Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giữ được khách hàng nhờ kinh doanh online

Nguyễn Thu - 07:19 20/04/2022 GMT+7
Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang dần trở thành xu thế tất yếu đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân có hướng đi và sự thích nghi phù hợp. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Trâm - chủ trang trại sản xuất rau quả an toàn (tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ hiện đại, phù hợp để từng bước nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh, Hội ND tỉnh Bắc Ninh thăm mô hình trang trại của chị Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, từ nhỏ chị Trâm đã thấu hiểu nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân và trân quý những giá trị từ nông sản quê hương đem lại. Nghề nông đến với chị vừa là cơ duyên, cũng vừa là niềm mong mỏi. Vốn tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng của Trường Đại học Giao thông Vận tải với công việc ổn định, nhưng chị Trâm vẫn quyết định “rời phố về quê” để “bén duyên” với mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Đưa chúng tôi thăm trang trại rộng 5ha, chị Nguyễn Thị Trâm chia sẻ: “Ngày mới bắt tay vào sản xuất năm 2012, trang trại của tôi chỉ rộng 1ha với cây trồng chủ đạo là cây măng tây xanh và cà rốt. Do ban đầu sản xuất manh mún, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế, đầu ra lại không được bảo đảm nên trang trại còn gặp không ít khó khăn.” 

Năm 2014, chị Trâm mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Năm 2018, vùng sản xuất của Công ty được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, các sản phẩm rau quả, nông sản chế biến của Công ty đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Hiện tại trang trại của chị Trâm có 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới; tập trung vào một số loại rau củ tươi như: Dưa leo baby, cà chua, măng tây, củ riềng, cà rốt, ớt chuông, các loại rau ăn lá và định hướng sơ chế, chế biến các mặt hàng sấy, nước ép. Ngoài ra, Công ty còn liên kết và chuyển giao công nghệ sản xuất với tổng diện tích 50ha để mở rộng quy mô. Toàn bộ sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng và theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong quá trình sản xuất, để tăng hiệu quả kinh tế bằng cách giảm công lao động, chị Trâm đã đưa các thiết bị như máy xới, máy lên luống và ứng dụng  các tiện ích công nghệ tự động như hệ thống tưới phun mưa, tưới dinh dưỡng thủy canh, tưới dinh dưỡng nhỏ giọt trên giá thể. Từ khâu làm đất đến sơ chế vận chuyển đều theo quy trình khép kín. Đất được xử lý bằng chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất sau thời gian phơi ải. Cây giống được ươm trong khay xốp để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao khi ra đất. Với cây dưa leo baby và ớt chuông trồng trong nhà màng giúp giảm sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết; việc tưới nước và bón phân được điều chỉnh thông qua hệ thống tưới tự động và bán tự động giúp tăng năng suất và chất lượng quả. Cà chua chính vụ trồng trong nhà lưới ít bị ảnh hưởng của thời tiết và hạn chế được sâu bệnh.

Trang trại của chị Nguyễn Thị Trâm được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Mở rộng thị trường online

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại sản lượng, chất lượng cao; các nông sản của Công ty tạo dựng được thương hiệu và đầu ra ổn định, chuyên cung cấp cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Bắc Ninh và chuỗi siêu thị BigC, Vinmart… Năm 2020, Công ty của chị có 4 sản phẩm là dưa leo baby, dưa lưới, củ riềng, măng tây xanh đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Bắc Ninh.

Trước bối cảnh chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19 trong suốt 2 năm qua, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong cũng đã chủ động thích ứng để đảm bảo duy trì ổn định sản xuất. Chị Nguyễn Thị Trâm cho biết dù nông sản là mặt hàng thiết yếu nhưng dịch Covid-19 đã khiến nhiều đối tác trực tiếp tiêu thụ nông sản là các bếp ăn, trường học phải đóng cửa; sản phẩm tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp. Vì vậy, cùng với việc cung ứng nông sản cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm và siêu thị truyền thống, chị Trâm cũng đã đẩy mạnh hình thức kinh doanh qua mạng internet như zalo, facebook để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Nhờ đó, chị Trâm đã có một lượng khách hàng online ổn định trong tỉnh và khu vực Hà Nội. 

Với sự cố gắng bền bỉ, 7 năm qua, doanh thu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong tăng từ 250 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 13 tỷ/năm (năm 2020) và năm 2021 đạt 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 30 - 60 lao động tùy thời điểm với mức thu nhập từ 4 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong sản xuất, kinh doanh nông sản, chị Trâm cho rằng để kinh doanh online hiệu quả và ổn định lượng khách hàng thì yêu cầu quan trọng là sản phẩm nông sản phải đảm bảo chất lượng, quá trình sơ chế, đóng gói, bảo quản cần đảm bảo giữ được sản phẩm tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng; việc vận chuyển đảm bảo nhanh chóng. Có như vậy mới tạo dựng được uy tín đối với khách hàng; giúp người bán hàng tạo dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra ổn định. 

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhà màng, nhà lưới để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản. Mặt khác, Công ty cũng chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để từ đó mở rộng thị trường ra các tỉnh trong khu vực và xuất khẩu”.
Chị Nguyễn Thị Trâm