Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả mô hình nuôi cá chạch lấu trên ao nổi

Hoàng Tuấn - 07:16 14/04/2022 GMT+7
Thông tin về hiệu quả của mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi dưới tán rừng cao su đã thu hút chúng tôi đến với vùng biên giới Tân Biên, một mô hình đang góp phần đa dạng hoá và nâng cao giá trị ngành Nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh.
Nông dân Nguyễn Văn Giàu, tác giả của “mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi”.

Nuôi cá chạch lấu dưới tán rừng cao su

Trang trại nuôi cá chạch lấu của anh Nguyễn Văn Giàu nằm giữa cánh rừng cao su tận vùng sâu ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Bình. Tiếp chúng tôi tại trang trại, chia sẻ về nghề nuôi trồng thuỷ sản, anh Giàu cho biết quê gốc ở miền Tây sông nước (An Giang). Cuộc đời anh là chuỗi ngày “lang bạt kỳ hồ” với nhiều nghề nghiệp, đi nhiều nơi, nhưng rồi dừng chân tại vùng biên giới Tây Ninh. 

Trong nhiều nghề mà anh từng nếm trải đã tích luỹ cho anh kinh nghiệm của hơn 10 năm nuôi tôm, nuôi lươn ở Kiên Giang. Thế nhưng, sau đó lại về Tây Ninh kinh doanh gỗ nhưng thất bại và gần như trắng tay. 

Năm 2017, anh quyết tâm trở lại với ngành Thuỷ sản, thế nhưng mảnh vườn hơn 1ha cao su của gia đình lại không được thuận lợi về điều kiện tự nhiên. Không nản chí, anh phá bỏ 1 số cây cao su và thiết kế 8 ao nuôi thành 1 hệ thống liên hoàn  có tổng diện tích 3.000m2 ao nổi ngay giữa vườn cao su của gia đình. Hệ thống ao được anh trải bạt để chống thấm nước và khoan giếng cấp nước, lắp đặt quạt, máy tạo ô xi cho hệ thống ao nuôi. 

Sau khi đưa nước vào ao và xử lý nước, anh về An Giang mua 5.000 con giống cá chạch lấu về nuôi. Sau gần 1 năm cá chạch tăng trưởng tốt, nhưng chỉ còn khoảng gần 1.800 con. Giải thích về điều này, anh Giàu cho biết, thường thì giống cá mua ở nơi khác về tỷ lệ thất thoát rất cao do không hợp với nguồn nước.    

Bên cạnh sự nỗ lực bản thân, anh được sự động viên, hỗ trợ của Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông huyện Tân Biên, toàn bộ số cá còn lại anh Giàu quyết định để lại làm cá bố mẹ, tiên phong xây dựng “Mô hình nhân giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi”.

Sau gần 1 năm tiếp tục dưỡng giống chạch lấu bố mẹ, mẻ cá giống đầu tiên đã cho ra hơn 30 ngàn cá giống. Anh tiếp tục để nuôi và 8 tháng sau anh thu hoạch được hơn 10 tấn cá thương phẩm và mang lại doanh thu hơn 2 tỷ đồng lứa đầu tiên. 

Anh Giàu cho biết, cá chạch lấu có khả năng sinh sống và phát triển trong môi trường nước ngọt, lợ nên thường được nuôi ở các tỉnh miền Tây hoặc các địa phương có điều kiện về kênh, rạch, ao, hồ. 

Để nuôi cá chạch lấu trên bể lót bạt (ao nổi) thì khâu xử lí nước là quan trọng nhất, phải lắp máy sục khí 24/24 giờ, phải thường xuyên thay nước. ngoài ra việc chọn giống cũng rất quan trọng, quyết định sự thành - bại trong vụ nuôi. 

Hiện tại, quy trình nhân giống cá chạch lấu tại trang trại anh Giàu khắc phục được những nhược điểm như: Chọn cá bố mẹ có tuổi thành thục, kỹ thuật ghép đôi, thu hoạch trứng - tinh trùng, giao phối, ấp trứng, ương nuôi cá bột (môi trường ương nuôi, chăm sóc, chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bột)…Vì vậy, nên tỷ lệ trứng cá chạch lấu nở cao (85% - 90%) và tỷ lệ nuôi cá bột đến xuất bán con giống có tỷ lệ hao hụt thấp; con giống đạt chất lượng ổn định, đồng đều khi xuất bán hay chuyển nuôi thương phẩm.

Ao nuôi cá chạch lấu được anh Nguyễn Văn Giàu làm dưới tán rừng cao su.

Nuôi cá chạch lấu thương phẩm mang lại hiệu quả cao

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình của anh Nguyễn Văn Giàu, ông Văn Phước Bình (thị trấn Tân Châu) đã cải tạo lại hơn 3ha ao cá của gia đình và đầu tư mua 50 ngàn con chạch lấu giống, nhận chuyển giao kỹ thuật từ anh Giàu để chuyển đổi vật nuôi.

Ông Bình cho biết, trước đây từng nuôi nhiều loại cá nước ngọt nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy giá thương phẩm của loại cá chạch lấu khá cao và tương đối ổn định giá, kỹ thuật nuôi loại cá này dễ, thức ăn chủ yếu là cá tạp xay chung với thức ăn hỗn hợp và bổ sung đạm bằng trùn quế và cho ăn theo phương pháp tự nhiên. 

“Hiện lứa cá đầu tiên mới được khoảng 4 tháng, cá tăng trưởng rất tốt đạt 10 con/kg, tỷ lệ hao hụt thấp. Ước tính, đến tháng 8 này tôi sẽ thu hoạch được khoảng gần 20 tấn, với giá 220 ngàn như hiện nay thì doanh thu của tôi sẽ đạt hơn 4 tỷ đồng”- ông Bình chia sẻ. 
Anh Giàu cho biết thêm, trang trại anh cung cấp con giống và hướng dẫn thiết kế ao nuôi, quy trình nuôi cá chạch lấu cho hơn 30 hộ nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh. “Dự định trong thời gian tới tôi sẽ đầu tư thêm 1ha mặt nước để chuyên nuôi thương phẩm loại cá này để luôn đảm bảo số lượng cho thị trường xuất khẩu”. anh Giàu tiết lộ. 

Ông Huỳnh Văn Chừng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Trang trại cá của anh Giàu được xem là mô hình nuôi sinh sản nhân tạo cá chạch lấu với quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, góp phần giải quyết nhu cầu con giống cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. 

Với những cách làm sáng tạo của hội viên nông dân Nguyễn Văn Giàu, “mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi” đã được Hội Nông dân tỉnh giới thiệu dự thi và đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ XI năm 2020-2021.

“Đây cũng là vật nuôi để hội viên nông dân tham khảo, có thể áp dụng nuôi thương phẩm tăng thu nhập mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá chạch lấu ở Tây Ninh”, ông Chừng nói. 

“Mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi của anh Nguyễn Văn Giàu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá chạch lấu ở Tây Ninh”.
Ông Huỳnh Văn Chừng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh.