Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân biết cách làm giàu sau khi được học lớp Thú y do Hội tổ chức

Ái Vân - 16:41 10/04/2023 GMT+7
Tận dụng lợi thế vùng núi, diện tích đất tự nhiên rộng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vươn lên thoát nghèo

Anh Katơr Noan - người dân tộc Raglai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái là một trong số nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hàng năm doanh thu gia đình anh đạt hơn nửa tỷ đồng.

Anh Katơr Noan kể từ khi được Hội Nông dân xã vận động tham gia vào lớp học chăn nuôi thú y do trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tổ chức, sau 22 tháng học tập cũng gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khóa học này anh và các học viên khác được học về kỹ năng cơ bản phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, nhờ tiếp thu kiến thức từ  lớp học đàn gia súc của gia đình anh nuôi đã ít bệnh hơn, công việc của anh cũng thuận lợi và ngày càng phát triển.

“Từ một nông dân nghèo của xã, gia đình lúc nào cũng rơi vào khó khăn thiếu trước hụt sau, lúc bấy giờ gia đình tôi chỉ biết trông chờ vào bắp núi, đậu ván năng suất rất thấp năm nào mưa thuận gió hoà thì có ăn, năm nào nắng hạn thì coi như mất trắng. Đến nay, gia đình tôi đã có 3,1ha đất trồng (sắn và lúa), nuôi bò và heo đen lai heo rừng mang về doanh thu hàng năm khoảng hơn nửa tỷ đồng”, anh Katơr Noan nói. 

Nhờ sự vận động của các cơ quan mà gia đình anh Noan đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây mì giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, còn tạo công ăn việc làm từ 20 đến 25 lao động thuê mướn theo mùa vụ. Gia đình anh còn giúp đỡ cho 5 hộ nông dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ những kiến thức lĩnh hội ở lớp trung cấp thú y anh Noan đã áp dụng giảng dạy những kiến thức cơ bản về chăn nuôi cho họ. Đồng thời, anh còn vận động bà con trong xã tích cực lao động sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để tái vốn đầu tư.

Ngoài ra, gia đình anh còn tham gia các phong trào của địa phương như góp sức xây dựng nông thôn mới, góp công và tiền làm đường nông thôn, thực hiện công tác đảm an ninh trật tự, tham gia sinh hoạt công tác Hội thường xuyên, nộp các quỹ do địa phương phát động. Với những đóng góp cho địa phương, anh Katơr Noan được UBND huyện tặng giấy khen, Hội Nông dân huyện tặng giấy khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình luôn đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa.

Anh Noan chia sẻ: Những thành quả đạt được hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn nhờ sự động viên, chia sẻ và đồng hành của Hội Nông dân các cấp, tôi sẽ cố gắng xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều nông dân học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Vận động hội viên khác cùng xây dựng mô hình kinh tế cho hiệu quả cao

Trong những năm qua, phong trào nông dân vượt khó vươn lên làm giàu do hội nông dân  xã  Phước Thắng, huyện Bác Ái phát động đạt nhiều kết quả. Nhờ đó  nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi, cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương.

Quá trình chăn nuôi, cùng với việc tích luỹ kinh nghiệm, Anh Noan còn tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật đồng thời chú trọng việc phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Ở địa phương, muốn làm nghề nông thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương mình. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm trong quá trình chăn nuôi nên dần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn

Ở huyện Bác Ái hiện có nhiều nông dân đầu tư trồng cỏ chăn nuôi bò theo quy mô tập trung. Huyện Bác Ái xác định chăn nuôi là ngành kinh tế chủ lực, do vậy việc kết hợp giữa hình thức chăn nuôi theo mô hình nông hộ để dần chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại, trang trại thời gian qua được địa phương chú trọng, nhờ đó tổng đàn gia súc của huyện tăng nhanh qua từng năm.

Nuôi heo rừng lai đang được bà con vùng núi mở rộng quuy mô. Ảnh: ĐVCC

Không chỉ cần cù chăm chỉ trong lao động, anh Noan luôn nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động của địa phương, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, vận động những hội viên khác cùng xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên trong chi, tổ hội để làm giàu chính đáng và xây dựng tổ chức hội vững mạnh. 

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chủ trương của địa phương là thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng trang trại, gia trại, bán chăn thả. Huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, hướng dẫn nông dân trồng cỏ nhằm đảm bảo có nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc. Thời gian qua, Hội Nông dân phối hợp với ngành Thú y đã tăng cường công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc để người dân áp dụng; tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nhằm đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân tham gia lớp học chăn nuôi thú y do Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tổ chức. Thông qua lớp học, nhiều Nông dân miền núi Ninh Thuận đã biết chăm sóc vật nuôi, giảm được tỷ lệ bệnh tật, gia súc phát triển rất tốt.

Anh Katơr Noan Là một hội viên còn trẻ tuổi nhưng năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, với sự quyết tâm anh đã thành công với mô hình chăn nuôi và là một trong những tấm gương điển hình về sự quyết tâm vượt khó thoát nghèo. Tuy bận rộn với công việc chăn nuôi và trồng trọt anh Noan vẫn bớt chút thời gian đi giao lưu với các hội viên, bà con nông dân tại địa phương, hoà nhã, gần gũi với làng xóm láng giềng.

TỪ KHÓA #ninh thuận