trên 176 tỷ đồng.

Đặc biệt từ nguồn nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND tính đến hết năm 2020, Quỹ Hỗ trợ ND huyện Lục Nam đã tăng 202,5 triệu đồng nâng tổng nguồn vốn Quỹ trong toàn huyện là 3 tỷ 966,74 triệu đồng (trong đó: Cấp Trung ương 1,5 tỷ đồng cho 40 hộ vay tại 4 dự án; cấp tỉnh 960 triệu đồng cho 19 hộ vay thực hiện 2 dự án; cấp huyện 700 triệu đồng cho 17 hộ vay tại 3 dự án; cấp xã 806,74 triệu đồng).

Để nâng cao chất lượng nguồn vốn vay ông Trương Hữu Ngọc Nam – Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Nam cho hay: Thời gian qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội ND các cấp trong huyện nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất và tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách tới các hội viên nông dân như: Vay hộ mới thoát nghèo, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, sản xuất kinh doanh… qua đó đã giúp các hội viên nông dân có được nguồn vốn ưu đãi, kịp thời để phát triển sản xuất.

Từ đồng vốn vay đã được nông dân sử dụng đúng mục đích, xây dựng được nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao: Mô hình trồng củ đậu tại xã Chu Điện cho thu nhập 200 triệu đồng/ha; Mô hình trồng cây ăn quả (táo, ổi, cây có múi) của Chi hội nghề nghiệp xã Đông Phú cho thu nhập từ 300-500 triệu/ha; Mô hình chăn nuôi chim bồ câu tại các xã Chu Điện, Bảo Đài có quy mô 20.000 – 50.000 con; Mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm tại xã Bảo Đài có quy mô từ 2,5 đến 3 vạn con; Mô hình chăn nuôi thủy sản tại xã Yên Sơn; Mô hình trồng na dai theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Phương cho thu nhập 450 triệu đồng/ha…

Nhờ những hoạt động hỗ trợ của Hội ND huyện Lục Nam, đến nay nhiều hội viên đã tự tin chủ động nắm vững những kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tự tin vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ. Tính đến hết năm 2020, huyện Lục Nam đã có 10.027 hộ sản xuất kinh doanh giỏi (cấp cơ sở 9.067 hộ, cấp huyện 850 hộ, cấp tỉnh 95 hộ, cấp Trung ương 35 hộ).

Nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Đa dạng hoạt động hỗ trợ cho nông dân

Để giúp đỡ hội viên nâng cao đời sống, những năm qua Hội ND huyện Lục Nam đã tập trung các hoạt động: Đào tạo nghề, kỹ thuật, vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, pháp lý… cho nông dân tại địa phương.

Về công tác đào tạo nghề, trong năm 2020 Hội ND huyện Lục Nam đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ ND tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Dạy nghề Xương Giang mở 11 lớp cho 305 học viên tại xã Đông Hưng, Yên Sơn, Trường Sơn, Nghĩa Phương, Bảo Sơn….

Trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, Hội ND huyện đã phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 28.657 lượt người, cử cán bộ tham qua mô hình tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP tại xã Khám Lạng.

Với hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, Hội đã triển khai hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về giống, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng phân bón các loại (trong đó cung ứng 425 tấn phân bón Tiến Nông).

Nhằm giúp Hội viên nắm bắt và chấp hành nghiêm pháp luật trong sản xuất, Hội ND huyện đã duy trì sinh hoạt thường xuyên các câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Lục Nam tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân, giúp nông dân hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật. Tính đến hết quý I năm 2021 đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân 5.730 lượt người.

Ông Nguyễn Hữu Luân – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Lục Nam cho biết: Góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho bà con, Hội ND đã triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm chủ lực của huyện (dê Lục Nam, nhãn Lục Sơn, chim bồ câu Lục Nam, na dai Nghĩa Phương, hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa lý Lục Nam cho sản phẩm quả na Lục Nam)… Đặc biệt là trong năm 2020, Hội ND tổ chức thành công hội nghị tọa đàm giữa doanh nghiệp với nhà nông trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và ký chương trình phối hợp cho 170 đại biểu.

“Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Lục Nam đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, sát thực tế, từ đó Hội Nông dân huyện luôn có những hoạt động cụ thể, kịp thời để hỗ trợ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nông sản… giúp bà con canh tác hiệu quả, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.
Bà Ngô Thị Ngọc Linh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Tính