Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả từ mô hình nuôi chồn hương sinh sản

Hoàng Tuấn - 07:04 18/12/2022 GMT+7
Mô hình nuôi chồn hương được ông Nguyễn Văn Quận, ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu triển khai từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Đông Hải, nay trở thành mô hình làm ăn mới có hiệu quả trong hội viên nông dân.

Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân

Để phát triển mô hình, ông Nguyễn Văn Quận xây dựng chuồng nuôi kiên cố và được đóng hoàn toàn bằng gỗ, chia thành nhiều ô nuôi, phía dưới đáy chuồng làm lưới thép, hệ thống chuồng nuôi được cách ly hoàn toàn với mặt đất. Phía dưới nền được tráng bằng xi măng, tạo độ dốc giúp việc vệ sinh chuồng trại và thoát nước dễ dàng... Điều này tạo môi trường tự nhiên, giúp chồn hương phát triển khỏe, đẻ nhiều và chăm sóc con tốt hơn.

Theo ông Quận, đây là loài động vật ăn tạp, có thể ăn hầu hết các loại thức ăn. Về thức ăn có nguồn gốc động vật, trong tự nhiên chồn hương thường ăn những côn trùng… Về thức ăn có nguồn gốc thực vật, chồn hương ăn những loại trái cây chín có vị ngọt, như: Nhãn, mít, chuối, đu đủ... Chồn hương là động vật hoang dã, rất dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Do hiểu rõ tập tính của vật nuôi này nên chồn hương của ông Quận được ông cho ăn còng, ba khía, cá tạp và chuối chín sẵn có trong vuông tôm và vườn nhà.

Ông Nguyễn Văn Quận vui mừng vì đàn giống chồn sinh sản ngày một tăng cao.

Chia sẻ về hiệu quả kinh tế ông Quận cho biết: Gia đình tôi chỉ có 0,3ha đất lúa, trước đây nguồn thu nhập chủ yếu từ nuôi tôm tự nhiên, do diện tích canh tác ít nên chỉ đủ trang trải sinh hoạt. Năm 2019 nhận thấy con chồn hương có thể đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình nên tôi quyết định mua 1 cặp giống chồn hương bố mẹ về nuôi. “để có con giống tốt, mang về có thể sinh sản ngay thì giá giống rất cao, với 1 cặp giống như vậy là 26 triệu đồng. Tưởng chừng không có cơ hội do chi phí đầu tư cao quá, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân, tôi đã được vay 30 triệu từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân để đầu tư làm chuồng trại, mua giống và phát triển cho đến nay”. Ông Quận vui mừng nói.

Cũng theo ông Quận, từ 1 cặp giống ban đầu, 6 tháng sau, lứa đầu tiên chồn đẻ được 3 con nhưng ông không bán và tiếp tục gây nuôi, đến nay ông đã gây được 10 cặp giống chất lượng, ngoài ra ông còn cung cấp cho hộ nuôi trong và ngoài địa phương được 30 con, thu về hơn 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Quận, để đảm bảo con giống tốt thì việc phối giống là rất quan trọng, nếu để đồng huyết thì con con sẽ bị còi cọc, nuôi không lớn, thậm chí sẽ chết. Để tránh việc này các thành viên trong Tổ hợp tác sẽ cho mượn giống để chéo nhau tránh đồng huyết.

Từ 7 con giống ban đầu, nay gia đình ông Huỳnh Trung Kịch đã có 14 con giống đạt chất lượng.

Nhận thấy mô hình của ông Quận nuôi con chồn hương tương đối dễ và đem lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 4 năm 2022 ông Huỳnh Trung Kịch mua lại 7 con giống của ông Quận về nuôi, đến nay trong chuồng nhà ông đã có 14 con.

Ông Kịch cho biết, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi chồn hương để tăng thêm thu nhập gia đình. Ngoài ra, gia đình ông Kịch còn dự định nghiên cứu thêm để nuôi chồn thương phẩm tạo sự đa dạng sản phẩm chứ không chỉ tập trung vào con giống như hiện tại.

Tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nônng thôn mới, ông Đỗ Xi Mách – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Điền Tây cho biết: Được sự chỉ đạo của Hội Nông dnâ huyện, Thường trực Đảng ủy xã trong việc xây dựng mô hình dự án mô hình làm ăn mới có hiệu quả trong hội viên nông dân.

Qua đề xuất và sự quyết tâm của hội viên nông dân ấp Vinh Điền, Lập Điền, Hội Nông dân xã đã xây dựng dự án xin cấp trên hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện số tiền 180 triệu đồng với 06 hội viên nông dân vay vốn.

Sau khi dự án được thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả cao, đây là mô hình đạt hiệu quả cao nhất trên địa bàn huyện Đông Hải. “Hiện nay nguồn con giống của tổ hợp tác không đủ cung với nhu cầu của thị trường, giá bán mỗi cặp giống không ngừng được nâng lên, hiện nay dao động khoảng từ 8,5 đến 9,0 triệu đồng/cặp, nguồn giống chủ yếu chỉ bán trong hội viên nông dân trong xã nhằm từng bước mở rộng mô hình, từng bước nâng từ tổ hợp tác lên thành hợp tác xã”. Ông  Mách nói.

Đánh giá về mô hình của ông Quận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Điền Tây cho biết: Trong các hội viên tổ hợp tác, hội viên Nguyễn Văn Quận là một nông dân có tính cần cù lao động, luôn ham học hỏi, tìm hiểu những mô hình làm ăn đem lại hiệu quả kinh tế gia đình, trước khi đầu tư nuôi chồn hương ông đã đi tìm hiểu nhiều nơi, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tham khảo từ sách, báo về tập tính của chồn hương.

Với số vốn ban đầu chỉ khoảng 20 triệu, đồng hội viên Nguyễn Văn Quân đã đầu tư mua 01 cặp chồn hậu bị về nuôi, hằng năm xuất bán chồn giống thu lãi trên 100 triệu đồng, hiện nay hội viên Nguyễn Văn Quận có trên 20 con chồn giống sinh sản và đã được xét là hộ nông dân sản xuất kinh giỏi cấp huyện nhiều năm liền.

Ông Đỗ Xi Mách – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Điền Tây kỳ vọng sẽ có  Mô hình HTX về con chồn hương ở địa phương. 

Bên cạnh mô hình của ông Quận còn có hội viên Nguyễn Văn Nghiệp hiện nay cũng có trên 20 cặp chồn hương sinh sản, hằng năm thu lãi trên 150 triệu đồng.

Đây là mô hình làm ăn mới đem lại kinh tế khá cao và được nhiều hội viên nông dân đầu tư nuôi được Hội Nông dân huyện, lãnh đạo Đảng ủy đánh giá cao do tính khả thi và bền vững của mô hình. Tuy nhiên quy mô hiện nay chỉ dừng lại ở tổ hợp tác, trong thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ vận động thêm nhiều hộ viên nông dân tham gia mô hình dự án, dần dần mở rộng thành viên tổ hợp tác, nếu xét thấy đủ điều kiện đề nghị cấp trên xét thành lập hợp tác xã bán con giống và thương phẩm tạo công ăn việc làm cho hội viên nông dân trong xã, từng bước nâng cao mức sống của hội viên nông dân.