Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sản phẩm OCOP `nở hoa`, nông thôn mới Hương Sơn chuyển mình    

Bùi Ánh - 13:32 18/01/2022 GMT+7
Chỉ sau 3 năm triển khai Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, huyện Hương Sơn có đến 48 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, qua đó trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong việc lan tỏa chủ trương này.

OCOP mở ra quy hoạch vùng nguyên liệu, thúc đẩy liên kết

Những con số thống kê mà Hương Sơn đạt được hết sức ấn tượng, bởi đó là thành quả kết tinh trên mảnh đất biên viễn với nhiều khó khăn, thách thức luôn hiện hữu.

Từ khi triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần không nhỏ vào quá trình tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất quy mô nhỏ, manh mún sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cam bù - đặc sản mà khi nhắc tới ai cũng nghĩ ngay đến Hương Sơn, mỗi dịp tết đến xuân, về sản phẩm càng thêm đắt khách

Vẫn những con người đó, vẫn gắn bó mật thiết với ruộng đồng nhưng nhận thức, trình độ của họ đã được nâng tầm thấy rõ. Thay vì thụ động, trông chờ vào chính sách của Nhà nước, nay phần lớn đã chủ động mở mang cách nghĩ, mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở chế biến, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất theo đòi hỏi của thời cuộc.

Không dừng lại ở chất lượng đơn thuần, những nông dân thời 4.0 còn chú trọng đến hình thức thông qua việc cải tiến mẫu mã bao bì, tem nhãn sản phẩm nhằm tạo thị hiếu, niềm tin cho số đông khách hàng.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá cao những sản phẩm đạt chuẩn OCOP của huyện Hương Sơn

Là vùng biên giới với xuất phát điểm thấp nhưng tốc độ phát triển thời gian qua của Hương Sơn rất ấn tượng, đó là nhờ đặc tính hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, biết tận dụng tối đa lợi thế thiên nhiên ban tặng để cụ thể hóa thành “mỏ vàng” đúng nghĩa.

Tiềm năng, lợi thế chỉ nằm trên giấy nếu không có sức người khai phá, từ những đồi núi bạt ngàn thẳng cánh cò bay nay dưới tán rừng đã hình thành những trang trại trồng trọt, chăn nuôi có thương hiệu… Mỗi loại mỗi vẻ, nhưng điểm chung là được thực khách ưu tiên lựa chọn, chỗ đứng trên thị trường ngày càng được củng cố.

Nhiều sản phẩm nhung hươu đạt chất lượng 3 sao, 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP.

Nhìn tổng quát, toàn huyện có đến 2.542 mô hình lớn nhỏ, thể hiện tính liên kết bền chặt trong sản xuất kinh doanh. Nổi bật có thể kể mô hình nuôi hươu quy mô 20 - 100 con. Đây là thành công từ việc liên kết của  Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn, Công ty CP Sơn An, DNTN Thuận Hà, HTX nhung hươu, hươu giống Sơn Lâm; mô hình cam liên kết của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn, HTX cam bù Trường Mai, HTX dịch vụ Nông nghiệp Sơn Hàm…

Từ những điều mắt thấy tai nghe, dễ hình dung chính sách phát triển sản phẩm OCOP tại Hương Sơn là tiền đề phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng bền vững, xứng đáng để nhà nông gửi gắm niềm tin.

"Thời gian tới, lộ trình phát triển Chương trình OCOP tiếp tục chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn. Từ đó xây dựng các chương trình, mục tiêu, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn; Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương trên toàn huyện để huy động nguồn lực và tập trung chỉ đạo thực hiện" - ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân huyện cho biết.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Chương trình OCOP đã góp phần tăng nhanh thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy phát triển nông thôn tại nhiều vùng miền, với riêng Hương Sơn đây là một trong những đòn bẩy để cụ thể hóa mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.

Trước và sau khi áp dụng Chương trình OCOP là 2 bức tranh khác nhau. Nhờ OCOP, tư duy làm kinh tế được đánh thức, nhà nông hoàn toàn có thể làm chủ trên chính “bờ xôi ruộng mật” của gia đình mình. Đặc biệt hơn là gầy dựng được những sản phẩm đặc trưng, đủ sức làm thỏa mãn ngay cả những khách hàng khó tính nhất.

Chẳng nói đâu xa, các sản phẩm nhung hươu (nhung hươu tươi, nhung hươu khô tán bột, nhung hươu khô thái lát, rượu nhung hươu, nhung hươu khô tán bột) sau khi “khoác lên mình” chiếc áo OCOP đã cực kỳ hút khách, sản xuất đến đâu "cháy hàng" đến đấy.

Sản phẩm thịt lợn rừng đạt chuẩn OCOP, giá trị sản phẩm ngày một được nâng cao

Những đổi thay ấy xuất phát từ cái tâm của người sản xuất. Đơn cử như nuôi hươu, dù cách làm này xuất hiện khá phổ biến nhưng khác biệt là ở khía cạnh tuân thủ quy trình. Nông dân nơi đây biết cách chăm bẵm vốn quý thông qua việc tuyển chọn kỹ chất lượng đầu vào. Hươu giống khỏe mạnh, lại được nuôi dưỡng theo phương pháp tự nhiên, thức ăn chủ yếu là sản phẩm có nguồn gốc từ dãy Trường Sơn hùng vĩ (lá ráng, lá xoan, lá mít…), kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, kinh nghiệm lâu năm của doanh nghiệp và người dân địa phương, nên đã tạo ra sản phẩm ưng ý cho người tiêu dùng.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nhung hươu. Hàng năm, công ty thu mua khoảng 1,5 tấn nhung hươu tươi để sơ chế và chế biến. Đối với nhung hươu tươi sau khi sơ chế sạch sẽ đem vào thái lát, hút chân không và bảo quản lạnh. Còn với nhung hươu khô tán bột thì kì công hơn nhiều, mặt hàng này được sấy ở nhiệt độ 50 – 70 độ C trong khoảng thời gian 100 giờ... Đưa ra ví dụ này để thấy, muốn thụ hưởng thành quả ngọt ngào, những người trong nghề phải trải qua quá trình dài "đổ mồi hôi, sôi nước mắt".

Nhung hươu khô tán bột đạt chất lượng 4 sao

“Triển khai Chương trình OCOP kết hợp thực hiện các chuỗi liên kết đã góp phần hình thành các mô hình chế biến cho hiệu quả kinh tế vượt trội, từng bước chiếm lĩnh thị phần trong và ngoài tỉnh - ông Trần Đình Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn trải lòng - Đòi hỏi từ người tiêu dùng trong xu thế mới rất cao, vì lẽ đó ngoài việc nâng tầm chất lượng sản phẩm công ty đã chủ động đẩy mạnh hình thức maketing, quảng bá rộng rãi thương hiệu thông qua Hội chợ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, Hội chợ OCOP, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao… Áp lực đặt ra rất lớn nhưng với cái tâm trong nghề, chúng tôi tin tưởng sẽ đi đến vạch đích”.

Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh đẩy nhanh chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ cam đặc sản
Chiều ngày 23/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Tĩnh, kết nối với 300 điểm cầu đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.