Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trái ngọt từ nông thôn mới ở xã vùng cao Yên Bái

Nguyễn Lan - 09:41 07/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Xác định mục tiêu cốt lõi trong thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao là nâng cao thu nhập cho nhân dân; Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Thượng Bằng La đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế tổ hợp tác, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả

 

Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về chăm sóc cây cam để giữ vững Chỉ dẫn địa lý Cam Văn Chấn.

Bức tranh nông thôn mới bừng sáng

Thượng Bằng La là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sớm về đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2016. Xã cũng là điểm sáng của huyện đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng cây ăn quả có múi 327ha ở thôn Thiên Bữu, thôn Nông Trường, thôn Trung Tâm; trồng măng điền trúc 50ha ở thôn Dạ; vùng trồng cây lâm nghiệp 300ha ở thôn Văn Tiên, thôn Yên Hưng.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Thượng Bằng La đã huy động được nguồn lực to lớn từ sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu cho nông thôn mới. Tới nay, 100% số tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa; các tuyến đường liên xóm được cứng hóa đảm bảo đi lại thuận tiện; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang.

Đến Thượng Bằng La hôm nay dễ dàng bắt gặp cảnh người dân cùng nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng và cắt tỉa hoa tại trục đường. 100% khuôn viên tại nhà văn hóa thôn đều được trồng cây bóng mát; 100% các tuyến đường trong xã, thôn đều có rãnh, cống đảm bảo thoát nước không để lầy lội, úng ngập khi mưa làm hư hỏng mặt đường hoặc gây sạt lở.

Ngoài ra, xã đã thực hiện lắp các biển báo giao thông tại các điểm giao nhau tại các trục đường giao thông trong xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, đường trục thôn xóm, đường liên thôn xóm. Toàn bộ 15/15 thôn có hệ thống đèn chiếu sáng.

Hiện cả 15/15 thôn trong xã đều có đội bóng chuyền, đội văn nghệ, câu lạc bộ thơ ca, câu lạc bộ dưỡng sinh sinh hoạt hàng ngày tại nhà văn hóa thôn để cho nhân dân cùng giao lưu, tham gia rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, xã còn có 1 đội văn nghệ dân gian liên thế hệ chuyên về hát then, múa dậm thuông, đàn tính; câu lạc bộ thể thao môn bóng đá nữ và nhiều các câu lạc bộ khác...

Đặc biệt, thôn Nông Trường đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên việc phát triển kinh tế hàng hóa, đầu tư diện mạo làng quê được chính quyền thôn hết sức quan tâm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại thôn đã nâng lên trên 50 triệu đồng. Các vùng sản xuất như cây ăn quả, lúa đã được áp dụng khoa học kỹ thuật. Thôn đang duy trì ổn định gần 100ha và phát triển thêm trên 15ha cam. Cùng đó, thôn có gần 20 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung.

  Hiệu quả từ nông nghiệp hàng hóa

Một trong những điểm nhấn mang lại sức sống mới cho Thượng Bằng La đó chính là xã đã hoàn thành rất tốt tiêu chí tổ chức sản xuất. Xã đã quan tâm thành lập đến 5 HTX và 17 tổ hợp tác. Trong đó có 2 HTX khai thác vật liệu xây dựng, 1 HTX trồng cây dược liệu, 2 HTX sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và các THT về nuôi trồng thủy sản, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi bò sinh sản.

Nhân dân trong xã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế

Tiêu biểu như HTX Lũng Lô đang tập trung trồng dược liệu trên diện tích 20ha. Để bảo đảm tính bền vững, các thành viên HTX luôn theo dõi thị trường, bám sát các chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu, trồng thử nghiệm và nhân rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường ở từng thời kỳ sau đó mới nhân rộng.

Mô hình trồng dược liệu của HTX đang thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia theo tinh thần lấy cộng đồng làm nòng cốt, tạo chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả và tận dụng tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện, HTX đã liên kết được với các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề đầu ra.

Ngoài vùng trồng dược liệu, xã Thượng Bằng La là một trong những vùng trồng cam, quýt chủ lực của huyện Văn Chấn với 13/15 thôn và trên 2.000 hộ trồng cam, quýt. Từ khi trồng cam, quýt đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

 Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mặc dù diện tích giảm khá nhiều, song việc xác định cam vẫn là cây trồng chủ lực. Đồng thời, để giữ vững chỉ dẫn địa lý Cam Văn Chấn, địa phương vận động bà con giữ vững diện tích hiện có để tập trung chăm bón cho cây sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng suất, hiệu quả. Đồng thời, xã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tìm nguồn cam giống chất lượng để người dân tập trung trồng, mở rộng diện tích, phấn đấu hết nhiệm kỳ 2025 đạt khoảng 400ha cam”. 

Nhờ làm tốt vai trò phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Thượng Bằng La đã xây dựng được vùng cây ăn quả 440ha ở các thôn Thiên Bữu, Nông Trường, Trung Tâm. Ngoài ra, xã còn hình thành vùng trồng măng điền trúc khoảng 400ha ở thôn Dạ; vùng trồng cây lâm nghiệp 300ha ở thôn Văn Tiên, thôn Yên Hưng; vùng lúa chuyên canh 2 vụ với diện tích 230ha; vùng sản xuất chè kinh doanh trên 116ha.

Những vùng nông sản hàng hóa được quy hoạch bài bản đã tạo nên bức tranh nông thôn đầy màu sắc cho Thượng Bằng La. Điều này cũng cho thấy phát triển kinh tế hàng hóa chính là đòn bẩy thuận lợi  để xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, xã tập trung nguồn lực hoàn thành tốt 3 tiêu chí là môi trường, bảo hiểm y tế và xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối tháng 11/2023, làm tiền đề để xã hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm theo đúng lộ trình, kế hoạch.

 Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh như: Chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa theo Nghị quyết 69 của Hội đồng nhân dân  tỉnh, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, để tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 dự ước đạt 50 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2016; Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95%; Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống người dân được thay đổi cả vật chất lẫn tinh thần.

TỪ KHÓA #nông thôn mới