Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội viên người Mông được Hội Nông dân hướng dẫn làm kinh tế du lịch

Minh Tuấn - 10:38 18/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã giúp cho nhiều hội viên nông dân người dân tộc Mông phát triển kinh tế từ thế mạnh của địa phương là làm du lịch. Sau khoá học nhiều hộ nông dân biết vận dụng thành công, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Điểm săn mây xã Hang Kia đã thu hút nhiều khách du lịch đến chụp ảnh 

Tận dụng thế mạnh của địa phương mở rộng mô hình du lịch homstay

Xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, có độ cao trung bình 1.200m so với mực nước biển với 2 mùa chủ đạo là mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 18,50C. Nơi đây vẫn giữ nguyên nét đặc trưng rất riêng của đồng bào dân tộc Mông (chiếm 99% dân số), còn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hoá cũng như các nghề truyền thống như: Dệt thủ công, thêu thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn… Ngoài ra, còn có các món ẩm thực độc đáo của người Mông như: Rượu ngô, thắng cố, bánh dày, mèn mén, cải mèo, gà bản, lợn bản, măng rừng ăn cùng gia vị độc đáo quyện trong mùi mắc khén… Đặc biệt, đến đây, du khách còn được khám phá, trải nghiệm những con đường quanh co uốn lượn men theo triền núi, những vườn mận, vườn đào, đồi chè, những buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu văn hóa của đồng bào Mông và những điểm đến còn mang nguyên nét đẹp hoang sơ như: Thung A Láng, Thung Mặn, Thung Ẳng, hay những điểm cao trên núi để thỏa sức ngắm mây của khu Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài.

Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng homestay. Hiện nay, tại xã Hang Kia đã có nhiều hộ phát triển du lịch homestay khá hiệu quả, chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và sưu tầm, khôi phục lại một số nét văn hóa, sinh hoạt, tín ngưỡng gần như đã bị mai một để quảng bá, thu hút khách du lịch đến thăm quan.

Mô hình nhà lưu trú cho khách du lịch của gia đình ông Vàng A Sò – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hang Kia

Nhận thấy tiềm năng du lịch xuất phát từ nhu cầu của khách du lịch là muốn đến tham quan, khám phá bản sắc văn hóa người Mông, đồng thời khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò, hộ gia đình ông Vàng A Sò – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hang Kia đã đầu tư xây dựng khu du lịch Homestay Vườn Đào với diện tích 1.200m2  bao gồm: 06 phòng nghỉ, sân vườn và 01 nhà nghỉ (nhà sàn 140m2).

Theo chia sẻ của ông Vàng A Sò: Ban đầu Homestay Vườn Đào khi bắt đầu đi vào vận hành thì lượng du khách cũng chưa nhiều, thu nhập hàng tháng của Homestay bấp bênh, nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng đến trải nghiệm chưa thưởng thức được đầy đủ hương vị các món ăn đặc trưng có chất lượng của đồng bào Mông, cách thức trang trí mâm thức ăn chưa bắt mắt, thẩm mỹ….

Sớm nhận thấy các bất cập trên của Homestay Vườn Đào nói riêng và hệ thống các homestay du lịch cộng đồng nói chung trên địa bàn xã Hang Kia, ông Vàng A Sò đã đề nghị Hội ND huyện Mai Châu, Trung tâm Hỗ trợ ND tỉnh Hòa Bình mở lớp đào tạo nghề dưới 03 tháng “Kỹ thuật nấu ăn” cho bà con, hội viên nông dân xã Hang Kia. Tháng 10/2022 Trung tâm Hỗ trợ ND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Hội ND huyện Mai Châu, Hội ND xã Hang Kia tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề dưới 03 tháng “Kỹ thuật nấu ăn” cho 35 học viên là hội viên, nông dân xã Hang Kia. Sau khi kết thúc lớp học, các học viên được trang bị đầy đủ các kiến thức về trang trí, chế biến các món ăn truyền thống mang bản sắc đặc trưng, chế biến các món ăn Âu, Á và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề dưới 03 tháng.

Hội sẽ mở nhiều lớp đào tạo nghề theo xu hướng thị trường

Đánh giá kết quả kinh doanh dịch vụ Homestay Vườn Đào sau khi các lao động của homestay được cử tham gia lớp học, ông Vàng A Sò cho hay: Lượng khách đến đăng ký nghỉ đã tăng từ 30% trở lên (110 người/tháng), doanh thu đạt khoảng 150 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 07 triệu đồng/người/tháng. Có được kết quả như trên là do các lao động của homestay về cơ bản đã nắm được nghề và thực hành nghề thành thục, có thể trưng bày, trang trí và chế biến các món ăn phù hợp mỹ quan, khẩu vị của thực khách, đảm bảo an toàn vệ sinh và nêu bật được tính đặc trưng các món ăn của đồng bào dân tộc vùng cao và các món ăn truyền thống.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông sống tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình

Hiện nay bình quân mỗi tháng, xã Hang Kia đã đón hàng trăm khách thăm quan. Từng là điểm “nóng” về ma túy, nay Hang Kia đã có những thay đổi tích cực, kinh tế du lịch gắn với bản sắc cộng đồng là nguồn tài nguyên vô hạn hứa hẹn mang lại những điều kiện tốt về kinh tế-xã hội cho bà con vùng khó. Tuy nhiên, để theo kịp những thế mạnh của địa phương về du lịch, nhu cầu xã Hang Kia cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, đầu tư đào tạo các ngành nghề liên quan đến làm du lịch: hướng dẫn viên, dịch vụ phòng, nấu ăn, tổ chức sự kiện… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh nhấn mạnh: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội ND. Đồng thời, định hướng xây dựng đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt. Vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nghề hiện nay là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, mở mới ngành nghề nhằm xây dựng được nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của thị trường lao động. Giải pháp đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hội ND trong thời gian tới là tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 06/8/2021 của Tỉnh ủy Hòa Bình về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội ND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, chú trọng khảo sát nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương gắn với việc làm sau đào tạo; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đa dạng hoá nguồn lực đào tạo nghề; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tuyên truyền, chú trọng phối hợp thông tin thị trường lao động, việc làm, tư vấn lựa chọn nghề học và việc làm, triển khai tốt công tác xuất khẩu lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy nghề tại các địa phương, đơn vị nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.