Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vào cùng nhóm sở thích, nông dân giúp nhau làm giàu

Hoàng Tính - 07:05 17/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được thành lập từ năm 2020, sau 2 năm hoạt động ổn định, Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã trở thành địa chỉ để giúp các thành viên có kinh tế khá giả.

Người đi trước hướng dẫn người đi sau

Là người đi đầu trong việc lựa chọn đưa giống chim bồ câu Pháp về để nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã Giáp Sơn, anh Vi Văn Vít chia sẻ: Sau nhiều năm chật vật với nghề chăn nuôi từ: Gà, lợn, nhím… nhưng kinh tế vẫn bấp bênh. Năm 2015 tình cờ được người bạn giới thiệu về nuôi chim bồ câu Pháp để làm kinh tế, tôi thấy hấp dẫn và đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm chuồng trại và mua 200 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi.

Anh Vi Văn Vít đã thành công trong việc đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh Mạc Yến)

Bước đầu nuôi chim bồ câu Pháp anh Vít cũng gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, hơn nữa ở địa phương cũng chưa có mô hình nuôi chim bồ câu nào. Vì vậy anh đã phải tìm hiểu trên mạng Internet, học hỏi qua các video, sách hướng dẫn chăn nuôi, mất nhiều thời gian để đi đến các cơ sở chăn nuôi chim bồ câu trong và ngoài tỉnh Bắc Giang… để học hỏi kinh nghiệm, tích luỹ kiến thức.

“Thuận buồm xuôi gió” đàn chim bồ câu Pháp của gia đình anh Vít ngày một phát triển ổn định, trong quá trình chăn nuôi cũng gặp ít dịch bệnh hơn so với chăn nuôi các loại gia cầm thông thường khác.

Đặc biệt không giống như các vật nuôi khác, thịt chim bồ câu Pháp được khách hàng ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang… khá ưa chuộng, vì vậy anh Vít khá thuận lợi trong việc tìm đầu ra.

Đến năm 2017 gia đình anh Vít đã phát triển mô hình nuôi bồ cầu Pháp lên 3.000 cặp, bình quân mỗi tháng gia đình anh Vít xuất bán chim bồ câu Pháp thương phẩm, giống trên 1.000 cặp thu về trên 50 triệu đồng tiền lãi.

Từ thực tế phát triển của mô hình nuôi bồ câu Pháp của gia đình anh Vít, Hội Nông dân xã Giáp Sơn đã tổ chức cho các hội viên nông dân đến thăm quan, học tập mô hình này để phát triển kinh tế hộ gia đình. Cũng từ đó mà nhiều hội viên nông dân có sở thích nuôi chim bồ câu đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống… để nuôi. Đến nay toàn xã Giáp Sơn đã có 20 hộ gia đình lựa chọn chim bồ câu Pháp để phát triển kinh tế hộ gia đình (mỗi hộ đang nuôi từ 200 cặp đến 3.000 cặp).

Ông Tô Văn Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Sơn cho biết: Tháng 9/2020 Hội Nông dân xã Giáp Sơn đã hướng dẫn các thành viên nuôi chim bồ câu Pháp trên địa bàn xã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn với 8 thành viên; tổ trưởng là anh Vi Văn Vít vừa là người có kinh nghiệm lại trẻ tuổi năng động, không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm về nuôi chim bồ câu Pháp.

Với kinh nghiệm tích luỹ từ việc nuôi chim bồ câu Pháp anh Vi Văn Vít đã trở thành chuyên gia hỗ trợ các hộ gia đình ở địa phương trong việc nuôi chim bồ câu. (Ảnh Mạc Yến)

Anh Vi Văn Lượng – Thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn cho biết: Chúng tôi xác định không cần học đâu xa mà học ngay từ những thành công của người đi trước ở địa phương. Chính vì vậy từ khi thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn, anh Vít lại có thêm nhiệm vụ trở thành “Người thầy” hỗ trợ đắc lực cho các hộ gia đình chúng tôi trong việc xây dựng, làm chuồng trại, kích thước máng ăn, uống nước đến phòng trừ dịch bệnh… đến thị trường tiêu thụ. Người đi trước hướng dẫn người đi sau chính vì vậy giờ đây các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn chúng tôi đều có kinh tế khá giả.

 Đơn giản dễ làm, hiệu quả kinh tế cao

Qua thực tế chăn nuôi cho thấy, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn đã có nhiều ưu điểm: Dễ làm, sinh sản nhanh, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Chỉ mất vốn đầu tư ban đầu nhưng có tính phát triển bền vững. Bình quân, mỗi hộ chỉ cần đầu tư hơn 50 triệu để nuôi gần 200 đôi chim câu giống, sau gần 5 tháng cho sinh sản.

Ngoài gặp gỡ hằng ngày, định kỳ hằng tháng, những thành viên trong Tổ sẽ họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm tay nghề, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá cả và đầu mối tiêu thụ thành phầm. Đồng thời Tổ cũng tìm nguồn thức ăn rẻ, ổn định cho toàn bộ các thành viên, nhờ đó đến nay, việc sản xuất marketing thương mại của những Tổ đã đi vào nền nếp.

Giờ đây các thành viên của Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn đều có kinh tế khá giả nhờ chăn nuôi chim bồ câu Pháp

Theo tính toán của các thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn mỗi ngày 1 cặp chim bồ câu tốn khoảng 1.000 đồng tiền thức ăn, một tháng như vậy là 30.000 đồng/cặp. Hiện mỗi cặp chim giống bán ra là 200.000 đồng/cặp và 1 cặp chim thịt có giá từ 120.000-130.000 đồng/cặp trừ hết mọi chi phí mỗi tháng lợi nhuận mang lại khoảng 50.000 đồng đến 60.000 đồng/cặp.

Để hỗ trợ cho nông dân nuôi chim bồ câu xã Giáp Sơn và Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn phát triển chăn nuôi, thời gian vừa qua Hội Nông dân xã Giáp Sơn còn phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương, Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang để mở những lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi chim bồ cầu, tổ chức các đoàn đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm nuôi bồ câu ở trong và ngoài tỉnh Bắc Giang để có thêm những kinh nghiệm trong và phát triển kinh tế từ chim bồ câu Pháp.

Ông Hải cho biết thêm: Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình của Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn, các thành viên trong Tổ vừa được học hỏi kinh nghiệm từ thực tế ngay tại địa phương, lại có thể giúp đỡ lẫn nhau được thuận lợi trong phát triển kinh tế. Trong thời gian tới Hội Nông dân xã Giáp Sơn sẽ tuyên truyền để nhân rộng ra một số chi hội trong xã, đồng thời thành lập các tổ nhóm sản xuất, tạo hướng đi bền vững cho mô hình.

Kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp của Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn:

Giống chim bồ câu Pháp thuộc loại dễ nuôi, rất thích hợp với môi trường nuôi nhốt công nghiệp. Bồ câu Pháp là loài ưa sạch nên phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

Phải đảm bảo chế độ 2 bữa ăn/ngày đầy đủ dinh dưỡng để bồ câu sinh sản đều đặn và lớn nhanh. Thức ăn cho bồ câu là lúa, ngô, đậu xanh trộn với một ít thức ăn công nghiệp.

Ngoài ra, phải tiêm thêm thuốc phòng bệnh, thuốc bổ đúng định kỳ cho bồ câu…