Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Trị: Đồng thuận bảo vệ môi trường

Hoàng Tính - 07:12 15/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Quảng Trị có đường biển dài 75km, có nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và ngư trường khoảng 8.400km2 với nhiều loại hải sản qúy hiếm, có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững đã được tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai trong những năm qua.
Bỏ rác đúng nơi quy định, mô hình thu gom rác thải hiệu quả tại bãi biển thị trấn Cửa Việt.

Đồng thuận tham gia bảo vệ môi trường

Quảng Trị có 4 huyện ven biển là: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 1 huyện đảo Cồn Cỏ nằm cách bờ 28km. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường biển và phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển tỉnh Quảng Trị không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Phát huy những giá trị về biển trong phát triển kinh tế, cũng như các địa phương khác tỉnh Quảng Trị cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; nhất là tình trạng xả rác thải bừa bãi của cộng đồng dân cư ven biển và của du khách tại các bãi tắm, vào các kỳ nghỉ lễ đang ở mức đáng báo động.

Những năm qua, các cơ quan, tổ chức đoàn thể ở tỉnh như Sở Tài nguyên và Môi Trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt là cộng đồng dân cư ven biển về tác hại của rác thải đối với đời sống con người nói chung và đối với biển nói riêng.  

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh Quảng Trị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và kiểm soát các hoạt động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải ven biển và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển.

Nhiều hoạt động, chương trình được tổ chức để tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường biển như: “Hãy làm sạch biển”, “Tuổi trẻ chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”, “Chủ nhật xanh làm sạch biển” để thực hiện nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường biển như: Thu gom, tiêu hủy rác thải; trồng các loại cây chắn gió tại khu vực ven biển; tuyên truyền, vận động người dân các xã ven biển thu gom rác thải… 

Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung và cư dân ven biển trong việc chung tay bảo vệ môi trường. 

Phát huy lợi thế vùng cửa biển, những năm qua người dân thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã tập trung phát triển các ngành nghề chính là khai thác, đánh bắt và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá… trên địa bàn đã có đội tàu với hơn 200 chiếc.

Để phục vụ cho mỗi chuyến đi biển đánh bắt thuỷ sản, các chủ tàu sẽ phải mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết để sinh hoạt như: Mỳ tôm, nước khoáng, nước ngọt, túi ni lông để đựng thực phẩm… Bởi vậy, toàn bộ rác thải nhựa sau sử dụng nếu không có biện pháp thu gom, thì khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm cho sinh vật biển và hệ sinh thái biển là điều khó tránh khỏi.

Nhận thức rõ vấn đề, vì vậy trong thời gian qua công tác tuyên truyền đã được các cấp Đảng uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội đoàn thể của thị trấn Cửa Việt tích cực triển khai thông qua hệ thống loa phát thanh, biển báo pano áp phích, các cuộc họp… đến người dân và đặc biệt là các chủ tàu trên địa bàn. Từ việc tuyên truyền đó mà các chủ đầu đã cùng nhau ký cam kết không vứt rác ngoài biển khơi.

Người dân tỉnh Quảng Trị chung tay thu gom rác thải tại bờ biển.

Khách du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường biển

Trước đây, Cồn Cỏ vốn là một đảo quân sự không có cư dân sinh sống, chỉ có các đơn vị bộ đội đóng quân tại đó. Từ khi thành lập huyện đảo để tập trung phát triển du lịch, trên đảo đã có một số hộ dân tình nguyện ra ở lại xây dựng đảo.

Những năm gần đây, Cồn Cỏ ngày càng thu hút nhiều du khách tới thăm quan. Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển đó là việc môi trường bị ảnh hưởng, lượng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi cũng tăng lên. Chính vì vậy, để giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường, chính quyền, người dân và những người làm du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đã triển khai quy chế bảo vệ tài nguyên và môi trường, trong đó ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong bảo vệ tài nguyên - môi trường. Bên cạnh đó, huyện Cồn Cỏ cũng phát động các phong trào “Nói không với túi ni lon”, “Chống rác thải nhựa”, “Bỏ rác đúng nơi quy định”, “sử dụng vật liệu thân thiện môi trường”… mang lại hiệu quả thiết thực.

Chị Nguyễn Thị Mai (Du khách Đà Nẵng) thăm quan huyện đảo Cồn Cỏ cho hay: Tôi thấy nhiều vùng biển không giữ được cảnh quan môi trường sạch đẹp như ở huyện đảo Cồn Cỏ, lý do là nhiều khách vô tình hoặc thiếu ý thức đã để lại rác thải nhựa trong quá trình di chuyển, thăm quan gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến môi trường cho những người đến sau. Nhưng khi ra huyện đảo Cồn Cỏ du lịch, chúng tôi đã được hướng dẫn viên du lịch và các chủ tàu chia sẻ về việc bảo vệ môi trường, đơn giản nhất là từ việc bỏ những vỏ chai nước sau khi dùng đúng nơi quy định, điều này sẽ góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường biển nơi đây. Chúng ta mỗi người khách du lịch khi đến với huyện đảo Cồn Cỏ cần chung tay bảo vệ môi trường để giữ được một huyện đảo Cồn Cỏ luôn xanh-sạch-đẹp. 

“Trước đây chúng tôi suy nghĩ biển cả mênh mông, có bỏ thêm một vài cái chai, túi nilon… thì cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng từ khi được nghe báo đài tuyên truyền, nhất là khi cập bờ được rất nhiều kênh thông tin tuyên truyền về việc vứt rác ngoài biển gây hại như nào. Chính vì vậy, tôi cùng các thành viên trên tàu đã tự bảo nhau, thu gom lại các túi nilon, vỏ non bia… khi tàu về bờ thì bỏ vào thùng rác đúng theo quy định”.
Ông Võ Văn Hai – Chủ tàu ở Thị trấn Cửa Việt.