Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau phấn đấu giảm tối thiểu 0,5% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm

Anh Phan - 10:04 05/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - ​​​​​​​Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua luôn được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đến năm 2030, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển

Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ, toàn tỉnh Cà Mau có 9.569 hộ nghèo, chiếm 3,12% số hộ dân của tỉnh và 6.933 hộ cận nghèo, chiếm 2,26% số hộ dân của tỉnh. Trong đó, hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 13%; hộ nghèo không có khả năng lao động chiếm 13,6%; hộ nghèo đối tượng người có công với cách mạng là 0,16%. Huyện U Minh là đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh với 9,37%. Qua phân tích các nguyên nhân nghèo thì chủ yếu là do người dân không có đất sản xuất, không có vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn...

Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau đề ra chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm giảm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Để thực hiện mục tiêu này, trước tiên các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và người dân trong công tác giảm nghèo; biểu dương các hộ nghèo tiêu biểu có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo.

Điển hình như huyện Phú Tân, trong những năm qua công tác giảm nghèo được huện đẩy mạnh và đã  mang lại nhiều kết quả khả quan và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống hàng năm. Hiện nay, toàn huyện còn 451 hộ nghèo, chiếm 1,81%; 578 hộ cận nghèo, chiếm 2,31% so tổng số hộ dân trong toàn huyện. Cách tốt nhất theo cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây là vừa vận động nguồn lực hỗ trợ, vừa tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn để tạo động lực cho hộ nghèo tự vươn lên. Trong đó, xã Tân Hưng Tây là đơn vị thực hiện tốt công tác này. 

Gia đình anh Tô Văn Chẵn, sinh năm 1972,  ở ấp Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân nhiều năm qua thuộc diện hộ nghèo. Nhà anh Chẵn có 3 công đất nuôi tôm nhưng sản xuất kém hiệu quả do không được cải tạo. Để trang trải cuộc sống, hàng ngày anh phải đi đặt lú bắt tôm cá dưới sông bán nên thu nhập rất bấp bênh. Trong khi đó, vợ anh lại mang nhiều chứng bệnh, phải điều trị thường xuyên nên rất tốn kém. Ngoài ra, anh còn phải lo khoảng chi phí để cho đứa con gái sinh năm 2012 được đến trường… Vì vậy, cái nghèo, cái khó vẫn cứ đeo bám gia đình anh.

Gia đình anh Tô Văn Chẵn,  ở ấp Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây năm qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động các nhà hảo tâm cất cho anh một căn nhà mới thay cho căn nhà cũ lụp xụp. Ảnh A.P

Năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hưng Tây vận động các nhà hảo tâm xây dựng cho anh Chẵn một căn nhà mới thay cho căn nhà cũ lụp xụp. Đồng thời, hỗ trợ tiền để cải tạo đất, mua tôm, cua giống. Đến nay, tôm nuôi đã cho thu hoạch, trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 2.000.000 đồng. Anh Chẵn cho biết: “Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cử cán bộ đến vận động, hướng dẫn cho tôi cách làm ăn, đã tạo thêm động lực, niềm tin để gia đình tôi phấn đấu. Bản thân tôi và gia đình sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo trong cuối năm nay”. 

Ông Nguyễn Văn Gel - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Hưng Tây cho biết: “Muốn  giúp các hộ thoát nghèo trước tiên phải rà soát lại tất cả các hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để có hướng giúp đỡ cụ thể. Ngoài những hộ đặc biệt khó khăn như bệnh tật, không có lao động, không có tư liệu sản xuất… sẽ vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, định hướng phấn đấu. Đối với các hộ có cơ sở để thoát nghèo như có đất sản xuất, chí thú làm ăn, có lao động thì tập trung quyết liệt để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ này thoát nghèo trước. Những hộ có đất sản xuất thì xã sẽ xây dựng các dự án để hỗ trợ cải tạo đất nuôi tôm. Đối với những hộ không đất sản xuất thì tập trung vào các mô hình kinh tế khác như: Hỗ trợ phương tiện để đi bơm đất, sên vét vuông tôm; xịt rửa, vệ sinh đầm nuôi tôm công nghiệp. Đối với những hộ không có lao động chính sẽ hướng dẫn, hỗ trợ để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đa số các hộ được hỗ trợ đều có ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo”. 

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Hưng Tây Nguyễn Văn Gel (bên phải) thăm hỏi, động viên các gia đình cố gắng làm ăn, để vươn lên thoát nghèo.

Hơn một năm qua, xã Tân Hưng Tây đã hỗ trợ vốn, con giống cho 13 hộ nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và 3 hộ nuôi heo, mỗi hộ khoảng 4.000.000 đồng. Tổng số tiền trên 140.000.000 đồng, trích từ quỹ “Vì người nghèo” của xã. Đầu năm 2021, xã  Tân Hưng Tây còn 56 hộ nghèo, chiếm trên 2,3% so tổng số hộ dân trong xã. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, đến nay, xã có 5 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn hơn 1,9%.

Tập trung truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và suy giảm suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em từ 0 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn... Đặc biệt hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, y tế, nhà ở; trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực chương trình giảm nghèo, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Cà Mau cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với công tác giảm nghèo, nhất là tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định, đánh giá, xác định phân loại hộ nghèo chính xác theo tiêu chí đa chiều, đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng nghèo của địa phương.

Mới đây, ngày 15.9.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành Kế hoạch 171 nhằm tăng cường truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 05 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Cụ thể là công tác tuyên truyền về định hướng công tác giảm nghèo sẽ chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cà Mau cũng sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đối khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Mô hình trồng cây bồn bồn mang lại thu nhập khá cho người dân xã Khánh An (huyện U Minh). Ảnh T.L
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ có các giải pháp tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng của chương trình về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu tạo sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.