Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khi Hội “xắn tay” cùng làm sạch biển Quảng Ninh

Đào Ngọc Thuỷ - 10:48 19/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện dự án “Mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả đã góp phần giảm tình trạng ô nhiễm, xây dựng cảnh quan, môi trường biển ngày càng sạch đẹp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phân loại rác cho các tàu cá neo đậu tại bến cá Hà Phong.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, bên cạnh việc đồng hành cùng hội viên, nông dân sản xuất, nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường biển, các cấp Hội ND tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chung tay tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường Vịnh Hạ Long.

Từ đầu năm 2020, Hội ND tỉnh xây dựng và triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long” trên địa bàn 4 phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu, Hà Phong thuộc TP. Hạ Long. Mục tiêu Dự án hướng tới là nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong việc giảm rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường biển tại khu vực ven Vịnh Hạ Long.

 Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc truyền thông, chiến dịch tuyên truyền với quy mô lớn cùng với sự tham gia của nhiều đối tượng như hội viên nông dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và người dân, cộng đồng; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động trong hộ dân, trường học và các điểm tập trung đông người, nơi tổ chức sự kiện, dịch vụ... Gắn công tác tuyên truyền với các hoạt động mô hình, tập huấn, hội thảo, kiểm toán rác. Thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức người dân, cộng đồng về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, cung cấp thông tin trang bị kiến thức về quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác rải nhựa tại hộ gia đình, cộng đồng và tại các cơ quan, đơn vị.

Tổ chức các chiến dịch làm sạch biển và ngày môi trường thế giới. Chương trình với mục đích kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: Phân loại rác tại nguồn, sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, rác thải kim loại, kim loại độc hại, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế...

Cùng với phát động chương trình là các hoạt động nhặt rác làm sạch bãi biển ven Vịnh Hạ Long của trên 300 hội viên, nông dân, đoàn viên, hội phụ nữ; hoạt động thả 1.000 con cá giống tại bờ biển Vịnh Hạ Long nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đại dương. Tổ chức 2 cuộc chiến dịch làm sạch biển, thực hiện Bến cảng cá Hà Phong, bãi biển Tuần Châu. 
Có thể nói rằng, các chuỗi hoạt động truyền thông đã góp phần  giúp cho nhận thức và năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương của cán bộ chính quyền, các ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và người dân địa bàn dự án từng bước đã có sự thay đổi tích cực.

Treo tấm pano tại cảng cá thuộc TP. Hạ Long.

Hiệu quả thiết thực từ việc xây dựng các mô hình 

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ thành lập 4 chi hội thu mua ve chai với 55 thành viên và 2 tổ thu mua ve chai dạo tại 5 phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu, Hà Tu và Hà Phong thuộc thành phố Hạ Long. Mô hình này có quyết định thành lập, quy chế hoạt động của các chi hội; phân công nhiệm vụ các thành viên; đồng thời có cam kết thực hiện phân loại rác của các hộ tham gia mô hình. 

Để các chi hội này có thể hoạt động hiệu quả, Hội đã tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức cho thành viên thu mua ve chai, hộ dân tham gia phân loại và xử lý rác; Tập huấn hướng dẫn, giới thiệu, tư vấn về kỹ năng kiến thức kinh nghiệm hoạt động cho thành viên chi hội ve chai. “Với mô hình này các chi Hội thu mua ve chai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình; tổ chức các hoạt động thu gom ve chai, phế liệu, rác nhựa tái chế chuyển đến các cơ sở thu mua rác tái chế. Tổ chức sinh hoạt định kỳ và duy trì các hoạt động đã được xây dựng trong quy chế” - ông Nguyễn Văn Đường thông tin.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức cuộc tập huấn kiến thức kiểm toán rác cho thành viên tầu cá thuộc hộ dân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long có tầu neo đậu tại bến cá Hà Phong và thành viên tầu du lịch tuyến Tuần Châu.

Theo ông Nguyễn Văn Đường, hầu hết thành viên tầu cá rất hạn chế nhận thức về kiểm toán chất thải, phân loại chất thải, các kiến thức thường thức về chất thải. Việc nắm bắt một số quy định, chính sách về chất thải của tỉnh, thành phố chưa nhiều, chưa hiểu hết về ý nghĩa của các hành động thuộc phạm vi điều chỉnh tại các quy định... Tuy nhiên khi các thành viên tàu cá được tập huấn, tuyên truyền và trực tiếp tham gia kiểm toán rác đã có nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa, vai trò của việc phân loại rác thải; đặc biệt thu gom rác thải nhựa về bờ nên đã đồng thuận, tự giác, ủng hộ trong việc thực hiện chính sách, quy định. 

Tại cuộc tập huấn, Hội còn tổ chức ký cam kết đối với các hộ dân (Tuần Châu, Hà Phong...), thành viên tầu cá, thành viên tầu du lịch tham gia mô hình phân loại, xử lý rác.
Đến nay, sau 2 năm triển khai, với nhiều hoạt động thiết thực bước đầu hình thành được mô hình cộng đồng quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, khu dân cư khu vực ven Vịnh Hạ Long, tạo tiền đề để nhân rộng những việc làm thiết thực, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Đường cho biết thêm: Không chỉ có thành phố Hạ Long thực hiện chủ trương thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường, huyện Vân Đồn cũng đang tích cực cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ nuôi chuyển đổi sử dụng phao xốp sang phao HDPE. Bởi, Vân Đồn là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản trên biển với tổng diện tích mặt nước khoảng 4.258ha. Huyện hiện có 971 hộ sử dụng khoảng 2,7 triệu quả phao xốp để  nuôi trồng thủy sản trên diện tích 1.900ha.

Hay như Hội ND huyện Cô Tô cũng đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên, nông dân bảo vệ môi trường biển bằng nhiều việc làm thiết thực như: Dọn vệ sinh, làm sạch môi trường biển; hạn chế sử dụng túi nilon; phân loại rác thải nguồn; đánh bắt, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản... Qua đó, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, du khách trong bảo vệ môi trường biển, góp phần phát triển du lịch và kinh tế biển bền vững hơn.