Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năng động tìm hướng phát triển cho nghề nuôi bò sữa

Công Nghĩa - 07:09 28/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi bò sữa, ông Nguyễn Văn Nhiệm (xã Châu Pha, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thấu hiểu nỗi vất vả và những khó khăn. Nhưng bằng sự kiên trì, tìm giải pháp mới, ông đã chủ động trong mọi công đoạn từ sản xuất đến chế biến tạo nguồn thu bền vững.
Một điểm giới thiệu và bán sản phẩm sữa của Trang trại Bò sữa ông Nhiệm.

Kiên trì vượt khó khăn

Năm 2003, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp, Hội ND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), gia đình ông Nhiệm và một số hộ trong ấp được đầu tư mỗi hộ 5 con bò sữa giống. Việc chăn nuôi bò sữa lúc đầu gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm nuôi còn hạn chế, giá thức ăn cao, bò mẹ sinh sản kém nên ảnh hưởng tới đàn bò hậu bị. Bên cạnh đó, lượng sữa ít, chất lượng sữa thấp, giá sữa ngoài thị trường không ổn định nên một số hộ chăn nuôi bị phá sản.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ông Nhiệm vẫn quyết tâm tìm mọi cách phải giữ lại đàn bò, đồng thời vận động các hộ còn lại khắc phục mọi khó khăn. Để có thêm kinh nghiệm, ông dành thời gian đi đến những trang trại bò sữa của các địa phương lân cận để học hỏi kinh nghiệm. Ông cũng đã tự tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi bò sữa qua sách, báo và tham gia các buổi tập huấn phổ biến kiến thức về chăn nuôi do Hội ND phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh tổ chức. 

“Tôi nhận ra rằng, để chăn nuôi bền vững phải chuẩn từ nguồn thức ăn, nước uống, con giống, chuồng trại, công tác thú y, bảo vệ môi trường. Tôi đã chú trọng tập trung cho công tác thú y, tăng cường chế độ dinh dưỡng cho đàn bò, xây dựng chuồng thoáng mát, làm tốt vệ sinh chuồng trại để nâng cao sức khỏe của đàn bò, giúp nâng cao sản lượng sữa; đầu tư máy vắt sữa để tiết kiệm bớt chi phí nhân công, cải thiện chất lượng sữa của đàn bò. Tôi đã xây dựng hầm bioga xử lý chất thải bằng men vi sinh để môi trường xung quanh không ảnh hưởng do chất thải từ chăn nuôi. Từ đó số lượng và chất lượng sản phẩm sữa từ đàn bò của gia đình tôi ngày càng tăng cao“, ông Nhiệm cho biết.

Tuy nhiên, những khó khăn chưa dừng lại ở đó. Khi đã ổn định được kỹ thuật chăn nuôi, vấn đề mà những người nuôi bò sữa như ông Nhiệm phải đối mặt là thị trường tiêu thụ. Từ trước tới nay, việc tiêu thụ và giá cả sản phẩm sữa của người nông dân làm ra phần lớn phụ thuộc vào thương lái, do vậy rất bấp bênh. Để chủ động trong tiêu thụ sản phẩm, năm 2018, được Hội ND xã vận động, ông Nhiệm tham gia Tổ nghề nghiệp chăn nuôi bò sữa gồm 12 hộ và được bầu làm Tổ trưởng. 

Tổ nghề nghiệp ra đời góp phần liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, góp phần hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó đẩy mạnh, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Trên cơ sở đó, ông Nhiệm đã đề nghị Hội ND hỗ trợ trong việc kết nối với Tổ chức NHO hướng dẫn trong chăn nuôi và đánh giá sản phẩm do Tổ hội nghề nghiệp bò sữa làm ra. Sau một năm đánh giá, Tổ chức NHO đã công nhận gia đình ông chăn nuôi bò sữa đạt chuẩn VietGAP nhằm mục đích truy xuất nguồn gốc trang trại của gia đình, tạo tiền đề cho việc đưa sản phẩm sữa ra thị trường thuận lợi.

Sản phẩm sữa của trang trại được chế biến đa dạng.

Đầu tư máy móc nâng tầm sản phẩm

Khi đã đảm bảo được chất lượng sữa, ông Nhiệm và những hộ chăn nuôi trong Tổ nghề nghiệp hướng đến đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ông cho biết: Muốn sản phẩm sữa có chất lượng thì nhà sản xuất phải có kỹ thuật và công nghệ chế biến để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Từ đó, tôi đã tìm hiểu kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới để bảo quản và chế biến sữa bò thành các sản phẩm như sữa tươi tiệt trùng đóng chai, sữa chua các loại đóng bịch và hũ. Ông còn xây dựng 2 kho lạnh 40 feet để chứa sữa tươi, các sản phẩm từ sữa. 

Thời gian đầu, do chưa nắm hết kỹ thuật, sản phẩm làm ra bị hư hao gây thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì, tiếp tục tìm hiểu và dần nắm bắt được kỹ thuật chế biến sữa. Đến nay, đã cho ra đời các sản phẩm từ sữa như sữa tươi thanh trùng, sữa chua dẻo, sữa chua trân châu, sữa chua nếp cẩm, nâng cao thu nhập cho gia đình. Các sản phẩm đều được đưa đi kiểm nghiệm tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện việc đăng ký bao bì, nhãn mác, mã vạch theo đúng quy định của các cơ quan chuyên môn. Gia đình ông đã có 2 sản phẩm được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đó là sữa chua dẻo, sữa chua trân châu. Các sản phẩm này hiện nay đang được khách hàng rất ưa chuộng và tiêu thụ rất tốt trên thị trường trong tỉnh. 

Để phục vụ cho việc phân phối sản phẩm, ông đã đầu tư 3 xe ô tô đông lạnh chuyên dụng, phân phối cho 180 tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh và 4 điểm do gia đình ông trực tiếp phân phối tại thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức. Doanh thu các sản phẩm từ sữa hiện tại đạt gần 2 tỷ đồng/năm. Nhờ chủ động được thị trường nên đàn bò sữa tăng lên 60 con. Gia đình ông còn đầu tư 1,7ha đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Từ thành công và những kinh nghiệm đúc kết, ông Nhiệm đã chia sẻ cho 30 hội viên trong Chi hội. Ông còn đứng ra thu mua toàn bộ sữa tươi cho 11 hộ trong Tổ nghề nghiệp chăn nuôi bò sữa. Theo ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch Hội ND xã Châu Pha cho biết, hiện nay toàn xã có 13 hộ đang chăn nuôi bò sữa với gần 240 con. Với mô hình của ông Nhiệm, xã cũng đang tính toán đến việc hỗ trợ, liên kết các hộ chăn nuôi bò sữa để sản xuất theo chuỗi hàng hóa, tạo đầu ra bền vững cho nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.

“Kế hoạch của gia đình tôi trong thời gian tới là tiếp tục tăng đàn bò sữa lên 100 con; mở rộng thêm diện tích trồng cỏ; đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất. Mở rộng thêm các cửa hàng phân phối tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để cung cấp các sản phẩm từ sữa cho người tiêu dùng, đồng thời giúp tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi trong tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sữa của địa phương, ông Nhiệm tự tin cho biết thêm. 

Hiện tại, Cơ sở sản xuất của ông Nhiệm đang tạo công ăn việc làm cho 17 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các công nhân thực hiện công việc chế biến sữa đều thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định của ngành Y tế và được cử tham gia các lớp đào tạo nâng cao kiến thức về vệ sinh và an toàn thực phẩm.