Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân xuất sắc giúp nhiều người có việc làm

Hoàng Tính - 13:18 22/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sau hơn 20 năm theo đuổi nghề làm miến dong, đến nay ông Đặng Quang Tân - sinh năm Quý Mão (1963), Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất miến Việt Cường (xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là một trong hàng nghìn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên.
Ông Đặng Quang Tân sinh năm 1963 ở xã Hoá Thượng.

Phát huy làng nghề truyền thống

Theo một số ghi chép thì Làng nghề miến Việt Cường được hình thành từ khoảng năm 1970 tại xã Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trước đây người dân Làng nghề miến Việt Cường thường chỉ làm miến để phục vụ gia đình vào những dịp Tết Nguyên đán.

 Đặc điểm nổi bật của sản phẩm miến ở Làng nghề Việt Cường đó là sản phẩm được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên từ củ dong riềng vì vậy sợi miến dai, hương thơm tự nhiên và chế biến được nhiều món ăn ngon khác nhau. Cho dù có nấu từ sáng rồi để đến tận trưa hâm nóng lại thì sợi miến ăn vào cũng không bị nát, đó chính là đặc trưng mang lại thương hiệu của loại miến này.

Sinh ra và lớn lên tại Làng nghề miến Việt Cường, nhưng những năm trước đây, ông Đặng Quang Tân cùng gia đình chỉ sản xuất nông nghiệp, tập trung làm ruộng, chăn nuôi và trồng cây ăn quả, còn làm miến dong chỉ để phục vụ gia đình.

Ông Đặng Quang Tân cho biết: Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm miến dong, năm 2000 gia đình tôi đã bước đầu tập trung sản xuất miến vào các ngày trong năm để bán. Có thể nói, từ sản xuất miến dong mà kinh tế gia đình tôi đã có nhiều thay đổi, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Đến năm 2016, tôi đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường để phát triển quy mô sản xuất miến lớn hơn. Ngày mới thành lập, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường có 10 thành viên tham gia, đến nay đã phát triển lên số lượng 12 thành viên.

Thành lập hợp tác xã, ông Tân đã hỗ trợ các thành viên từ kỹ thuật sản xuất, đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy các thành viên trong Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường đã có cuộc sống ổn định, và ngày càng gắn bó với nghề làm miến. 
Hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất miến của gia đình ông Tân rộng khoảng 5.000m2, trong đó, riêng diện tích nhà xưởng khoảng 600m2 còn lại là diện tích lắp đặt hệ thống giàn phơi.

Với quy mô sản xuất như hiện nay, mỗi năm gia đình ông Tân sản xuất khoảng 90 tấn miến thành phẩm đem về thu nhập gần 1,5 tỷ đồng/năm. Nếu tính sản lượng của cả Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường thì trung bình mỗi năm sản xuất được khoảng trên 1.000 tấn.

Đưa công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm miến dong Việt Cường.

Tạo việc làm ổn định cho nông dân

Hiện Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường có 2 sản phẩm chính là miến dong và miến tỏi đen, trong đó miến dong chiếm khoảng 90% sản lượng miến làm ra. Các sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường được xuất bán đi khắp các tỉnh thành trong cả nước như: Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Nghệ An… với giá bán trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng/kg miến dong và 150.000 - 200.000 đồng/kg miến tỏi đen.

Với quy mô sản xuất như hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Tân, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng gặp khó khăn vì hiện nay nguồn nguyên liệu đầu vào tại địa phương vẫn chưa đáp ứng đủ.
Vì vậy để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển, HTX Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường đã phải nhập nguyên liệu từ một số tỉnh khác như: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La…

Tuy nhiên, do dong riềng được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, nên để đảm bảo sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường đã phải mua bột về sấy rồi đóng bao dự trữ. Trong khi đó, giá bột dong riềng tương đối cao, điển hình vào cuối năm 2021, giá bột dong riềng dao động từ khoảng 27.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Tân chia sẻ thêm “Chỉ tính riêng gia đình ông, trung bình mỗi năm cũng đã sản xuất hết khoảng trên 100 tấn bột dong riềng khô, do đó nguồn tiền để mua bột dự trữ vào dịp cuối năm rất lớn. Ngoài ra, một khó khăn nữa đối với Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường là khâu đầu ra của sản phẩm. Mặc dù sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường đã tiếp cận được với một số hệ thống siêu thị, tuy nhiên các siêu thị này chỉ thanh toán tiền khi họ bán được sản phẩm, do đó nguồn vốn đọng lại tương đối lớn”.

Sản phẩm Miến Việt Cường được phơi dưới ánh nắng tự nhiên.

Hiện nay, việc làm miến ở Việt Cường vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Nếu thời tiết nắng ráo thì việc sản xuất miến sẽ thuận lợi, còn thời tiết mưa dầm thì chi phí để sản xuất miến sẽ rất cao, thậm chí mất trắng. Do vậy, để sản xuất miến đạt hiệu quả cao, ngoài việc đầu tư, thay đổi công nghệ máy móc hiện đại thì người làm miến còn phải theo dõi tình hình thời tiết hàng ngày thậm chí là hàng giờ.

Bên cạnh đó, trong công tác an sinh xã hội ở địa phương ông Đặng Quang Tân cũng được biết tới là người luôn đi đầu trong các hoạt động, đóng góp đầy đủ các loại quỹ mà địa phương cũng như Hội Nông dân các cấp tỉnh Thái Nguyên triển khai. Ngoài ra ông Tân cũng thường xuyên hỗ trợ tặng quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trong dịp Tết Nguyên Đán với số tiền hàng năm là 1,5 triệu đồng. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gia đình ông Tân cũng đã hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật như: Khẩu trang, găng tay, áo phòng chống dịch, dung dịch sát khuẩn. 

Với những đóng góp tích cực của mình trong những năm qua, ông Đặng Quang Tân đã được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen, giấy khen; nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân SXKDG cấp tỉnh của Hội ND tỉnh Thái Nguyên…