Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đứng dậy sau giải cứu…

09:58 23/03/2021 GMT+7

Đại dịch Covid -19 đã đặt “một lệnh” thường trực đối với lãnh đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về tư duy, trách nhiệm, hành động ứng phó với hai cuộc chiến đồng thời: Bảo vệ sinh mạng con người và sinh kế của người lao động.

Xoài Yên Châu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh : T.H

Hai cuộc chiến này còn kéo dài bởi sự khó lường của các biến thể khuẩn Sar-Cov-2, sự lây truyền hỗn mang vừa âm thầm, vừa ào ạt mà khó có kịch bản nào tương thích với phát triển kinh tế – xã hội. Và một hành trình “đuổi bắt” Covid -19 từ phòng thí nghiệm đến không gian xã hội.

May sao, giữa khoảng lặng của hai cuộc chiến bảo vệ sinh mạng con người và sinh kế của người lao động, người ta đã nhận ra rằng, đang có một cuộc khủng hoảng về sức khỏe con người. Chính vì thế mà việc nối lại cung – cầu, giao thương hàng hóa giữa các quốc gia đang được chú trọng và đẩy mạnh. Theo đó là “ngọn lửa” tăng giá lương thực, thực phẩm trên thế giới đã bắt đầu được thắp lên – Đây là cơ hội rất lớn cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, cho nông sản Việt Nam đứng dậy sau cuộc giải cứu tháng 2 vừa qua!

Về kinh tế, “nói” có thể không theo sách, nhưng “mách” thì phải có chứng từ sự nhen lửa ban đầu: Thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 2 tiếp tục có đà tăng trưởng đáng ghi nhận, giúp Việt Nam duy trì được con số xuất siêu gần 3 tỷ USD kể từ đầu năm. Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỷ USD, tăng gần 36,9% so với cùng kỳ 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 10 tỷ USD. Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu tháng 2, cả nước có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Đối với thị trường nông, lâm thủy sản, trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2020; nhập khẩu khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao như: Cao su 516 triệu USD, chè 29,9 triệu USD, rau củ quả 610 triệu USD. Đáng chú ý là 160 tấn tôm của Công ty Minh Phú xuất đi Mỹ, EU, Nhật Bản; 25.800 tấn gạo đã xuất sang thị trường châu Âu; gần 140 tấn thanh long trị giá gần 1,9 tỷ đồng sang thị trường Vân Nam – Trung Quốc…
Vậy, thị trường và giao thương nông sản trong quý 2 và cả năm 2021 trên thế giới được dự báo thế nào? Sự tác động và cơ hội nào cho hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam kết nối và đứng chân trong chuỗi cung ứng toàn cầu để dấn tới, vươn xa?

Thực tại, hạn hán kéo dài tại các quốc gia Nam Mỹ, mưa nhiều ở khu vực Đông Nam Á; các quốc gia ồ ạt nhập lương thực để dự trữ, với lo ngại đứt gãy nguồn cung do thương mại Quốc tế bị gián đoạn bởi tác động của dịch Covid -19 và triển vọng vụ mùa không khả quan tại các quốc gia chủ chốt trên thế giới, đang đe dọa bởi điều kiện khô hạn khi chu kỳ Lanina bắt đầu xuất hiện. Biểu hiện rất rõ là thị trường châu Âu nhập khẩu ồ ạt hàng trăm triệu tấn ngô, đậu tương, đường, dầu cọ.

Xuất khẩu thanh long gặp khó khăn do Trung Quốc thay đổi tiêu chuẩn nhập khẩu. Ảnh H.L

Thị trường Trung Quốc cũng là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho đợt tăng giá thị trường nông sản, bởi các đợt nhập khẩu bất thường về gạo, lúa mỳ, đậu tương, ngô, cao su, tinh bột sắn… từ các nguồn khác nhau. Trung Quốc đã trải qua một năm khó khăn không chỉ bởi là quốc gia khởi phát của đại Dịch Covid -19 phải phong tỏa mà còn phải đối diện với tình hình mưa lũ triền miên. Các nhà chức trách Trung Quốc buộc phải mở các kho dự trữ lương thực trong nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Và dự tính niên vụ 2020/2021 sẽ nhập 10 triệu tấn lúa mỳ, 100 triệu tấn đậu tương và nhập 16,5 triệu tấn ngô hạt cho chế biến thức ăn chăn nuôi khi đàn lợn đã được phục hồi, với số lượng 800 triệu con, ngang bằng tổng đàn trước dịch tả lợn châu Phi. Một thông tin hành lang cho rằng, Trung Quốc âm thầm cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu cho các Công ty nhà nước trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.

Rõ ràng, sự bất thường này, đã tạo nên cơn sốt giá nông sản hạt khô và kéo theo là các hợp đồng tương lai của thị trường nông sản – Điều này, mang lại tâm lý lạc quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhưng lại gây đau đầu cho các nhà quản lý sản xuất đi tìm “khoảng trống thị trường” và tổ chức sản xuất sao cho thích ứng với thị trường để lấy lại đà sản xuất – kinh doanh, phục hồi kinh tế trong đại dịch và hậu Covid -19 đã gây nên. Với xu thế chung đó, ngành Nông nghiệp, nông dân Việt Nam không thể tách rời trong một thời cơ mà nhiều chuyên gia Quốc tế cho rằng, nông sản đã chuyển sang một chu kỳ mới, cho sức khỏe con người.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục là ngành hàng có nhiều triển vọng trong xuất khẩu năm 2021 với nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua. Minh chứng là nhiều mặt hàng đã đạt thành tích xuất khẩu ấn tượng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Tuy nhiên, vấn đề căn cơ của nông nghiệp Việt vẫn hiện hữu từ lâu, đó là đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu, đáp ứng được những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng thời cạnh tranh với nông sản của Thái Lan, Malaysia, Indonesia…28

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nước tăng cường kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, người nông dân, các HTX, doanh nghiệp cần dứt bỏ tâm lý mặc cảm, bi quan trong đợt giải cứu nông sản tháng 2 vừa qua. Tập trung cho sản xuất lúa ngô, nuôi trồng thủy hải sản, cây ăn trái vụ Hè, vụ Hè Thu… đảm bảo chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói…; đặc biệt phải tuân thủ đúng quy định khử khuẩn, kiểm dịch hàng hóa, tối ưu hóa quy trình để giảm chi phí không cần thiết. Từ đó, tạo ra ưu thế cạnh tranh trên thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, có thể kể đến những sản phẩm thế mạnh trong tầm tay như gạo, trái cây, thủy sản, tinh bột sắn, hạt điều, gỗ các sản phẩm theo gỗ đang là một lợi thế đi đầu.

Hoàng Trọng Thủy