Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người dân Phú Thọ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong xây dựng nông thôn mới

Hằng Nga - 07:46 27/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Phú Thọ xác định, để chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công thì luôn luôn phải có sức sống mới, tư duy mới, mô hình mới, cách làm mới. Đó là hướng đi xuyên suốt của các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Với hướng đi này đã giúp cho vùng nông thôn Phú Thọ ngày một đổi thay.

Người dân chủ động, chính quyền đồng hành

Năm 2022, tỉnh Phú Thọ có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 128/196 xã đạt chuẩn NTM; có 50 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Sau 12 năm xây dựng NTM, nhiều huyện, xã đã khoác lên mình chiếc áo mới; kinh tế - xã hội liên tục khởi sắc, an ninh – quốc phòng giữ vững ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Hội Nông dân huyện Phù Ninh phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức phát động cải tạo vườn tạp cho người dân

Cánh đồng mẫu lớn của xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê từ hơn 4.000 thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ, trên diện tích hơn 300ha, qua quá trình dồn đổi ruộng đất đến nay chỉ còn trên 1.200 thửa. Các thửa ruộng lớn cùng với việc đầu tư nội đồng đã thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. So với nhiều năm trước việc trồng lúa hiện nay đã mang lại hiệu quả hơn rất nhiều, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

 Thành quả ấy chính là sự thay đổi tư duy sản xuất trong mỗi người dân. Chính quyền địa phương cũng xác định xây dựng NTM là không có điểm dừng, là quá trình thường xuyên và liên tục, do đó Hùng Việt phấn đấu sẽ về đích NTM vào cuối năm 2023. Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền địa phương đã bắt tay xây dựng điểm khu dân cư kiểu mẫu  trong năm 2022. Khu Phú Cát là một trong 2 khu dân cư được xã Hùng Việt lựa chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Phương châm triển khai được chính quyền khu dân  cư xác định đó là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó người dân làm chủ, người dân giám sát, người dân thực hiện và người dân hưởng thụ.

 Dưới sự vận động của chính quyền, các tuyến đường bê tông trong khu đã được bê tông hóa, những đường hoa cây xanh được bà con trồng và chăm sóc, hướng tới xây dựng khu dân cư đẹp, văn minh và hiện đại. Ông Hoàng Minh Tuấn, khu Phú Cát, xã Hùng Việt cho biết, để có khu dân cư đẹp như hôm nay là nhờ sự chung tay của mọi người dân, mỗi người dân trong khu đều có sự đóng góp và đều có tiếng nói chung để  cùng tạo nên những con đường hoa đẹp.

Nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao

Ông Nguyễn Khắc Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Việt cho biết: Chúng tôi đã dồn đổi ruộng dất trên toàn địa bàn xã từ nhiều thửa ruộng manh mún để phát triển sản xuất. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ đưa cơ giới hóa vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm được chi phí trên 1 thửa ruộng.  Để xây dựng NTM kiểu mấu chúng tôi sẽ đột phá vào thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.

Sau hợn 13 năm xây dựng NTM, đường giao thông liên thôn, liên xã của xã Hùng Việt đã được đầu tư mở rộng. Đặc biệt là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và cơ giới hóa các khâu sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế tập thể theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đời sống người dân xã Hùng Việt đã có sự cải thiện rõ rệt. Kết quả ấy là nhờ sự thay đổi trong tư duy cách nghĩ, cách làm của bà con và sự định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương.

 Lan tỏa nhiều cách làm sáng tạo, nâng cao thu nhập

Nhờ việc triển khai chương trình xây dựng NTM, nhiều cách làm hay sáng tạo cũng được lan tỏa tại các địa phương, từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất từ cá nhân manh mún nhỏ lẻ sang hình thức kinh tế tập thể bền vững, đem đến cuộc sống mới cho bà con vùng nông thôn.

 Từ khi có mô hình liên kết để sản xuất thành hợp tác xã, bà con nông dân đã đổi mới cách nhận thức: tiêu thụ nông sản phải có sự liên kết và sản xuất hàng hoá phải có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn mới tiêu thụ được, từ đó bà con đã đổi mới tư duy và bắt nhịp với sự phát triển của kinh tế thị trường.

Mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp Rau củ quả Mạnh Liên.

 Năm 2016, HTX Nông nghiệp Rau củ quả Mạnh Liên huyện Tam Nông đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng hệ thống nhà màng và chuyển đổi số nhiều khâu trong quá trình sản xuất. Đây được coi là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa,  hướng đến làm kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Mạnh- Giám đốc HTX Nông nghiệp Rau củ quả Mạnh Liên cho biết, bước vào thời đại 4.0, người nông dân cũng phải chuyển đổi để bắt kịp tiến độ phát triển của xã hội. Chúng tôi đã thay đổi công nghệ chăm sóc cây, phân bón, hệ thống tưới, đổi mới cách đóng gói bao bì theo hướng hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Đồng thới, số hóa trong công tác quản lý và chăm sóc cây trồng để mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay, HTX đã phát triển được 3 khu nhà màng với tổng diện tích 7.500m2 cùng đầy đủ hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt, hệ thống quạt đối lưu giúp cho các loại cây củ quả phát triển tốt, ít sâu bệnh, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt các sản phẩm của HTX đã khẳng định được chất lượng giá trị trên thị trường trong và ngoài tỉnh, HTX có 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Anh Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1990, khu 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng) là điển hình người nông dân dám nghĩ, dám làm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản mang lại giá trị kinh tế rất cao, với mô hình chế biến xuất khẩu đũa gỗ. Hiện anh Ánh đã có 2 nhà xưởng hiện đại sản xuất đũa gỗ ở Phú Thọ và Tuyên Quang với 3 dây chuyền, hơn 100 công nhân. Mỗi tháng, anh Ánh xuất sang Nhật Bản khoảng 10 công đũa gỗ, mỗi một công là 5 triệu đôi đũa. Thu nhập sau khi trừ chi phí từ việc sản xuất gỗ đũa của anh Ánh đạt khoảng 2 tỉ đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, anh Ánh luôn tích cực phổ biến kinh nghiệm sản xuất kinh doanh thường xuyên cho hàng chục hộ gia đình, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 100 lao động thu nhập khoảng 6 triệu đồng.

"Việc xây dựng nông thôn mới đang chuyển biến mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất". Bước sang một giai đoạn mới, các kế hoạch xây dựng NTM cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của Phú Thọ. Theo đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình NTM thời gian tới".

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ.

TỪ KHÓA #nông thôn mới