Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Cà Mau thu nhập khá nhờ nuôi xen cua biển trong vuông tôm

Nguyễn Hành -Việt Dũng - 07:17 10/08/2022 GMT+7
Kỹ thuật nuôi cua biển trong vuông tôm đang trở thành mô hình rất phổ biến hiện nay ở Cà Mau và được áp dụng ở nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long với hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều người chưa hiểu rõ về mô hình này, đặc biệt là những người mới bắt đầu. Để giúp người nuôi hiểu rõ hơn về kỹ thuật nuôi thêm cua biển ở trong vuông tôm, chuyên gia thuỷ sản đưa ra những chia sẻ cụ thể.

Hiệu quả kinh tế từ nuôi cua biển trong vuông tôm

Đây chính là phương pháp nuôi thêm cua biển ở trong ao hồ/lồng tôm, tức là nuôi ghép cả tôm và cua ở trong một môi trường, một không gian. Hình thức này được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao với phí đầu tư thấp hơn.

Thực tế cho thấy mô hình nuôi ghép tôm và cua đã xuất hiện từ khá lâu, lần đầu xuất hiện ở các huyện vùng mặn hóa ở Cà Mau. Cua Cà Mau là tên chỉ chung cho các loài cua biển, trong đó 2 loại cua được nuôi chủ yếu là cua lửa và cua xanh. Hình thức nuôi cua tại tỉnh Cà Mau chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú trên diện tích khoảng 280.000 ha, theo phương pháp quảng canh trong hệ sinh thái mặn lợ, giàu nguồn thức ăn nên cua có chất lượng tốt: Chắc thịt, vị ngọt đậm, thơm và giàu chất dinh dưỡng hơn cua được nuôi tại một số địa phương khác.

Tuy nhiên nhiều người lo sợ nếu nuôi tôm và cua chung trong vuông thì cua sẽ ăn thịt tôm, gây giảm năng suất nên ít người dám thực hiện. Nhưng theo tìm hiểu thực tiễn thì tôm thường chạy nhanh hơn cua nên tỷ lệ cua ăn tôm rất thấp. Hơn nữa kết quả mô hình này khi thu hoạch cho thấy với tỉ lệ sống tôm sú là khoảng 50 – 60 % và tỷ lệ sống của cua là 50- 70 %. Đặc biệt giá trị kinh tế thu được cũng cao hơn so với nuôi tôm biển hoặc cua riêng rẽ. Cũng từ đó mà kỹ thuật nuôi cua biển cùng tôm đã được nhân rộng, ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Tại Cà Mau diện tích nuôi cua thâm canh rất ít. Việc phát triển nuôi cua luôn gắn liền với nuôi tôm truyền thống và quảng canh và cả lúa tôm. Trong cách nuôi truyền thống, người dân chỉ nuôi tôm sú, còn con cua thì được tự sinh tự diệt, có được con nào thì bắt con đó. Đến nay, việc nuôi cua đang thời thịnh, là nguồn sống của bà con, họ thu lợi lớn từ loài đặc sản này.

Ông Nguyễn Văn Thoái, một hộ nuôi cua tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân cho biết: Ở đây trừ những hộ đầu tư nuôi công nghiệp ra, còn hộ nào làm quảng canh thì đều có thả xen thêm cua để tăng thêm thu nhập. Theo lời ông Thoái, mỗi năm trên mỗi héc ta, người nuôi cua có thể kiếm thêm năm ba chục triệu là chuyện thường.

Mô hình nuôi cua trong vuông tôm của hộ ông Nguyễn Văn Thoái, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua, ông Thoái cho biết: Cua và tôm có thể sống cùng nhau. Nhiều người sợ cua bắt tôm ăn, nhưng nếu cùng thả chúng và để ngoài môi trường tự nhiên, con tôm nhanh hơn cua rất nhiều, cua không thể bắt được chúng. “Thả cua trước đây là làm chơi ăn thật, còn bây giờ làm thật để kiếm nhiều hơn”. Ông Thoái nói thêm.

Kỹ thuật nuôi cua biển trong vuông tôm

Theo các chuyên gia về nuôi trồng thuỷ, hải sản, việc triển khai mô hình nuôi cua trong vuông tôm cũng không quá phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi sự tỷ mỉ và chính xác mới có hiệu quả. Cụ thể như sau:

Chuẩn bị ao nuôi: Đây là khâu quan trọng, quyết định đến sự sống và chất lượng tôm cua về sau. Theo đó yêu cầu ao nuôi phải có hệ thống gờ nổi ở bên trong hoặc là phải đào rãnh xung quanh ao và có gò ở giữa. Như vậy thì tôm, cua mới có nơi để trú ẩn.

Nước trong ao cần đảm bảo độ mặn phù hợp, không được quá mặn. Nếu có thể thì nuôi giống tôm cua  thích nghi với độ mặn giúp tránh khỏi hiện tượng tôm cua bị sốc do độ mặn. Tuy nhiên cua biển thì khả năng chịu độ mặn thường khá tốt.

Riêng với các ao mà nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cua biển thì khi chuẩn bị ao, người nuôi cần giăng vèo ương của cua biển ngay trong ao. Vèo ương này có 5 mặt, trong đó có 4 mặt bên và 1 mặt đáy, trong vèo nên bố trí thêm các chà cây hoặc là lưới giăng bên trong.

Lựa chọn thời điểm thích hợp thả cua biển vào trong ao tôm: Tùy theo mức độ của giống cua mà sẽ có thời điểm thả thích hợp.

Đối với cua bột (cua hạt tiêu) thì có thể thả luôn cùng lúc với giống tôm đều được. Lưu ý là cua phải được ương trong vèo tầm 7 ngày trước khi bung vèo ra ao tôm.

Với cua hạt dưa: Sau khi thả tôm giống 7 – 10 ngày mới thả cua giống

Với cua hạt me trở nên thì thả cua giống sau khi thả tôm 15 – 20 ngày.

Chú ý đến mật độ thả tôm và cua biển: Thường thì tôm sú sẽ thả nuôi với mật độ khoảng 12 – 15 con/m2. Riêng với cua thì cũng tùy theo độ giống mà có mật độ thích hợp. Cụ thể:

Cua hạt tiêu (cua bột) thì thả 1 – 1,5 con/m2; Cua ương đến hạt dưa: thả 1 con/m2; Cua hạt me: thả khoảng 0,5 con/m2.

Quá trình chăm sóc và cho tôm cua ăn: Vài ngày đầu người nuôi cho cua biển ăn cá tươi hấp chín được tán nhuyễn. Sau đó trộn thức ăn viên của tôm với cá hấp với tỉ lệ cá hấp giảm dần và tăng dần cám viên. Khi đã bung vèo thì bạn thả cua biển ra ao tôm, lúc này có thể cho cua ăn chung thức ăn viên với tôm được.

Riêng cua bột mới thả thì ngày đầu không nên cho ăn bởi vì cua chưa khỏe hẳn. Có thể chờ tới sáng hôm sau mới cho ăn, tầm 400 –500 g cá hấp/ngày với 10.000 cua bột.

Khoảng 1 tuần sau khi cua ương thì có thể thả cua ra ao cùng tôm sú, sau đó bạn cũng sẽ chăm sóc cho cua ăn giống như cho tôm ăn. Lượng thức ăn dành cho cua chỉ cần tăng bằng 3 – 2 % lượng  cua có ở trong ao là được. 

Thu hoạch: Sau khoảng 2-3 tháng, người nuôi có thể dùng vợt để kiểm tra xem cua đã lớn chưa. Nếu như mai cứng, màu sắc đậm và có thịt chắc thì bạn thu hoạch tôm. Một số cua mà thịt chưa chắc thì bạn có thể nuôi tiếp, tầm 14 ngày sau kiểm tra lại để thu hoạch.

Nhờ cách nuôi cua và tôm “sống chung”, hiện người dân Cà Mau có thêm thu nhập từ 40 -50 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, điều tối kỵ nhất trong việc nuôi xen cua trong vuông tôm là để con tôm bị bệnh. Khi tôm bệnh yếu đi hoặc chết, cua bắt được và ăn chúng, do sống cùng môi trường và có chung nhóm máu nên con cua cũng nhiễm bệnh và chết theo.

Ông Nguyễn Văn La, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đông Thới (huyện Cái Nước) cho biết: Xã có diện tích nuôi cua hơn 2.000 ha. Nuôi cua trong vuông tôm đang mang lại nguồn lợi ổn định cho các hộ dân. Để cua phát triển tốt, bà con cần đảm bảo nuôi đúng kỹ thuật đã được tập huấn: Phải vèo cua con trong thời gian từ 7 – 10 ngày để kiểm soát chất lượng con giống trước khi thả ra vuông; Khi cua còn nhỏ lên luộc cá, sau bỏ xương và hòa vào nước cho ăn; Trong vuông nên cắm nhiều cành cây (địa phương gọi là trà) để có nơi cho cua lột trú ngụ an toàn; Cho ăn một tháng ít nhất 2 lần. Đặc biệt, phải chú ý xử lý môi trường nước đảm bảo tôm nuôi không bệnh thì cua sẽ phát triển tốt.

Nông dân Tiền Giang xử lý hiệu quả bệnh nứt thân – chảy nhựa cây dưa hấu trên đất phèn
Trong nhóm rau màu, dưa hấu là một trong những cây trồng cho giá trị kinh tế cao tại tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên việc canh tác dưa hấu trên nền đất lúa nhiễm phèn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tình hình sâu bệnh, phèn, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp.