Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sống khỏe nhờ liên kết trồng mía

Thanh Thắng - 07:16 05/12/2021 GMT+7
Những năm gần đây, người trồng mía ở Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu thấp, nắng hạn mất mùa… Để giúp người nông dân miền núi yên tâm với cây mía, tỉnh Phú Yên đã có nhiều giải pháp nhằm ổn định diện tích, ổn định giá thu mua nguyên liệu và hỗ trợ giống, vật tư để giảm chi phí ban đầu…
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam thu hoạch mía bằng máy tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Ảnh: Ngô Xuân.

Có thu nhập ổn định nhờ ký kết với nhà máy

Từ năm 2020 đến nay, giá mía nguyên liệu tăng cao giúp nhiều người dân vùng núi các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có thu nhập ổn định. Cùng với việc hỗ trợ người dân từng bước chuyển sang cơ giới hóa trong việc trồng và thu hoạch mía, các địa phương miền núi của tỉnh này liên kết với các nhà máy đảm bảo thu mua hết lượng mía người dân trồng.

Những ngày cuối năm, thời tiết ở huyện Sơn Hòa thường xuyên có mưa nên cây mía xanh tốt trở lại sau thời gian khô hạn kéo dài. Anh Y Kiên (33 tuổi), người dân tộc Chăm H’roi ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội cho biết, gia đình anh canh tác 1,9ha mía, trung bình hàng năm gia đình anh thu hơn 120 tấn mía.

Với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn mía (giá bán năm 2020), trừ tất cả chi phí, gia đình anh Y Kiên còn lãi hơn 70 triệu đồng/vụ. Anh Y Kiên nói rằng, cây mía đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã miền núi Sơn Hội.

“Trước khi thu hoạch mình phải tự tay róc bớt lá cây mía, để đến khi chặt công nhân sẽ chặt mía sát gốc, sau đó khi cây mía lên cũng dễ chăm sóc. Thu nhập từ mía tính theo từng năm, năm vừa rồi gia đình đạt 900.000 đồng/tấn. Nếu giá thu mua mía nhà máy vẫn trả như năm trước hoặc cao hơn thì người trồng mía có thu nhập, đời sống sẽ được nâng cao”, anh Y Kiên bày tỏ.       

Từ năm 2017 - 2019, giá mía ở tỉnh Phú Yên xuống thấp, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến năng suất nên nhiều người ở huyện Sơn Hòa đã bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác nên diện tích mía giảm đáng kể. Từ năm 2020 đến nay, khi giá mía ổn định, các nhà máy thu mua mía và chính quyền địa phương tăng cường việc chuyển giao công nghệ mới trong trồng cây mía cho người dân nên diện tích mía nguyên liệu đã tăng trở lại.

Vụ mía năm nay, huyện Sơn Hòa sản xuất khoảng 8.500ha, khi cây mía đến mùa thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (công suất 10.000 tấn mía/ngày) đóng ở huyện Sơn Hòa thu mua hết mía cho người dân.

Trước tình hình khó khăn của người trồng mía, Công ty KCP đã sớm đưa ra các chiến lược nhằm tăng cường chính sách tái đầu tư để khuyến khích người dân khôi phục lại vùng nguyên liệu. Cụ thể, đầu vụ ép, KCP áp dụng giá mua mía 1,03 triệu đồng/tấn mía cây tại ruộng (mía 10 CCS); sau đó tăng lên 1,08 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía của KCP cũng được tăng cường.

Ngoài các chính sách đầu tư cũ, KCP còn hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha đối với mỗi hộ trồng mới bằng phương pháp thông thường; hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha với hộ trồng hàng cách hàng 1,2m; hỗ trợ 6 triệu đồng/ha với các hộ trồng mía bằng phương thức trồng bằng hố. Những hộ có đất trống bỏ hoang hoặc chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng mía sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, KCP còn đầu tư 1 máy thu hoạch mía công suất 15-20 tấn/giờ để hỗ trợ người dân thu hoạch mía.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty KCP cho biết: Thời gian cao điểm, vùng nguyên liệu mía của KCP đạt hơn 22.000ha. Sau đó, do ảnh hưởng của thời tiết, cộng với giá mía xuống thấp nên diện tích vùng nguyên liệu mía của KCP chỉ còn hơn 12.000ha. Sau khi tăng cường các chính sách khuyến khích đầu tư, đến nay, người nông dân đã “mặn mà” hơn với cây mía. Hiện diện tích đăng ký trồng mới, trồng lại khoảng 6.000ha. Dự kiến, tổng diện tích mía cho vụ tới đạt khoảng 16.000ha. Đến nay, doanh nghiệp đã hỗ trợ không hoàn lại cho bà con khoảng 38 tỉ đồng tiền đầu tư và 12 tỉ đồng tiền lãi suất.

Ông Y Phú ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, phấn khởi: Chưa năm nào giá mía và các chính sách đầu tư của KCP cao như năm nay. Nhà tôi trồng 3ha mía, vừa thu hoạch được hơn 1ha, đạt năng suất gần 100 tấn/ha; chữ đường bình quân trên 10 CCS. Vụ tới, gia đình tôi trồng mới hơn 6 sào mía. Chúng tôi sẽ tăng cường chăm sóc, phân bón, nước tưới… để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.

Người dân rọc lá mía để cây mía phát triển tốt hơn.

Thoáng đầu ra để phát triển vùng nguyên liệu

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, huyện xác định cây mía và cây sắn là 2 loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, huyện Sơn Hòa đang gặp một số khó khăn do thiếu nhân lực thu hoạch mía cuối vụ.

“Huyện đang tính làm sao chuyển đổi dần cơ giới hóa giúp người nông dân vì đây là vấn đề hết sức quan trọng. Những năm tới vấn đề cạn kiệt lao động sẽ là vấn đề lớn nhất làm cho giá thành mía tăng cao. Huyện sẽ hướng người nông dân tích tụ ruộng đất và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cây mía. Vấn đề này huyện sẽ cùng với tỉnh xây dựng chiến lược, làm sao người nông dân đảm bảo có một khoảnh ruộng đủ lớn đưa vào cơ giới hóa, cày, cỏ, thu hoạch giúp nâng cao năng suất và thu nhập cho bà con”, ông Phụng khẳng định.

Do địa hình miền núi và cây mía trồng tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín đồng loạt gây trở ngại cho việc thu hoạch. Hơn nữa, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất mía trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và vận chuyển. Đây cũng là một trong những khó khăn mà ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đang tập trung tháo gỡ cho bà con trồng mía ở miền núi. 

Ông Đào Lý Nhỉ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại những vùng trồng mía chưa hiệu quả và đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân trồng mía áp dụng công nghệ mới.

“Cây mía đã giúp cho bà con giàu lên tuy nhiên chế độ khuyến khích hiện nay vẫn còn hạn chế, chủ yếu doanh nghiệp có hỗ trợ bà con trồng theo công nghệ cao và thu hoạch. Phía chính quyền chủ yếu xây dựng một số mô hình khuyến nông áp dụng công nghệ cao như tưới nước tiết kiệm, trồng theo mô hình công nghệ mới”, ông Nhỉ cho hay. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, niên vụ mía năm 2019-2020 năng suất mía đạt 65 tấn/ha, với giá bán cao nhất từ trước đến nay đạt hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Năm nay, toàn tỉnh Phú Yên sản xuất hơn 21.000ha mía nguyên liệu tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân.