Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cây bưởi đánh thức tiềm năng đất gò đồi

Thành Long - 07:05 25/12/2021 GMT+7
Là địa bàn trung du, miền núi, huyện Hoài Ân (Bình Định) chủ yếu là vùng gò đồi, đất nghèo dinh dưỡng. Việc phát triển những vùng nông sản hàng hóa tưởng chừng là nhiệm vụ “bất khả thi”, tuy nhiên nhiều năm nay, người dân đã mạnh dạn đưa cây bưởi da xanh bén duyên vùng đất này.
Ông Võ Đông Sơ chia sẻ về hiệu quả của cây bưởi da xanh.

Những triệu phú bưởi da xanh

10 năm trước, khi nhiều mô hình cây trồng thất bại thì cây bưởi da xanh bắt đầu được trồng khảo nghiệm ở huyện trung du miền núi Hoài Ân. Qua 10 năm khảo nghiệm, cây trồng này khẳng định hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cho người nông dân nơi đây. Ban đầu chỉ vài hộ trồng thử, giờ đây bưởi da xanh trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Hoài Ân.

Ông Tăng Doãn Kích là một trong những người đầu tiên trồng bưởi da xanh ở xã Ân Thạnh (Hoài Ân). Ông cho biết, thời gian đầu, ông chỉ trồng khảo nghiệm 20 gốc, 3 năm sau cây cho quả. Điều bất ngờ là năng suất và chất lượng bưởi lại ngon hơn cả bưởi da xanh nhập từ các tỉnh phía Nam về. Cứ thế, ông dần dần trồng thêm, đến nay vườn đã có trên 100 gốc bưởi. Trung bình 1 cây cho 50 quả, mỗi quả từ 1,5 - 2,5kg, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi cây cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng, hiệu quả kinh tế hơn tất cả các loại cây trồng khác nên đã được người dân chú ý, học hỏi và trồng nhiều hơn. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ bưởi da xanh.

“Ban đầu gia đình trồng thử bưởi thấy rất hiệu vì cây có múi rất hợp với đồng đất ở nơi đây nên bưởi ăn rất ngon, chất lượng tốt được nhiều nơi công nhận”, ông Kích chia sẻ.
Tại thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), gia đình ông Võ Đông Sơ cũng đổi đời nhờ mạnh dạn trồng bưởi da xanh. Hiện vườn của gia đình ông đang có 50 gốc bưởi cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Ông còn liên kết với các hộ dân trồng gần 3ha bưởi da xanh. Người dân bỏ công chăm sóc, còn ông bỏ giống và lo đầu ra sản phẩm.

Theo ông Sơ, khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Hoài Ân phù hợp với cây bưởi da xanh, nhưng muốn trồng thành công phải có tính chuyên cần, phải xem trồng bưởi là nghề chính của mình. Đặc biệt, giống bưởi hay sinh nấm, nhất là vào mùa mưa. Mỗi lần như vậy, vợ chồng ông mua miếng cọ nồi về xịt nước, cọ sạch cả vườn bưởi. Vườn bưởi của gia đình ông Sơ đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

“Hàng ngày vợ chồng tôi đều phải có mặt ở vườn bưởi để chăm sóc, kiểm tra rễ, thân cây, sâu bệnh… Nếu bưởi có dấu hiệu đốm trắng, hồng trên thân cây là xử lý ngay”, ông Sơ cho hay.

Ông Sơ cũng cho biết, trên địa bàn huyện Hoài Ân còn nhiều vườn bưởi da xanh nổi tiếng như của ông Huỳnh Công Chính (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) có hơn 100 gốc bưởi cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Tiến Trung (ở xã Ân Tường Tây) thu về 150 - 170 triệu đồng/năm… Nhờ cây bưởi da xanh, những khu vườn trước đây chỉ toàn cây tạp giờ đã trở thành vườn cây sinh lợi, giúp nhiều gia đình ở Hoài Ân thoát nghèo.

Bưởi da xanh ở Hoài Ân đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Nâng tầm thương hiệu bưởi Hoài Ân

Theo UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có khoảng hơn 300ha bưởi da xanh, trong đó có 160ha đã cho quả. Mỗi hec-ta cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, cây bưởi da xanh nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hoài Ân và được quy hoạch và phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020.

Từ năm 2016, huyện Hoài Ân đã quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo lại vườn nhà, vườn đồi theo hướng giảm diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: bưởi da xanh, bơ, dừa xiêm, mít Thái…

Để thu hút người dân tham gia cải tạo vườn tạp, huyện Hoài Ân đã triển khai chính sách hỗ trợ 100% cây giống và một phần chi phí xây dựng hệ thống dẫn nước, phân bón 3 năm đầu để nông dân phát triển cây ăn quả. Huyện Hoài Ân tiên phong xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP, nhờ đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với bưởi Hoài Ân.

Từ năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 1.594 ha/10 xã trên địa bàn, trong đó diện tích trồng bưởi da xanh gần 900ha. Hiện, UBND huyện Hoài Ân đang ưu tiên phát triển diện tích, hỗ trợ kỹ thuật, vốn... đối với nông dân trồng bưởi da xanh để tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân”.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, bất cập trong khâu tiêu thụ, địa phương phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Bình Định triển khai các giải pháp đưa bưởi da xanh Hoài Ân tiêu thụ rộng rãi và trở thành cây xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Ông Tăng Văn Trương, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết: Giống bưởi da xanh được trồng tại địa phương có chất lượng ngon vì rất phù hợp với đất Hoài Ân. Qua thử nghiệm thành công cây ăn quả, huyện cũng đã có chủ trương phát triển cây bưởi da xanh để tạo sản phẩm hàng hóa lớn, tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển cây trồng này.

Huyện Hoài Ân cũng xác định, sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân”, địa phương hình thành các nhóm liên kết để các hộ trồng bưởi hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ. Song song với việc xây dựng sản phẩm bưởi sạch, huyện Hoài Ân phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, hình thành chuỗi liên kết mở rộng diện tích đầu tư, từng bước hướng đến xuất khẩu. Giờ đây, cây bưởi da xanh ở Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang có chủ trương khuyến khích bà con mở rộng diện tích và tập trung phát triển sản phẩm bưởi sạch. “Bưởi Hoài Ân hiện nay mang lại hiệu quả tương đối cao, vì thế trên cơ sở dự án phát triển nông thôn miền núi của tỉnh sẽ mở rộng diện tích cây trồng này, đặc biệt là tại các vùng diện tích trước kia đã sản xuất một số cây trồng khác nhưng chưa phù hợp”, ông Phúc khẳng định. 

Trung bình 1 cây cho 50 quả, mỗi quả từ 1,5 - 2,5kg, với giá bán dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, mỗi cây cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng, hiệu quả kinh tế hơn tất cả các loại cây trồng khác nên đã được người dân chú ý, học hỏi và trồng nhiều hơn.