Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Bắc Giang phát huy sức mạnh công nghệ số

Hoàng Tính - 14:30 19/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có tác động trực tiếp tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân Bắc Giang. Chủ động áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất những nông dân ở Bắc Giang đã nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản.

Nông dân xuất sắc ứng dụng công nghệ số

Ông Hoàng Đình Quê (xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng) được bình chọn và trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc (năm 2021), bởi luôn có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế sản xuất chăn nuôi hộ gia đình, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

Ông Hoàng Đình Quê chia sẻ: Từ quá trình được hỗ trợ, cập nhật thông tin, ứng dụng công nghệ số của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang vào sản xuất chăn nuôi trong phát triển kinh tế; những năm qua, tôi nhận thấy “sức mạnh to lớn” từ việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất chăn nuôi. Vì vậy năm 2021 gia đình tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn thức ăn đến từng chuồng nuôi lợn; toàn bộ hệ thống đường ống dẫn thức ăn được kết nối với điện thoại di động thông minh. Giờ đây chỉ cần công nhân đổ thức ăn từ bao vào ống, rồi điều khiển bằng điện thoại di động, thức ăn sẽ di chuyển qua hệ thống đường ống đến từng chuồng nuôi lợn, vừa giảm được sức lao động lại tiết kiệm được thời gian.

Gia đình ông Hoàng Đình Quê, ứng dụng công nghệ thông tin để chăm nuôi đàn lợn 2.000 con.

“Dù kinh phí đầu tư lớn nhưng với cách làm mới này, ở bất kỳ nơi đâu tôi cũng biết được tình hình của 2.000 con lợn ở nhà đang được chăm sóc thông qua hệ thống camera phân bố dày đặc khắp khu chuồng nuôi. Rồi hệ thống máy làm mát, cho ăn tự động giúp tôi ngồi đâu cũng có thể “cho được lợn ăn” chỉ bằng một vài thao tác trên chiếc điện thoại. Cùng với đó việc kiểm soát lượng thức ăn cũng được chặt chẽ giúp tránh dư thừa thức ăn, tránh lãng phí…” ông Quê phấn khởi cho hay.

Không chỉ mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình nuôi lợn mà ông Hoàng Đình Quê còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp tiên tiến, công nghệ hiện đại để áp dụng vào các khâu trong mô hình sản xuất kinh tế của gia đình mình.

Hiện nay, ông Quê cũng đang tích cực triển khai Hệ thống quản lý công nghệ IoT (Internet vạn vật) kiểm soát lượng nước, nhiệt độ, phân bón cho khu vườn cây ăn quả của gia đình. Khi áp dụng Hệ thống quản lý công nghệ IoT, nếu người dùng bận, hệ thống sẽ tự động thực hiện chỉ định cài đặt trước để xử lý các tình huống khẩn cấp như khi cây trồng thiếu nước trầm trọng, hệ thống sẽ khởi động hệ thống tưới...

Trong việc trồng trọt thì nước tưới và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Chính vì vậy với Hệ thống quản lý công nghệ IoT này, thuật toán sẽ phân tích để chính xác lượng nước cung cấp đồng thời đưa ra chỉ thị để bộ châm phân tự động hút phân đã được hòa tan với liều lượng định sẵn, rồi đưa vào hệ thống đường ống dẫn nước, phân phối đều ra các hàng cây từ đầu vườn đến cuối vườn, hệ rễ được hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây phù hợp cho từng giai đoạn, hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng, năng suất có thể tăng từ 20 - 25%...

Việc áp dụng công nghệ này cũng hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Mặc dù chi phí đầu vào cao hơn so với làm truyền thống, nhưng bù lại trở thành thế mạnh khi tự quyết định được giá trị sản phẩm mình làm ra từ công nghệ số đem lại.

Nâng cao giá trị vải thiều

Một ví dụ điển hình về “sức mạnh” của công nghệ số trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang hiện nay đó chính là thành công trong việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Hiện nay, việc minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ đã giúp những người nông dân ở tỉnh Bắc Giang xuất bán được hơn 199,5 nghìn tấn (xuất khẩu đạt khoảng 80 nghìn tấn) trong năm 2022.

Nông dân trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) ghi chép nhật ký trồng vải thiều để công khai minh bạch thông tin về sản phẩm

Để đạt được những thành công đó có đóng góp quan trọng từ việc đẩy mạnh “Nông nghiệp số” trong trồng và tiêu thụ vải thiều. Giờ đây cùng với việc cần cù chăm sóc những vườn vải thiều theo đúng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, những người nông dân trồng vải thiều ở Bắc Giang còn cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn của vải thiều trên các thiết bị điện tử để người tiêu dùng có thể xem và truy xuất.

Chị Nguyễn Thị Khương ở thôn Phúc Thành (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) cho hay: Trong 3 năm trở lại đây, gia đình tôi đã phối hợp với doanh nghiệp để trồng và bao tiêu sản phẩm vải thiều theo hướng hữu cơ. Sản xuất theo hướng hữu cơ đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt khi vải được chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của doanh nghiệp, có nhật ký điện tử ghi lại thời gian, công việc, người thực hiện, loại thuốc, phân bón, nông cụ canh tác… Đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học. Để giám sát quá trình trên, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24h tại vườn. Cũng vì thế, trái vải bên ngoài có vỏ mỏng, đều màu, bên trong căng mọng thơm ngon hơn vải thường. Dù phải thực hiện nhiều bước trong trồng vải thiều hữu cơ, những bù lại giá bán lại được cao gấp 2-3 lần so với bình thường, sản phẩm có làm ra bao nhiều đều tiêu thụ thuận lợi bấy nhiêu.

Cùng với quá trình trồng vải thiều, việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng giúp bà con nông dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn… Các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, Landing, Zalo… cũng được triển khai mạnh mẽ.

Chính từ việc công khai, minh bạch thông tin trong sản xuất vải thiều những năm qua mà vải thiều ở Bắc Giang đã có mặt ở nhiều thị trường Mỹ, EU, Hà Lan, Nhật Bản… Thị trường mở rộng, giá trị kinh tế gia tăng và thu nhập của người nông dân cũng ngày một nâng lên.