Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng hội viên nông dân trong thời kỳ hiện nay

(Tapchinongthonmoi.vn) - Nông dân nước ta trong mọi thời kỳ cách mạng luôn là lực lượng đông đảo, đóng góp sức người, sức của, góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ND là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của ND. Đồng bào ND sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Hội NDVN trong việc tập hợp, tuyên truyền vận động ND vào tổ chức Hội; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo xây dựng và củng cố tổ chức Hội; tập hợp, đoàn kết ND, tạo điều kiện để các cấp Hội NDVN hoạt động có hiệu quả như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 24/3/1987, Ban Bí thư T.Ư Đảng; Nghị quyết số 08B/NQ-HNTW, ngày 27/3/1990 BCH T.Ư (Khoá VI); Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khóa IX); Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khoá X); Nghị quyết 26-NQTW ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 (khóa XI); Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng; Nghị quyết 19- NQTW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 (khóa XIII)…
Thực trạng phát triển hội viên ND
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, các cấp Hội NDVN đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mọi hoạt động hướng về cơ sở; gắn tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, ND với chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, ND. Thực hiện phương châm lấy lợi ích kinh tế, quyền lợi thiết thực của hội viên, ND làm động lực hoạt động và chất keo kết nối, thu hút, tập hợp, vận động  hội viên, ND, Hội ND các cấp đã đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lớn của Hội, trọng tâm là Phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp Hội đã tổ chức sâu rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND về vật tư, vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ nông sản, hỗ trợ kiến thức pháp luật, dạy nghề và giải quyết việc làm, gắn với xây dựng các mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác), mô hình khuyến nông, khuyến ngư, mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình canh tác bền vững…, tạo điều kiện cho hội viên ND trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để đoàn kết, tập hợp đông đảo ND tham gia vào tổ chức Hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.

Chi hội Nông dân thôn 2, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề. Ảnh Hội ND Hà Tĩnh

Nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và đa dạng hình thức tập hợp, thu hút hội viên ND vào tổ chức Hội và nâng cao chất lượng hội viên, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã ban hành Đề án số 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 về xây dựng Chi hội ND nghề nghiệp, tổ hội ND nghề nghiệp. Trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện Đề án số 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 về xây dựng Chi hội ND nghề nghiệp, tổ hội ND nghề nghiệp; BCH T.Ư Hội đã ban hành Nghị quyết số 04 -NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 về đẩy mạnh xây dựng Chi hội ND nghề nghiệp, Tổ hội ND nghề nghiệp.
 Đến nay, cả nước đã thành lập được trên 3.700 Chi hội ND nghề nghiệp và 36.500 Tổ hội ND nghề nghiệp, với gần 600.000 hội viên ND tham gia. Các mô hình Chi hội, Tổ hội ND nghề nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả đã tạo mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Hội viên tham gia chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức, được cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại giống cây con, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực và nhu cầu chính đáng của hội viên ND, qua đó đã phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong tập hợp, thu hút hội viên, thể hiện rõ vai trò là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào ND, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, ND, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 05 -NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành T.Ư Hội về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội NDVN. Các cấp Hội đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, các câu lạc bộ, các hội thi, hội thảo, các phong trào, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do Hội thực hiện, các hoạt động văn hóa, xã hội...thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí NTM, Trung tâm Thông tin về sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bản tin công tác Hội của Hội ND tỉnh, thành phố. Thông qua các mô hình Chi Hội ND nghề nghiệp, Tổ Hội ND nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động hướng dẫn, dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND phát triển sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, ND để tập hợp, thu hút ND vào tổ chức Hội. Mở rộng đối tượng phát triển hội viên mới là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, nhà khoa học, doanh nhân đã và đang công tác, học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn. Bình quân, hàng năm kết nạp được trên 240.000 hội viên nâng tổng số hội viên trong cả nước hiện nay khoảng 10,2 triệu hội viên; tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt từ 80% trở lên. Chất lượng hội viên được nâng lên rõ rệt, tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường. ND đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng NTM, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Công tác quản lý, nâng cao chất lượng hội viên tiếp tục được chú trọng trên các mặt: nhận thức chính trị, tổ chức và sinh hoạt, lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, công tác quản lý hội viên gắn với phát thẻ hội viên khi kết nạp thông qua việc lập sổ theo dõi hội viên, sổ thu hội phí, sổ nghị quyết chi hội… Một số tỉnh thực hiện quản lý hội viên chặt chẽ, khoa học, hàng quý đối chiếu sự biến động và chốt số lượng hội viên giữa chi Hội và Hội cơ sở. Một số tỉnh, thành Hội đã đổi mới trong quản lý cán bộ, hội viên bằng phần mềm qua internet.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực và kết quả đạt được, công tác tập hợp ND vào tổ chức Hội còn những hạn chế, khó khăn, thách thức đó là:
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho ND ở một số nơi còn mang tính hình thức, có nơi triển khai nghị quyết của Hội xuống cơ sở còn chậm. Công tác truyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hội viên ND, nhất là cấp cơ sở nhiều nơi còn hạn chế.
Nhiều nơi chất lượng sinh hoạt chi Hội còn thấp, chưa thường xuyên, chậm đổi mới, kém hiệu quả, nội dung sinh hoạt đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của hội viên ND; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp, thậm chí có nơi, có lúc không sinh hoạt. 
Một số nơi công tác công tác phát triển hội viên khó khăn, công tác quản lý hội viên chưa chặt chẽ, nhất là hội viên đi làm ăn xa, hội viên lao động trong các khu công nghiệp, chất lượng hội viên chưa cao. Công tác vận động, tập hợp, phát triển hội viên vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo còn khó khăn.
Việc tiếp cận nguồn vốn, huy động nguồn lực của xã hội thông qua các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ cho hội viên ND phát triển sản xuất, kinh doanh còn ít, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển các mô hình chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. 
Một số nơi chưa thường xuyên nắm bắt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn bức xúc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, ND và quan tâm tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ ND để nâng cao chất lượng hội viên và phát triển hội viên mới.
Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn: 
Thứ nhất, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là cơ sở mấu chốt để vận động, tập hợp, thu hút hội viên, ND; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên vào tổ chức hội; mở rộng thành phần, đối tượng hội viên;
Thứ hai, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; phải kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, bức xúc, tâm tư nguyện vọng của hội viên ND; 
Thứ ba, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND, tổ chức tốt các phong trào mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực là động lực thu hút ND; 
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; kịp thời sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Giải pháp phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên 
Xuất phát từ tình hình thực trạng phát triển hội viên ND, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội NDViệt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập:
Một là, các cấp Hội cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đến cán bộ, hội viên ND những vấn đề mới, để hội viên ND đều được thông tin và nắm bắt đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Hội, chỉ thị, nghị quyết của Hội; về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác dân tộc, tôn giáo và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với công tác Hội và phong trào ND gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII; quan tâm giáo dục lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của Hội; truyền thống văn hóa, văn hiến; truyền thống đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc cho cán bộ, hội viên, ND.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức vận động, tập hợp hội viên, ND phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới: Mở rộng thành phần, đối tượng hội viên, chú trọng phát triển hội viên là ngư dân vùng bãi ngang ven biển, ND vùng đồng bào có đạo; cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, nhà khoa học, doanh nhân đã và đang công tác, học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn. 
Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, ND, nhất là ND các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. Các hoạt động của Hội đều hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên, ND và coi sự tham gia của hội viên, ND về hoạt động công tác Hội và phong trào ND làm thước đo đánh giá chất lượng công tác Hội và đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ Hội và nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên; nghiên cứu triển khai các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội ở cơ sở, nhất là tổ chức Hội ở những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, gắn sinh hoạt Hội với các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, ND, làm tốt công tác quản lý hội viên; gắn nội dung sinh hoạt, hoạt động của chi, tổ Hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên ND, của tổ, nhóm, câu lạc bộ ND. Quan tâm phát triển các câu lạc bộ theo nhu cầu, sở thích của hội viên…


Cán bộ Hội ND tham quan vườn cây ăn quả của hộ ông Phạm Văn Đắc - thành viên Chi hội Sản xuất hữu cơ thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh IT

Bốn là, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp ND, thu hút và phát triển hội viên ND thông qua các phong trào, các chương trình hoạt động của Hội như: Phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho ND phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm thành lập chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp mới trong các thôn, bản, khu vực dân cư, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị; phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí “5 tự, 5 cùng”. Thông qua các dự án đang được đầu tư vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và các tổ chức tài chính, tín dụng khác và các chương trình, dự án hỗ trợ của Hội ND để xây dựng mô hình chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp. Lấy hội viên ND sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi hội ND nghề nghiệp, tổ hội ND nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.
Năm là, chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp… đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ giúp ND phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho hội viên ND. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ ND liên doanh, liên kết, hợp tác hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp; xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị.
Sáu là, quan tâm xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tổ chức xây dựng Hội các cấp đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động hội viên, ND. Có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác vận động hội viên ND. Đổi mới và nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội. Tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền các cấp tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ cơ sở Hội và chi Hội.
Bảy là, tích cực phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình hội viên ND, các “gương người tốt, việc tốt”, hội viên ND sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên ND tiêu biểu, điển hình trong lao động, sản xuất, hoạt động chính trị, xã hội, xây dựng NTM. Tổ chức tôn vinh ND xuất sắc, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tổ chức các cuộc thi ND với công nghệ thông tin, sáng tạo kỹ thuật nhà nông, ý tưởng nhà nông, nhân rộng các điển hình sáng tạo của ND. Phát động cuộc vận động thực hiện “Xây dựng giá trị hình mẫu người ND trong thời kỳ mới”; phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng các hình mẫu ND trên các lĩnh vực hoạt động của Hội để nhân rộng. Tổ chức giao lưu, tọa đàm với các gương điển hình trong các buổi sinh hoạt chi Hội, tổ Hội. Đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu hội viên ND ưu tú cho các cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp.