Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quan Sơn: Nhiều giải pháp tích cực để huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Tâm - 07:04 12/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthomoi.vn) - Những năm qua, cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện miền núi Quan Sơn đã có những giải pháp tích cực để huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình nông thôn mới đã "thổi một luồng gió mới", làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân Quan Sơn. Những tuyến đường được bê tông hóa, các khu dân cư được quy hoạch, chỉnh trang. Đời sống của người dân được nâng cao, các bản làng dần thay đổi về mọi mặt.

 Nhiều cách làm hay

Huyện Quan Sơn đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp huy động sức dân để làm đường giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn… Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ giống vật nuôi giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; cử cán bộ về "cắm bản" cùng ăn, cùng ở để trực tiếp vận động, cầm tay chỉ việc cho người dân thực hiện. 

Trao tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 – 2025.

Theo thống kê từ Huyện ủy Quan Sơn, đến nay địa phương có 2/11 xã đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn NTM của Quan Sơn đã đạt 67,5% với 56/84 bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 9/83 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tính riêng các bản nằm trên đường biên giáp nước bạn Lào, hiện đã có 8/16 đơn vị đạt chuẩn NTM. Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng hơn 2 năm qua huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 139 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó vốn huy động trong nhân dân trên 10 tỷ đồng được quy ra từ hàng chục nghìn ngày công lao động, hiến vật liệu xây dựng, hiến đất...

Nhiệm vụ xây dựng NTM ở Quan Sơn đang được thực hiện đồng loạt ở 11 đơn vị xã và 84 thôn, bản trên toàn huyện. Hiện cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế được cải thiện. NTM cũng giúp đồng bào trong huyện lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, là điều kiện để giữ vững an ninh biên giới, tăng cường quan hệ ngoại giao với các cộng đồng dân cư bên kia biên giới của nước bạn.

Bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn cho biết: Đây là kết quả đánh giá được sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhưng trong đó đặc biệt quan trọng là sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo sức lan tỏa, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là ý thức của nhân dân trong chăm lo cảnh quan. Chương trình tạo tiền đề chuyển biến mạnh mẽ trong thay đổi tư duy vươn lên thoát nghèo.

Nông dân là chủ thể, nòng cốt xây dựng nông thôn mới

 Xác định nông dân là chủ thể, là nòng cốt quyết định sự thành công trong xây dựng NTM, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân phát huy nội lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi mùa vụ, sản xuất gắn liền với chế biến và tiêu thụ nông sản, phối hợp với các ngành, các cơ quan chuyển giao KHKT.

Ông Lương Văn Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Sơn cho biết:  Năm 2022, Hội Nông dân cơ sở đã phát động, hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt doanh hiệu sản xuất giỏi các cấp năm 2022; có 491 hộ sản xuất kinh doanh đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT như: Mô hình lúa Nhật, cây gai xanh; mô hình nuôi gà ri dưới tán rừng; mô hình nuôi lợn cỏ… Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều hội viên đã tự nguyện hiến đất để tạo quỹ đất công ích phát triển trang trại, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi nội đồng, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn nông dân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, các công trình vệ sinh, đường làng ngõ xóm; di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, cạnh nhà ở, nguồn nước, công trình nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Nhận ủy thác trên 166 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT huyện, Hội đã giúp đỡ giải quyết cho 2.240 hộ vay vốn phát triển kinh tế; Phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện mở 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực, giải pháp chuyển giao tiến bộ KHKT cho cán bộ, hội viên và tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng, vật nuôi. Hội Nông dân huyện Quan Sơn cùng các phòng chuyên môn và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp với nhà máy An Phước cung ứng 70.000 giống cây gai xanh cho các hộ tại xã Trung Xuân, Mường Mìn, Sơn Điện và Trung Tiến; hỗ trợ 2,4 tấn giống lúa Nhật J02 cho 10/12 xã thị trấn, giúp hội viên trên toàn huyện phát triển kinh tế bền vững.

Mô hình nuôi dúi kết hợp nuôi dê, nuôi baba của hộ ông Hà Minh Chon (xã Tam Lư) cho thu nhập 140 triệu đồng/năm

Tam Lư là xã đầu tiên của huyện Quan Sơn, cũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Tại đây, nhiều hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Điển hình là các mô hình chăn nuôi dúi kết hợp nuôi dê, baba của gia đình ông Hà Minh Chon - Chi hội bản Muống. Đến nay, sau gần 3 năm, mô hình của ông Chon đã phát triển, sản phẩm sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đấy. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 140 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi các con khác. Từ mô hình của ông rất nhiều hội viên nông dân trong xã và các xã đến tham quan, học tập.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Dương Văn Giang -  Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa đồng tình và đánh giá cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Quan Sơn đã đưa ra để phấn đấu thực hiện xây dựng NTM mới từ nay đến năm 2025; đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề để tiếp tục trao đổi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình, đó là: Huyện Quan Sơn cần chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để ban hành phù hợp với thực tế địa phương, theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững, giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng NTM; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, đầy đủ, kịp thời theo quy định, góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các địa phương; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng NTM ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng.

“Tại Nghị quyết Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định: Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 là hai chương trình trọng tâm. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, có hiệu quả”.

Ông Dương Văn Giang -  Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hoá.

 

TỪ KHÓA #nông thôn mới